Nâng cao tỷ lệ lao động được ĐTN
Theo con số thống kê đến cuối tháng 6-2013, toàn tỉnh có 55 cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp (DN) có đăng ký hoạt động dạy nghề còn đang hoạt động; trong đó có 5 trường cao đẳng nghề, 1 trường đại học dạy trình độcao đẳng nghề, 7 trường trung cấp nghề, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp dạy trình độtrung cấp nghề, 13 trung tâm dạy nghề và 28 cơ sở khác có đăng ký hoạt động dạy nghề theo đúng quy hoạch mà UBND tỉnh phê duyệt. Và chỉ tính năm học 2011-2012, các cơ sở dạy nghề đã đào tạo hơn 38.000 học viên, trong đó cao đẳng nghề trên 2.400 người; trung cấp nghề trên 3.800 người; sơ cấp nghề trên 7.000 người và dạy nghề dưới 3 tháng trên 10.500 người… Lớp thực hành sửa chữa ô tô ở trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore
Để huy động DN tham gia ĐTN, thời gian qua, Bình Dương cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ DN tham gia ĐTN và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Từ đó, các cơ sở dạy nghề thực hiện các chương trình gắn kết với DN như đưa học sinh đến thực tập tại DN, làm quen với môi trường sản xuất, kinh doanh và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề theo đơn đặt hàng của DN. Hầu hết các trường dạy nghề đều có phòng quan hệ DN với nhiệm vụ gắn kết với DN để làm cầu nối đáp ứng các nhu cầu sử dụng đào tạo của DN với người học nghề. Hàng tháng, Bình Dương còn mở các phiên giao dịch việc làm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học nghề sau khi tốt nghiệp tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng chuyên môn đã được đào tạo.
Cần nhiều giải pháp hơn…
Theo đánh giá những năm qua, công tác dạy nghề trong tỉnh đã có những đóng góp đáng kể cho nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu lao động của các DN trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác dạy nghề vẫn gặp nhiều khó khăn mà rất cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn để bảo đảm đạt mục tiêu đến năm 2015 là trên 70% lao động qua đào tạo.
Ông Nguyễn Phùng Trung cho biết công tác dạy nghề ngày càng đóng góp đáng kể cho nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực để phục vụ nhu cầu lao động cho DN, tuy nhiên chất lượng và hiệu quả của nó vẫn còn hạn chế, bởi phần lớn chương trình dạy nghề ngắn hạn và lao động qua đào tạo chỉ đáp ứng các ngành nghề đơn giản. Ông Trung phân tích nguyên nhân là do ngành dạy nghề chưa có thương hiệu; tuyên truyền tư vấn hướng nghiệp cho học sinh chưa nhiều, nên số học sinh phổ thông hiểu đúng và lựa chọn học nghề còn ít. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thường chỉ xét tuyển ở một số ngành không nặng về cơ sở vật chất như kế toán, thư ký văn phòng, quản trị kinh doanh…
Sau khi phân tích, ông Trung cho rằng để công tác ĐTN trong thời gian tới đạt hiệu quả, Bình Dương sẽ nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích người lao động tham gia học nghề, nhất là lao động vùng nông thôn, vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bình Dương cũng sẽ xây dựng chính sách thu hút học sinh, sinh viên các trường nghề, nghệ nhân, người lao động kỹ thuật cao tại các DN trở thành giáo viên dạy nghề. Điều quan trọng là các cơ sở ĐTN phải chủ động phối hợp chặt chẽ với DN, xác định cụ thể ngành nghề và số lượng cần thiết để tổ chức tuyển sinh và ĐTN theo nhu cầu của DN; tiếp tục phát huy hiệu quả các trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn trong việc đa dạng hóa các hình thức học tập phù hợp với điều kiện, nhu cầu học tập của nhân dân; tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS và THPT; tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và dạy nghề.
THU THẢO