Đầu tư xây dựng cơ bản tại Dầu Tiếng: Những kết quả đáng khích lệ

Cập nhật: 19-07-2010 | 00:00:00

  Những công trình làm thay đổi diện mạo huyện Dầu TiếngNăm 2010 là năm có nhiều thuận lợi trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) nhờ giá cả vật tư ổn định ở mức thấp, bên cạnh đó chủ trương phân cấp quản lý đầu tư của tỉnh đã giúp địa phương chủ động hơn trong việc quyết định danh mục đầu tư, phê duyệt dự án. Chỉ trong 6 tháng đầu năm tổng khối lượng thực hiện của huyện đã tăng 102% so cùng kỳ. Công tác XDCB ở Dầu Tiếng còn xuất hiện nhiều “chuyện lạ” cho các địa phương khác học tập.

Khối lượng thực hiện tăng cao

Năm 2010 huyện Dầu Tiếng được phân cấp quản lý 86 dự án XDCB với tổng mức đầu tư là 157,7 tỷ đồng. Trong đó chuẩn bị đầu tư 50 dự án với số vốn là 2,7 tỷ đồng, chiếm 2% kế hoạch. 36 dự án phải thực hiện với số vốn 155 tỷ đồng, chiếm 98% kế hoạch vốn, với 19 dự án chuyển tiếp và 17 dự án khởi công mới. Đến hết tháng 6 tổng khối lượng thực hiện trên toàn huyện là 83,5 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch. Khối lượng cấp phát là 92,4 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch. Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng Nguyễn Mạnh Hồng phân tích: “Tổng khối lượng thực hiện 6 tháng đầu năm của huyện là 83,5 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch, tăng 102%  so với cùng kỳ. Vốn cấp phát 91,3 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch, tăng 116% so cùng kỳ là rất khả quan, nhờ chủ trương phân cấp, quản lý đầu tư của tỉnh, công tác thẩm định, phê duyệt dự án thuận lợi, sự hỗ trợ tích cực của các sở ngành hữu quan và sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện đã giúp công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhanh, tạo điều kiện cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đúng kế hoạch dự án. Tồn tại của các năm trước và cũng là bài học của địa phương đó là công trình Trung tâm Văn hóa thể dục thể thao huyện. Do lập dự án quá lớn, liên quan đến nhiều vấn đề, nên khi triển khai gặp rất nhiều vướng mắc. Huyện phải chia nhỏ từng hạng mục ra để thực hiện nên kéo dài thời gian. Gặp thời cơ thuận lợi, năm nay huyện phải làm bù cho các năm trước”!

Xuất hiện nhiều “chuyện lạ”!

Báo cáo của UBND huyện cho thấy huyện Dầu Tiếng có thuận lợi hơn các địa phương khác trong việc đền bù giải tỏa, nhờ đơn giá đền bù phù hợp so với mặt bằng tại chỗ. Công tác vận động, phổ biến chủ trương pháp luật của địa phương được quan tâm, sát thực tế đã tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân. Cụ thể như dự án Khu địa đạo Bến Súc (dự án Mở rộng địa đạo Củ Chi, thị trấn Thanh Tuyền) có tổng diện tích trên 100 ha được triển khai từ đầu năm, đến nay đã giải tỏa được trên 90%. Con số này khiến Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Huỳnh Văn Trai phải ngạc nhiên: “Đây là chuyện lạ rất đáng khen, chắc khi về chúng tôi sẽ tham mưu cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và một số ngành, địa phương khác học tập Dầu Tiếng về phương pháp, kinh nghiệm vận động nhân dân”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung cũng đồng tình: “Chỉ sau 2 nhiệm kỳ từ khi chia tách mà diện mạo của huyện Dầu Tiếng thay đổi rất nhiều, chứng tỏ chúng ta có sự quan hệ, cộng sự rất tốt. Tổng khối lượng đầu tư mà Dầu Tiếng đạt được trong 6 tháng đầu năm cũng là khá so với mặt bằng chung của tỉnh”.

Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch Nguyễn Tấn Lực báo cáo thêm: “Bên cạnh các thuận lợi kể trên cũng còn một số tồn tại như sau: Một số nhà thầu đã có khối lượng hoàn thành nhưng chậm đề nghị chủ đầu tư thanh toán vốn làm cho việc xác định khối lượng đạt thấp, tỷ lệ giải ngân chậm”. Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Hảo nhấn mạnh: “Đây mới chính là chuyện lạ, vì hầu hết các nhà thầu ai cũng muốn làm nhanh, thanh toán gọn để lấy tiền làm chuyện khác. Nhưng ở đây nhà thầu lại “chê” tiền thì đúng là chuyện lạ. Công trình sử dụng vốn ngân sách nếu càng dây dưa càng thiệt hại cho ngân sách. Cụ thể là công trình cầu Thủ Biên do dây dưa, chậm tiến độ mà tỉnh đã bị thiệt đến hơn 40 tỷ đồng do điều chỉnh giá theo”. Ông Lực giải thích: “Không phải nhà thầu chê tiền mà vì khối lượng chưa nhiều, mình đốc thúc họ lập báo cáo để được thẩm định, giải ngân. Có lẽ họ thấy khối lượng còn ít nên chờ xong rồi giải ngân một lượt”...

Những vướng mắc cần giải quyết

6 tháng còn lại của năm 2010 UBND huyện Dầu Tiếng tập trung chỉ đạo các ngành, xã, thị trấn tập trung vào các dự án đang khởi công xét thấy có khả năng hoàn thành trong năm. Phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng 33 dự án còn lại được bố trí vốn vào đầu năm 2010; do khối lượng triển khai đầu năm tăng 102% so cùng kỳ nên dự báo cuối năm sẽ thiếu vốn. Các công trình giao thông nông thôn phải chờ đến 31-12 mới được giao chỉ tiêu, phải lập hồ sơ, thẩm định thì kéo dài sang giữa năm sau, đến khi thực hiện thì chắc là trễ, nên kiến nghị tỉnh cho ứng vốn trước. Công tác đền bù tại một số dự án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm gây không ít khó khăn trong quá trình thi công. Đội ngũ cán bộ quản lý đầu tư XDCB còn hạn chế, nhất là ở cấp xã, thị trấn... Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Hảo gợi ý: Theo khảo sát về chỉ số tín nhiệm Chính phủ thì kết quả trả lời của người dân đều căn cứ vào những lợi ích mà nhân dân được hưởng thụ từ xã hội chứ không phải vấn đề gì cao xa. Để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, khó triển khai, Dầu Tiếng cần xây dựng kế hoạch danh mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên là giáo dục, y tế, văn hóa xã hội và giao thông cơ sở. Những ưu tiên này hoạt động tốt thì hiệu quả điều hành của chúng ta cao. Riêng giáo dục và y tế thì để tỉnh lo. Địa phương yêu cầu thì tỉnh đáp ứng, nhưng chỉ tiêu của huyện đã được giao cụ thể theo từng năm, phù hợp năng lực và yêu cầu sử dụng”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung yêu cầu cụ thể: “Công tác tổ chức là rất quan trọng, nên yêu cầu phát huy vai trò của người đứng đầu là then chốt vì chỉ có người đứng đầu mới đủ thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ kịp thời những phát sinh, vướng mắc. Chương trình xây dựng giao thông nông thôn cần thay đổi biện pháp, vì theo khảo sát nếu làm giao thông nông thôn theo hướng “nông thôn” thì chỉ 3 năm sau đường sẽ hư và phải làm lại rất tốn kém. Hướng mới là khổ đường rộng, đạt chuẩn, làm từng bước nhưng chắc chắn, ổn định. Tỉnh đồng ý ứng vốn nhưng phải thỏa mãn 2 điều kiện là làm cái gì, hiệu quả sử dụng ra sao và phải trả lại vào kế hoạch của năm sau. Trình độ, năng lực cán bộ còn hạn chế thì lập danh sách, yêu cầu bồi dưỡng để tỉnh phối hợp vừa làm vừa học, từng bước nâng cao trình độ. Để công tác đền bù, giải tỏa được thuận lợi, địa phương cần khẩn trương hoàn thành khu tái định cư để đưa dân vào khi có yêu cầu. Dứt khoát không được tách rời quần thể nhà văn hóa, khu dân cư, văn phòng ấp... sẽ rất khó trong điều hành và sự đi lại của người dân”...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh LÊ THANH CUNG: Phải chú ý đến người dân vùng sâu, vùng xaTới đây làm giao thông nông thôn thì phải đền bù cho dân. Vì dân nông thôn vùng sâu, vùng xa vốn đã nghèo, khó tiếp cận các lợi ích xã hội, bị thiệt thòi đủ thứ mà cứ vận động dân hiến đất, đóng góp thì khó quá. Chưa kể vùng nông thôn còn là nơi nghĩa tình kháng chiến cũ, chúng ta phải có trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên