Đấu trí trên bàn đàm phán

Cập nhật: 22-01-2013 | 00:00:00

Bài 2: Đấu trí trên bàn đàm phán 

Những cuộc họp xoay quanh Hiệp định Paris là những cuộc đấu trí cam go và quyết liệt nhất trong lịch sử ngoại giao. Từ những mẩu chuyện nhỏ như bàn với nhau chữ nghĩa, chuyện bắt tay hay chuyện cái bàn họp cũng phải đấu tranh quyết liệt, thể hiện quan điểm, lập trường ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh…

>> Bài 1: Cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử 

Đoàn Việt Nam vui mừng sau khi hội nghị Paris được ký kết

Kỹ lưỡng từ những chuyện nhỏ…

Ông Hà Đăng, nguyên là thành viên CP CMLT CHMNVN suốt trong 5 năm ký kết Hiệp định Paris cho biết, lúc đầu, tôi sang Pháp cứ tưởng là làm báo, đến nơi tôi được giao nhiệm vụ tham gia đoàn miền Nam với tư cách là chuyên viên. Lúc đó, tôi tham gia tổ nghiên cứu đấu pháp của cả miền Nam và miền Bắc dưới sự chỉ đạo của cấp trên. Để bàn biện pháp đấu tranh, trong từng phiên họp mình phải đưa ra cái gì, đưa ra như thế nào để đấu tranh có hiệu quả. Trong nhiều cuộc họp chung miền Bắc và miền Nam, tôi nhận ý kiến hai đoàn về viết bài. Lúc tôi mới sang, nguyên tắc chung của đoàn miền Nam và đoàn miền Bắc khi soạn thảo văn bản đều phải thông qua tập thể. Người viết tài liệu căn cứ vào ý kiến chỉ đạo chung. Xong rồi đưa ra tập thể góp ý và sau đó gửi cho các đồng chí Xuân Thủy, Lê Đức Thọ duyệt. Ông nói, phải kỹ lưỡng từ câu chữ. Có lần một thành viên trong đoàn xem văn bản tôi viết và bảo “Anh Đăng ơi, anh đả ngụy mà viết hiền lành quá, phải đánh cho đau vào”. Nói xong, người này đưa ra mấy bài đăng trên báo Nhân Dân lúc bấy giờ. Tôi cười và bảo “Mấy bài báo này là tôi viết hồi ở trong nước. Viết báo là như thế nhưng bây giờ mình đi đàm phán không thể nói ngụy là tay sai, là cái này, cái nọ được, phải nói lịch sự chứ”.

Trong quá trình đàm phán dài ngày ở Paris, câu chữ cũng phải đấu trí từng giờ, từng ngày một. Lúc đó, quan điểm chỉ đạo chung của Bộ Chính trị, của đồng chí Lê Duẩn là không nhân nhượng chuyện Mỹ phải rút quân, còn chính quyền Sài Gòn thì có thể có một hình thức nào đó nhân nhượng để ký được Hiệp định Paris. Lúc đầu mình đề ra hai yêu sách, thứ nhất là Mỹ phải rút hết quân khỏi Việt Nam vô điều kiện, thứ hai là Mỹ phải xóa bỏ chính quyền tay sai. Sau đó, mình rút lại từ “chính quyền tay sai” thành “chính quyền”, ông Hà Đăng kể. Hay như chuyện có bắt tay hay không trong quá trình đàm phán? Ta vào cửa nào? Mỹ và chính quyền Sài Gòn vào cửa nào cũng là chuyện đấu tranh bằng tư duy, trí tuệ Việt Nam. Có lần trước khi chuẩn bị cuộc đàm phán, đồng chí Xuân Thủy nghĩ ra, không nên gọi là “thưa quý vị” mà nên gọi là “thưa các vị”. Bởi từ “thưa” cũng lễ phép rồi, không có chuyện gì mà “Quý” với tôi cả.

…đến các cuộc đàm phán “nẩy lửa”

Nhiều cựu chiến binh từng là thành viên của Việt Nam tham gia đàm phán tại Paris cho hay, chuyện về cái bàn họp ở hội nghị, mặt bàn, chân bàn thế nào, tròn hay vuông… đều không phải chuyện nhỏ! Đoàn CP VNDCCH, đoàn CP CMLT CHMNVN ngồi vị trí nào? đoàn Mỹ, đoàn chính quyền Sài Gòn ngồi vị trí nào?... thì phía Mỹ đã có gần 10 cuộc họp, mất nhiều tháng để tranh luận với ta. Hình thức bề ngoài không phải là vấn đề gì nhưng qua đó thể hiện sự đấu tranh, thể hiện lập trường giữa hai bên. Ông Hà Văn Lâu, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, từng là thành viên của Việt Nam tham gia đàm phán tại Hội nghị Paris kể, lúc đầu, Mỹ phủ nhận vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (CP CMLT CHMNVN). Do đó, Mỹ cho rằng, đây là cuộc họp giữa hai bên. Một bên là Mỹ và chính quyền Sài Gòn, một bên là CP VNDCCH và CP CMLT CHMNVN nên đưa ra các kiểu bàn thể hiện lập trường của họ. Còn phía Việt Nam nêu rõ đây là hội nghị 4 bên để “nâng tầm” chính trị, coi trọng vai trò của CP CMLT CHMNVN nên đưa ra mẫu bàn hình vuông, Mỹ đề nghị bàn chữ nhật. Thế là giữa ta và Mỹ tranh luận “nẩy lửa’ trong nhiều cuộc họp. Mãi về sau, khi Liên Xô đưa ra sáng kiến chọn bàn tròn để không phân biệt ranh giới, thế là Mỹ mới chịu.

“Đàm phán Paris là lâu dài và gian khổ nhất, bởi bản chất cuộc đàm phán là cuộc đấu trí, đấu mưu, phải phối hợp nhịp nhàng giữa quân sự và ngoại giao, giữa chiến trường và hội nghị”, ông Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên đại sứ, thành viên Đoàn đàm phán của Chính phủ VNDCCH khẳng định như vậy. Theo ông Huỳnh, trên bàn đàm phán phụ thuộc lớn vào tình hình chiến sự ở chiến trường, quân đội ta có thắng được ở chiến trường thì đàm phán mới được yên tâm. Trong quá trình đàm phán, các đồng chí Lê Đức Thọ, Xuân Thủy và Kissinger (Cố vấn Tổng thống Mỹ Nixon) thường có những cuộc gặp riêng kéo dài nhiều tiếng, Kissinger rất mánh lới, lắm trò, tuy nhiên cuối cùng Kisinger cũng phải bị thuyết phục bởi tài diễn thuyết của đồng chí Lê Đức Thọ. Tại một cuộc hội thảo vào năm 2010 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Kissinger thừa nhận đã bị đồng chí Lê Đức Thọ mổ xẻ bằng một con dao phẫu thuật rất sắc, với một tay nghề của nhà phẫu thuật. Kissinger phải thốt lên rằng: “Trời đã sinh ra Kissinger sao còn sinh ra Lê Đức Thọ?”.

Ông Lưu Văn Lợi, nguyên thư ký cố vấn Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris kể, đồng chí Lê Đức Thọ nổi tiếng “cương, nhu” rõ ràng. Có một cuộc họp, Kissinger hỏi ông Thọ: “Ông nói chuyện với tôi mà cứ mắng tôi, thế ông nói chuyện với các đồng nghiệp của ông thì ông có mắng như thế không, họp Trung ương, thì ông có mắng như thế không?”. Đồng chí Lê Đức Thọ trả lời: “Xin ngài chớ quá nặng lời. Lúc trình bày, tôi chỉ nói lên tiếng nói của nhân dân tôi thôi. Làm sao tôi phải mắng đồng nghiệp của tôi, họ có lật lọng như ông đâu”. Một lần khác, Kissinger đưa cho ông Thọ nhiều ảnh màu chụp từ vệ tinh rất rõ, toàn ảnh cỡ lớn bằng cái khay, mô tả quân đội ta không đội mũ tai bèo mà đội mũ cối, vai đeo “lon”, rõ cả sao trên mũ. Kissinger nói “Đã thỏa thuận từ tháng 3, các ông thôi không đưa quân vào nữa. Đây, ông vào đây này”. Ông Thọ cười to kiểu vừa khinh vừa ở thế thắng: “Mấy cái ảnh này các ông chụp đâu chẳng được, ông ra Bắc, rừng chỗ nào chả giống nhau. Tình báo các ông tồi lắm, lúc chúng tôi không đưa quân thì các ông lại bảo chúng tôi đưa quân, nhưng lúc chúng tôi đưa xe tăng và đại pháo vào sát Sài Gòn thì các ông chả biết tí gì. Cho nên các ông thua là phải”. Nghe xong, Kissinger không nói được câu nào.

Bài 3: Nghệ thuật ngoại giao tài tình

 

 HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên