Đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa: Giải pháp hàng đầu là nâng cao chất lượng

Cập nhật: 29-09-2010 | 00:00:00

Những năm gần đây, Bình Dương có tốc độ kinh tế phát triển mạnh mẽ và được đánh giá là tỉnh năng động trong vùng kinh tế trọng điểm miền Đông Nam bộ. Để đáp ứng nhân lực cho một tỉnh công nghiệp, những năm qua ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh nhà đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng GD, từng bước tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần cùng với tỉnh sớm thực hiện thành công Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa (CNH-HĐH).

Chất lượng tăng

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đặng Thành Sang đã vui mừng cho hay, năm nay toàn tỉnh có 48,5% thí sinh đậu ĐH-CĐ, so với năm 2009 tăng trên 17%. Không chỉ tăng về số lượng, mà ngày càng có nhiều thí sinh thi đậu vào những trường danh tiếng như y dược, Bách khoa, Ngân hàng, Sư phạm, Kinh tế, Nông lâm... Qua thống kê cho thấy, nhiều trường có lớp trên 50% HS thi đậu ĐH-CĐ, riêng trường THPT chuyên Hùng Vương có trên 98% thí sinh đậu ĐH-CĐ; toàn tỉnh có trên 170 thí sinh thi đậu 2 trường ĐH, nhiều thí sinh thi đậu điểm cao. Đặc biệt, năm nay tỉnh có 2 thủ khoa Đại học Luật TP.HCM và Đại học quốc tế.

Năm nay toàn tỉnh có 87,75% học sinh thi đậu tốt nghiệp, tăng 9,44% so với năm 2009. Chất lượng tuyển sinh vào lớp 10  cũng tăng lên, điểm sàn xét tuyển của nhiều trường đã được cải thiện. Đặc biệt, các trường vùng xa đã có sự khởi sắc, điểm sàn xét tuyển nhiều trường đã tăng 9-10 điểm so với năm học trước.

Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giai đoạn 2010 - 2015, Tỉnh Đảng bộ  đề ra định hướng triển khai phát triển GD-ĐT đến năm 2020 theo quy hoạch. Bố trí quỹ đất và vốn đầu tư hợp lý để có điều kiện phát triển mạng lưới trường lớp theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Phấn đấu đến năm 2015 có 65 - 70% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia. Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở; đến năm 2012 hoàn thành phổ cập bậc trung học, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. nâng cao chất lượng các cấp học bậc phổ thông, tăng tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào cao đẳng, đại học hàng năm. Đào tạo giáo viên bằng nhiều hình thức, từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, bảo đảm đến năm 2015 có 100% giáo viên các cấp đạt chuẩn.

Những ai quan tâm đến giáo dục có thể nhận thấy khác biệt rõ nét nhất là khoảng cách giáo dục đã được rút ngắn giữa các vùng miền. Được sự chỉ đạo sâu sát của ngành, nỗ lực của thầy trò các trường, chất lượng giáo dục ở nhiều trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã vươn lên ngang bằng với một số trường phía nam. Số HS giỏi, tỷ lệ HS thi đậu tốt nghiệp THPT, đậu ĐH ngày càng tăng có thể kể như: trường THPT Phước Vĩnh, Tây Sơn (Phú Giáo), Phan Bội Châu, (Dầu Tiếng), Tân Bình, Thái Hòa (Tân Uyên)... Các trường có nề nếp dạy - học, kiểm tra tốt; có kế hoạch ôn tập chu đáo, phân công phân nhiệm giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phù hợp, có khen thưởng kịp thời thầy trò có thành tích, đặc biệt hiệu trưởng các trường đã thể hiện được vai trò quản lý tốt, có nề nếp...

 Nhiều biện pháp

Chất lượng giáo dục có sự khởi sắc như trên là do thời gian qua ngành đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng. Chỉ riêng giáo dục trung học, cùng với việc thực hiện đúng chương trình, sách giáo khoa, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo, tổ chức các sinh hoạt chuyên đề về phương pháp dạy học tích cực, có kế hoạch bồi dưỡng tin học cho giáo viên THPT giúp giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, sở cũng khuyến khích giáo viên có trình độ tin học xây dựng phần mềm  dạy học để phục vụ môn học giúp nâng cao chất lượng dạy học. Hội thi giáo viên dạy giỏi cũng đã kích thích đội ngũ nhà giáo tích cực thi đua, đổi mới phương pháp giáo dục.

Quan trọng nhất là ngành đã thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Hai không” của Bộ GD-ĐT. Các đơn vị trường học đã cụ thể hóa cuộc vận động qua kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh, tổ chức kiểm tra học kỳ nghiêm túc, bảo đảm chất lượng thật.  ông Trần Duy Tỵ, hiệu trưởng trường THPT Phước Vĩnh (Phú Giáo) cho biết, hưởng ứng cuộc vận động “hai không”, trường chúng tôi đã thực hiện “dạy thật, học thật, thi thật”. Giáo viên đến lớp nghiêm túc, dạy với tinh thần trách nhiệm cao và tích cực đổi mới phương pháp dạy. Trường tổ chức thi kiểm tra, thi học kỳ nghiêm túc như thi tốt nghiệp. Nhờ thầy cô gò vào khuôn khổ, HS siêng năng, chăm chỉ, nên năm qua trên 98% HS tốt nghiệp, tỷ lệ đậu đại học được cải thiện, đặc biệt có 3 lớp: 12A2 có 66,7%, 12A3 có 54,4%, lớp 12A6 có 30,8% HS thi đậu ĐH-CĐ.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng đã góp phần tạo nên chuyển biến về chất lượng, đồng thời nâng cao đạo đức, nhân cách nhà giáo.

Giải pháp nâng cao chất lượng

Dù đạt những kết quả đáng ghi nhận như trên, nhưng giáo dục tỉnh nhà vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn. Dù chất lượng giáo dục có tăng nhưng so ra vẫn còn thấp hơn một vài tỉnh lân cận. Ngành giáo dục nói chung, từng nhà giáo nói riêng đã thay đổi cách quản lý, đổi mới phương pháp giáo dục, nhưng có lúc có nơi người thầy vẫn chưa thật hết mình vì học trò, hoặc chưa thể hiện hết năng lực chuyên môn. Đứng về góc độ người lãnh đạo cao nhất ngành GD-ĐT, ông Dương Thế Phương, Giám đốc sở cũng tự nhận giáo dục phát triển chưa xứng tầm với tầm vóc của một tỉnh đang phát triển nhanh về công nghiệp như hiện nay. Thế nên, ngành có đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ CNH-HĐH. Ngành tiếp tục thực hiện tốt chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục với phương châm “dạy thật - học thật - thi thật - chất lượng thật”, coi đây là khâu đột phá trong năm học 2010 - 2011 làm tiền đề triển khai những giải pháp  về chuyên môn và quản lý nhằm khắc phục những yếu kém trong ngành, tạo môi trường giáo dục lành mạnh trong thời gian tới. Xây dựng trật tự kỷ cương, nề nếp trong dạy và học. Tiến hành rà soát, sắp xếp lại  đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Xây dựng đội ngũ này theo hướng chuẩn hóa, đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp, trình độ chuyên môn... Hoàn thiện cơ chế tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo theo địa chỉ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra chuyên môn và quản lý chất lượng giáo dục. Hàng năm tổ chức tuyên dương khen thưởng các nhà giáo và cán bộ quản lý có thành tích xuất sắc...

HỒNG THÁI

Nhà giáo ưu tú Văn Văn Phê, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Dĩ An: Đầu tư trường chất lượng cao ở mỗi huyện, thị

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, nhưng so với yêu cầu nâng cao chất lượng như hiện nay thì cũng chưa thấm vào đâu cả, vì vậy cần đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học ở các trường. Một việc quan trọng nữa là đầu tư đào tạo đội ngũ cán bộ giáo viên xứng tầm, vì tới đây Bình Dương sẽ trở thành thành phố. Cố gắng ở mỗi huyện thị đầu tư trường chất lượng cao, như vậy mới có nguồn. Cần đầu tư thêm cho trường THPT chuyên Hùng Vương, tốt nhất nên có khu nội trú cho học sinh như vậy chất lượng mới được nâng lên, có được đội ngũ học sinh chuyên tầm cỡ. Tỉnh Bình Phước đã có đầu tư đúng mức cho trường chuyên nên tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh đậu đại học  của họ rất cao.

Nhà giáo - Lương y Lê Hưng: Chú trọng đầu tư cho giáo dục mầm non và tiểu học

Theo tôi, ngành giáo dục nên chú trọng đầu tư cho GDMN và tiểu học, vì đây là những cấp học đầu đời của HS nên có ý nghĩa rất quan trọng. Trong khi hiện nay hầu như chúng ta chỉ chú ý đầu tư ở những bậc học cao hơn. Chất lượng bắt nguồn từ đào tạo. Muốn có HS giỏi thì đội ngũ sư phạm phải được huấn luyện sư phạm đúng mức. Người thầy phải có hiệu ứng tâm lý phù hợp với trình độ của HS, muốn vậy giáo viên phải được đào tạo thật kỹ. Ở nước ngoài, các nhà giáo thực hiện có hiệu quả phương châm “Lấy chơi làm học - học mà chơi”, trong khi đó giáo dục của chúng ta nặng về lý thuyết. Ngoài ra, theo tôi hiện nay đồng lương giáo viên chưa tương xứng, một bộ phận giáo viên phải dạy thêm kiếm sống nên họ không còn thời gian để nghiên cứu, cải tiến phương pháp giảng dạy.

Phụ huynh Nguyễn Hồng Ánh, phường Phú Lợi, TX.TDM:

Để bảo đảm chất lượng, ngoài xiết chặt đầu vào, theo tôi giáo viên cần rèn thêm kỹ năng giảng dạy. Hiện nay vẫn còn một bộ phận giáo viên còn dạy theo kiểu đọc chép. Bằng cách nào đó giáo viên giúp cho HS hiểu rằng các môn toán, lý hóa học có ích với thực tế, hiện nay nhiều em rất sợ học môn này. Đề thi, kiểm tra cần đào sâu được tính thông minh của học sinh, đồng thời cách ra đề kiểm tra sao cho HS không thể sao chép bài của nhau.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X