Dấu xưa, Dầu Tiếng oai hùng! - Bài 1

Cập nhật: 10-03-2015 | 09:28:53

Cách đây 40 năm, cùng với giải phóng Buôn Ma Thuột, Phước Long, giải phóng Dầu Tiếng là bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự chủ động và linh hoạt của quân ta trên khắp các chiến trường. Trong chiến dịch giải phóng Dầu Tiếng, ta đã chặt đứt một mắt xích quan trọng, một vị trí xung yếu nhất trên tuyến phòng thủ hướng bắc Sài Gòn của địch khiến cho “Sài gòn nguy kịch, Ngụy quyền lung lay”, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 30-4-1975. Dấu ấn oai hùng ấy của quân và dân Dầu Tiếng vốn bắt nguồn từ truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc và dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài 1: Từ phong trào công nhân đấu tranh phá xiềng 

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với Bến Cát, Củ Chi, Dầu Tiếng đã trở thành căn cứ kháng chiến của cách mạng, căn cứ xây dựng lực lượng, căn cứ hậu cần của các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy của Quân khu 7, Khu Sài Gòn - Gia Định và nhiều đơn vị, địa phương.

Công nhân làng 14 Đồn điền Dầu Tiếng năm 1952. Ảnh: Tư liệu

“...Bán thân đổi mấy đồng xu; thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng”, nhà thơ Tố Hữu đã phản ánh đầy đủ thân phận của dân công tra ở những đồn điền cao su. Và cũng chính từ đây, các đồn điền cao su trở thành những lò lửa đấu tranh kiên cường của công nhân. Ngược dòng thời gian, trở về những năm 1917, khi ấy, chiến tranh thế giới thứ nhất sắp kết thúc. Cơn sốt cao su trên thị trường thế giới gay gắt hơn bao giờ hết. Giới tài phiệt kinh doanh về nguồn lợi này đổ xô đi tìm kiếm đất đai, tài nguyên và sức lao động ở các xứ thuộc địa để làm giàu. Trong bối cảnh đó, Đồn điền cao su Michelin ở Dầu Tiếng đã được thành lập. Đây là đồn điền cao su đầu tiên ở Nam bộ và nhanh chóng trở thành nơi “…đi dễ khó về”.

“...Tôi ra đi cũng như bao nhiêu người dân miền Trung khác, phải rời bỏ quê hương, xóm làng để tìm phương sinh sống. Sau khi đã ký vào bản giao kèo mấy đồng bạc, một bộ quần áo, thế là bắt đầu một kiếp trâu ngựa. Chúng bắt chúng tôi đẩy xuống khoang tàu, chất trong ấy cả trăm người như vậy. Lênh đênh trên biển cả mấy ngày đêm mới đến được Sài Gòn... Bước sang ngày thứ tám, mấy chiếc xe cam nhông đến chở chúng tôi đi các sở cao su. Hơn 100 người bọn tôi, không nhà cửa, không gạo cơm, không đèn đuốc. Họ bỏ mặc chúng tôi giữa xứ lạ đêm đen. Chúng tôi ngồi, rồi nằm co ro, ôm nhau chờ cho trời sáng. Sáng hôm sau, họ kêu chúng tôi xếp hàng để phát gạo. Gạo mỗi người một lon và một ít cá khô đã mục, có giòi. Nhận gạo xong, chúng lại chở chúng tôi vào làng. Và từ đó bắt đầu cuộc đời chìm nổi phu đồn điền cao su Dầu Tiếng”... Đó chính là hình ảnh của đợt phu đầu tiên được mộ vào đồn điền cao su Dầu Tiếng. Cứ như vậy, hàng năm lại có một vài đợt phu từ miền Trung bị “mua” vào đây.

Thân phận người công tra thật thê lương, ảm đạm, manh rách không đủ che thân, đêm cựa mình trên tấm cặp tre bổ sịa, trằn trọc thức với lũ rệp. Mệt quá ngủ quên đi thì thôi, còn không đôi mắt cứ ráo hoảnh, đầu óc suy nghĩ lung tung, hận cho cuộc đời cu li, giận những thằng cai, thằng xu... Chưa hết, dân công tra có tên có tuổi do cha ông đặt để gọi, sống chết để đời truyền kiếp. Vậy mà bọn chủ Tây gọi công nhân bằng số. Ai đến trước số nhỏ, ai đến làm sau số lớn. Không chỉ chúng gọi mà bắt mọi người phải gọi nhau bằng số đã ghi trên thẻ, đeo lòng thòng trước ngực. Ai không nhớ số của mình thì bị đánh có khi đến chết. Người làm công mà không khác gì tù binh, đến cái tên cũng mất nốt... Một ngày phải làm việc từ 10 - 12 giờ, đó là “luật” của chủ đồn điền, mọi công tra đều phải chấp hành. Chế độ ăn uống không có chất, thời gian lao động quá dài đã là cực hình, vậy mà còn bị chúng quản thúc, hành hạ thân thể bằng đòn roi của xu, cai, sếp.

Vào đầu năm 1930, một cuộc đấu tranh lớn nổ ra ở Phú Riềng. Công nhân kéo cờ đỏ búa liềm và tập hợp trên 5.000 công nhân từ các làng về bao vây chủ sở mấy ngày liền đòi giải quyết các yêu sách. Mặc dù cuộc đấu tranh bị bọn chủ cấu kết với quân đội, binh lính chính quyền thực dân đàn áp, song công nhân Phú Riềng đã làm một sự kiện động trời, làm cho giới chủ Tây một phen khiếp đảm, lo sợ. Sự kiện Phú Riềng mùa xuân năm 1930 tác động mạnh đến công nhân ở các đồn điền cao su Dầu Tiếng. Đây chính là ngòi nổ mở đầu, phá tan sự im lặng của người phu đồn điền Dầu Tiếng bấy lâu nay bị đè nén, vây hãm trong ngục tối.

Ngày 10-2-1930, hàng trăm công nhân các làng bỏ việc. Kẻ cầm dao, người vác xạc lai, vác cuốc kéo về chợ Dầu Tiếng. Lúc đầu còn lẻ tẻ từng tốp, về sau nhập cuộc thành đoàn người đông đúc vừa đi vừa hô lớn: “Soumagnac (tên chủ sở ở Phú Riềng vừa được điều về Dầu Tiếng) cút ngay, không được cho công nhân ăn gạo ẩm, cá thối, không được đánh đập công nhân...”. Mặc dù bị đàn áp, 2 người bị bắn chết nhưng công nhân không khuất phục, cuối cùng bọn chủ phải nhượng bộ.

Sang những năm 1931-1932, đời sống công nhân đồn điền ngày càng khó khăn hơn vì giá cả ngoài thị trường tăng vọt. Gạo ẩm, cá mục vẫn là chế độ thường xuyên của công nhân, không được thay đổi. Trong khi giờ giấc lao động lại tăng lên. Đặc biệt, từ khi nhà máy chế biến mủ hoạt động, công nhân luôn phải làm việc căng thẳng dưới sự giám sát, quản thúc của những người trông coi.

Vì vậy, sau thời gian phẳng lặng trung tuần tháng 12-1932, công nhân Dầu Tiếng lại đình công. Hơn 100 công nhân từ các làng cao su đồng tình nghỉ việc, kéo về trung tâm cùng với công nhân trong sở đến văn phòng chủ đồn điền. Yêu sách của công nhân gồm 4 điểm: “Chống chế độ gạo mục cá thối - bảo đảm tiền lương - lương thực không được bớt xén - ngày làm việc 8 tiếng - chống đánh đập, ức hiếp công nhân...”. Mặc dù rất ngoan cố, không chịu nói chuyện và giải quyết các yêu sách của công nhân, nhưng trước làn sóng phản ứng dữ dội của công nhân, chủ sở buộc phải thay đổi cách đối phó, chấp thuận giải quyết những đề nghị của công nhân, bồi thường nhân mạng.

Tuy nhiên, khi công nhân trở lại đồn điền tiếp tục làm việc thì chủ không đáp ứng đề nghị của công nhân. Vì vậy, công nhân Dầu Tiếng lại tiếp tục đình công, biểu tình. Vào tháng 3-1933, có đến 2.000 người đình công. Cuộc đấu tranh kéo dài mấy ngày liền, vườn cây bỏ hoang, nhà máy đình trệ sản xuất. Chủ đồn điền không còn cách nào khác phải nhượng bộ và hứa giải quyết những yêu sách công nhân đòi hỏi. Chủ đồn điền phải chấp nhận từ tháng 3 trở đi phát lương đúng theo giao kèo, gạo 800gam một ngày phát đủ, không cúp phạt đánh đập công nhân.

Từ những phong trào đấu tranh ấy đã sản sinh ra những “hạt giống đỏ”, những công nhân trung kiên đi đầu trong phong trào đấu tranh. Và công nhân cao su Dầu Tiếng hôm nay, vẫn không quên những cái tên Đặng Dân, Đinh Công Toàn. Các anh đã hiến tặng tuổi xuân của mình cho quê hương Dầu Tiếng. Họ đã thấm thía biết bao tủi hờn của kiếp người mất nước. Không thể mãi làm nô lệ, họ đã gan dạ vượt qua hiểm nguy, tập hợp, kêu gọi người người đứng lên giành chính quyền, giành độc lập tự do cho quê nhà.

Khi phong trào công nhân ngày một phát triển mạnh, đòi hỏi phải có một tổ chức cách mạng để đứng đầu lãnh đạo quần chúng. Vì vậy, Thành ủy Sài Gòn đã cử các đồng chí Văn Công Khai và Nguyễn Văn Tiết về Dầu Tiếng tuyên truyền, xây dựng cơ sở, tiến tới thành lập chi bộ Đảng. Và cuối năm 1936, Chi bộ Cộng sản Dầu Tiếng trực thuộc Thành ủy Sài Gòn được thành lập gồm các đồng chí Văn Công Khai, Nguyễn Văn Tiết, Đặng Dân và Đinh Công Toàn. Đây là một bước ngoặt lịch sử của phong trào công nhân ở đây. Từ đây, phong trào đấu tranh của công nhân đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng thông qua chi bộ đồn điền.

Âm vang của phong trào công nhân Dầu Tiếng vẫn còn vang mãi khi đêm 24-8- 1945 lịch sử, công nhân cao su Dầu Tiếng, nông dân xã Định Thành, nòng cốt là lực lượng Thanh niên Tiền phong, lực lượng tự vệ công nhân với chiến sĩ Trần Văn Lắc lãnh đạo nhất tề nổi dậy. Trên tay dù chỉ tầm vông vạt nhọn, xà beng, giáo mác nhưng đoàn người cứ thế tiến vào nhà máy, xí nghiệp, đồn điền cao su, các cơ sở sản xuất, nhà chủ, sếp, xu cai… của bọn chủ Tây mà đến. Cùng với lực lượng Thanh niên Tiền phong, Thanh niên Cứu quốc dưới sự chỉ huy của Huỳnh Văn Sớm, Huỳnh Văn Lơn, người dân Dầu Tiếng ào ạt vùng lên bao vây đánh Nhật, kháng Pháp giành chính quyền thắng lợi. Còn đó âm vang của những lời ca “…xông pha lên đàng, ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông…”, rồi đến “Này thanh niên ơi đứng lên đáp lời sông núi” vang lên bên bếp lửa hồng trên khắp thị trấn Định Thành và cả 22 làng cao su rồi đến Bến Súc, góp phần thắng lợi cho Cách mạng Tháng Tám và 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.

Giờ đây, các thế hệ công nhân cao su trẻ của Dầu Tiếng đang kế tiếp lớn lên. Trong hành trang của họ vẫn là đức tính cần cù, chịu thương chị khó, sáng tạo trong lao động sản xuất góp phần xây dựng công ty ngày càng giàu mạnh và quê hương Dầu Tiếng ngày một phát triển.

Bài 2: “Quả đấm thép” trên chiến trường miền Nam 

 THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3574
Quay lên trên