Dâu là con

Cập nhật: 20-04-2011 | 00:00:00
Vẫn có nhiều gia đình mà ở đấy, mẹ chồng yêu thương, bao dung và quý trọng con dâu, xem con dâu như con đẻ.   Chị Lăng Thị Minh Thảo, nhà 37/11C Nguyễn Văn Lượng, Q.Gò Vấp, TPHCM kể về mẹ chồng thật trìu mến. 12 năm trước, lúc chị mang thai con đầu lòng, mẹ chồng - bà Trần Thị Bê - đang dạy học ở Đồng Tháp đã xin nghỉ hưu non để lên chăm sóc cho dâu và cháu nội. Thoáng băn khoăn, bà tâm sự với đồng nghiệp thì nhận được lời cảnh báo “cũng khó ở lắm đó nghen!”. Nghe vậy thôi, chứ bà đã tự tin rằng mình sẽ là một mẹ chồng tốt. Nhớ đến lần đầu trò chuyện, bà Bê đã thấy thương mến con bé là bạn của con trai bởi cái nết ngoan hiền, lễ phép. Trước bàn thờ gia tiên hôm rước dâu về nhà, bà tuyên bố với hai họ: “Dâu là con gái trong nhà”.

 

Mà quả thật như vậy, mắt đỏ hoe, chị Thảo kể: “12 năm trời, hai lần tôi sinh con, bé lớn nay đã 12 tuổi, bé nhỏ gần vào lớp 1, một tay mẹ chồng chăm sóc, lo lắng từ lúc mình mang bầu rồi ở cữ. Mẹ lo lắng cho tôi còn hơn mẹ ruột chăm con gái”. Nhờ có bố mẹ mà vợ chồng chị Thảo mỗi người đều đã hoàn tất chương trình sau đại học. Sau giờ đi dạy, chị còn có thể phụ thêm nhiều việc ở công ty giúp chồng.

 

Có thể nói, khi cưới vợ cho con trai, mẹ chồng lại có thêm một người con, thêm những đứa cháu để yêu thương và chăm sóc. Ấy cũng là niềm vui lúc tuổi xế chiều của các bậc cha mẹ. Họ đã từng làm lụng vất vả lo cho con ăn học, xây dựng nghề nghiệp - gia đình, thì nay lại trở thành “sân sau” hỗ trợ tinh thần, săn sóc nhà cửa để con cái yên tâm làm việc, phát triển sự nghiệp.

 

Gia đình chị Trần Thị Tú Lan, nhà A1-8-02 chung cư Lê Thành, Q.Bình Tân, TPHCM là trường hợp như thế. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên xen lẫn sự ngưỡng mộ khi biết trong vỏn vẹn 65m2 đấy là một đại gia đình gồm: bố mẹ chồng, con trai, con dâu, cháu nội, cả cô em chồng cùng cậu em vợ. Đấy là nhờ sự khéo léo sắp đặt, điều phối của bà Lê Thị Kim Phượng, người mà đồng nghiệp và hàng xóm của chị Lan vẫn khen rằng “bà mẹ chồng tuyệt vời”.

 

Mỗi ngày khi vợ chồng chị Lan đi làm về, mọi thứ trong nhà đã đâu vào đấy, cơm ngon canh ngọt, nhà cửa sạch sẽ tinh tươm, cậu con trai hơn hai tuổi cũng được bà nội tắm rửa và cho ăn. Trong nhà, ai thích ăn món gì, chỉ việc “đặt hàng” bà trước một hôm. Thỉnh thoảng, bà lại làm món ngon cho con dâu mang vào công ty mời đồng nghiệp. Bà Phượng tâm sự: “Đâu có ai hoàn hảo, con dâu giỏi việc xã hội nên hơi vụng trong việc bếp núc cũng là chuyện thường”. Bà không muốn con dâu phải cực như thời xưa mình đã trải qua. Bà bảo thời đó vì ít chữ nên mới phải lao động chân tay. Bà khuyến khích con dâu tập trung lo công việc và tự hào bởi “nhỏ con dâu tui nó ham học, có chí cầu tiến lắm. Tui nói nó cứ yên tâm học thêm, ở nhà đã có mẹ lo”.

 

“Ngày con trai về khoe bạn gái, tự dưng trong lòng mình đã thấy thương thương con bé rồi”, bà Trần Thị Dung, nhà 24/1 đường TL13, KP.1, P.Thạnh Lộc, Q.12, TPHCM kể. Bà chính là người sắp đặt công ăn việc làm cho hai con dâu. Khi con dâu Anh Thư sắp sinh, thương con nhỏ người, bụng mang dạ chửa, bà bảo: “Thôi về ở chung để mẹ tiện chăm sóc”. “Mẹ thương em như đứa con bé nhất trong nhà. Mẹ hay nói, đêm hôm nó đã thức chăm con rồi nên mọi việc mẹ làm hết” - Anh Thư xúc động kể. Phan Thị Vân Khánh, cô con dâu lớn của bà Dung, làm nghề uốn tóc, trang điểm. Khi Khánh mang thai, sợ những hóa chất trong thuốc làm tóc ảnh hưởng đến con đến cháu, bà Dung bảo: “Con cứ nghỉ ở nhà, mẹ lo cho các con được, chỉ cần phụ mẹ những việc lặt vặt trong cửa hàng thôi”. Khánh nói: “Chị có thấy nhà ai mà bố mẹ chồng đi mua sách chăm sóc mẹ và bé, cắt thuốc từ ngoài Bắc, mua cả ấm thuốc về cho con dâu không?” rồi tự trả lời trong nụ cười hạnh phúc “bố mẹ chồng em là thế đấy”.

 

Gieo nhân nào gặt quả ấy

 

Thời nay, có lẽ rất khó để tìm được một “mô hình” nào như gia đình nhà bà Dung. Ba thế hệ cùng sử dụng chung một quỹ tài chính do bà Dung quản lý và tất thảy đều vui vẻ, hòa thuận. Mọi thu nhập của bố mẹ, con trai, con dâu đều nhập vào quỹ này, ai cần chi tiêu gì thì báo với bà Dung và rút ra. Có lần, vợ chồng Anh Thư cũng thử “ra riêng”, nhưng chẳng bao lâu lại xin nhập chung với mẹ, vì “không hiệu quả bằng”.

 

Mẹ chồng yêu thương, hòa thuận với con dâu là cách tạo dựng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Mẹ chồng có cơ hội truyền cho con dâu kinh nghiệm  ứng xử vợ chồng như “cơm sôi bớt lửa”, đợi đến khi chồng nguôi giận hãy nhỏ to tâm sự v.v. Tuy vậy, có tôn trọng nhau thì khi chung sống, mọi người mới dễ dàng hòa hợp. Chẳng hạn, về thực đơn ăn uống, cách dạy dỗ, chọn trường học cho cháu nội, bà Bê không can thiệp. Theo bà Trần Thị Dung, thời bây giờ khoa học đã tiến bộ, môi trường cũng thay đổi, những chuyện đó phải để con cái quyết định mới phù hợp, mình không thể áp cái cũ, cái xưa vào, không bảo thủ mãi được.

 

Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân gia đình FDC phân tích: “Khi con trai trưởng thành, bất cứ người mẹ nào cũng đã “đo ni đóng giày” cho mình một nàng dâu trong suy nghĩ. Thực tế thường hầu như trái ngược, nàng dâu của họ có thể khác hẳn về vùng miền, về gia phong, nền nếp đến cá tính, thói quen… Những mâu thuẫn trường kỳ, khó khắc phục cũng nảy sinh từ đây. Do vậy, người mẹ chồng cần chuẩn bị sẵn tâm lý “nhân vô thập toàn” đối với con dâu. Hãy đặt giả thiết, con dâu cũng như con gái mình về nhà chồng để yêu thương, dạy dỗ và cảm hóa. Tìm những ưu điểm của con dâu để sống.

 

Những cô gái khi về làm dâu mà thấy mẹ chồng khó tính thì cũng cần hiểu rằng, mẹ khó là vì muốn tốt cho con cái. Hãy xem “mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi” để yêu thương, để có một chút “chịu đựng” mà chiều theo những thói quen và ý thích của mẹ chồng. Đừng bao giờ mong thay đổi mẹ chồng hay nền nếp gia đình chồng bởi nó đã được thiết lập trong gần cả một (thậm chí hai - ba) đời người. Nàng dâu cũng đừng bao giờ đối đầu với mẹ chồng, bởi điều đó sẽ dồn người chồng vào thế rất khó xử, một bên là mẹ, một bên là vợ. Nguyên tắc quan trọng nhất là cần xét xem mẹ chồng có phải là người tốt, biết vun vén, chăm lo cho hạnh phúc của con cái hay không. Và nề nếp, thói quen của nhà chồng, tuy có khác biệt với mình nhưng hữu ích cho mọi người, giúp cuộc sống tốt hơn thì nàng dâu nhất thiết phải thay đổi theo. Trong trường hợp “đất trời” không ai chịu ai thì giải pháp khả dĩ nhất là vợ chồng ra riêng nhưng ở gần nhà chồng để vừa tránh được những mâu thuẫn do chung đụng, nhưng vẫn có thể chăm sóc nhau những khi “trái gió trở trời”.

 

Rõ ràng, hiện nay các bà mẹ chồng cũng dạy dâu đấy, nhưng không chỉ dạy bằng lời, họ còn dạy bằng cuộc sống của chính mình, bằng những gì họ làm. “Tự dưng” được có thêm một người con biết yêu thương, biết kính trọng, biết lo lắng cho bố mẹ chồng và sinh ra những đứa cháu đáng yêu, thế thì không lý do nào mình lại không đối đãi với người ấy bằng tình yêu thương của người mẹ.

 

“Tình thương sẽ hóa giải mọi mâu thuẫn, sẽ giúp mỗi người hành xử vì cái chung” - bà Dung tiết lộ “bí quyết”.

 

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên