Dấu xưa một ngôi đình cổ

Cập nhật: 04-07-2020 | 04:30:12

Trong hệ thống các ngôi đình cổ trên đất Bình Dương, đình thần Phú Cường (thường gọi đình Bà Lụa) là ngôi đình có tuổi đời cổ xưa bậc nhất. Đình đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh...

 

Cổng đình thần Phú Cường

 Ngôi đình cổ xưa

Đình thần Phú Cường tọa lạc tại khu phố 6, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một. Đình được xây dựng trên một ngọn đồi nhỏ, mặt chính hướng ra rạch Bà Lụa. Có lẽ vì thế mà đình được người dân quanh vùng quen gọi là đình Bà Lụa. Ông Đặng Nhơn Sanh, Phó ban nghi lễ đình thần Phú Cường, cho biết lâu nay đình được bà con trong vùng quen gọi là đình Bà Lụa. Sau này, đình mới có thêm tên gọi là đình thần Phú Cường. Theo ông Sanh, sở dĩ sau này đình có thêm tên gọi đình thần Phú Cường là do một người chuyên nghiên cứu văn hóa Hán Nôm khi đến đây nghiên cứu đã đọc ra 2 chữ Phú Cường viết bằng chữ Nôm trên... Thế nên, từ đó ngôi đình có thêm tên gọi là đình thần Phú Cường ngoài tên gọi quen thuộc là đình Bà Lụa.

Cũng theo ông Sanh, dù ở phường Phú Thọ, nhưng đình có tên gọi là đình thần Phú Cường do trước đây khi mới xây dựng, đình là nơi thờ thần hoàng bổn cảnh của thôn Phú Cường xưa. “Tôi cũng nghe kể lại, đình thần Phú Cường lúc đầu tọa lạc tại vị trí Thành ủy, UBND TP.Thủ Dầu Một ngày nay. Sau đó, người Pháp đến đánh chiếm Thủ Dầu Một và đã lấy vị trí này để xây dựng trụ sở làm việc. Đình cũ bị phá, để có nơi thờ phụng thần hoàng bổn cảnh, dân làng đã đóng góp công sức xây dựng lại đình ở vị trí hiện nay”, ông Sanh nói.

Đình thần Phú Cường đã được vua Tự Đức sắc phong, nhưng không biết vì sao sắc phong ấy lại bị thất lạc. Năm 2008, đại diện Ban nghi lễ đình thần Phú Cường đã đến Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xin phục chế sắc thần của đình làng Phú Cường trước đây. Theo ông Sanh, vị nhân thần hiện nay thờ tại đình là ông Nguyễn Văn Thành, một vị tướng dưới thời Gia Long.

Đình được xây dựng chính xác vào năm nào đến nay vẫn chưa rõ, nhưng căn cứ những tài liệu, chứng cứ còn lưu lại, các nhà nghiên cứu đều cho rằng đình được xây dựng trước năm 1861. Với lối kiến trúc xây dựng độc đáo, ngôi đình từng được đánh giá là một trong những ngôi đình đẹp nhất vùng Nam bộ xưa. Theo tài liệu ghi lại của Bảo tàng tỉnh, đình Bà Lụa xưa nổi tiếng với lối kiến trúc xây dựng độc đáo, quy mô hoành tráng, các trang thờ phụng trong đình cũng được chạm trổ hết sức tinh xảo. Thế nên, vào năm 1921, nhà cầm quyền Pháp đã cho lập mô hình và đem đi triển lãm ở hội chợ Marseille (Pháp).

Trong một bài nghiên cứu về đình Bà Lụa, ông Nguyễn Hiếu Học, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Bình Dương, viết: “Năm 1930, ông Geogrette Naudin, chuyên viên nghiên cứu của Bảo tàng Nam kỳ đã đến tìm hiểu và giới thiệu trong bộ sách Cochinchine, như sau: “Lúc đó đình Bà Lụa được xem là ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất, nhì Nam kỳ, với những cột gỗ đẹp và quý, những mảng hoa văn ghép bằng sơn mài màu hồng, những binh khí cổ đẹp và hiếm… hấp dẫn đông đảo du khách đến thăm”. Đáng tiếc là ngôi đình độc đáo, đẹp bậc nhất, nhì Nam kỳ ngày ấy đã bị chiến tranh phá hủy. Những hình ảnh một thời vang bóng của ngôi đình chỉ còn lưu dấu qua những bức ảnh hoặc ghi chép trong sử sách”.

Lưu giữ nét văn hóa xưa

Trải qua bao thăng trầm thời gian, đình bị hư hại, mất mát nhiều thứ và đã được tái thiết, tu bổ nhiều lần. Ngôi đình hiện nay được đại trùng tu, tái lập vào năm 1957. Chánh điện đình được xây dựng theo kiểu truyền thống xưa, gồm ba gian nhà liền mái theo kiểu chữ Tam; kèo, cột, xuyên, trính đều được đúc bằng xi măng. Gian trong cùng của chánh điện là nơi thờ vị chánh thần, tức là thần Thành hoàng. Hai bên là khảm thờ tả bang và hữu bang. Đối diện với bàn thờ thần là hương án. Ở gian chính còn có những tấm hoành phi, câu đối tạo sự trang nghiêm cho nơi thờ phụng. Gian giữa là gian tiền tế, là nơi để lễ vật lên cúng thần, nơi đọc văn tế trong dịp tế lễ. Gian ngoài cùng gọi là Hội đồng ngoại có am thờ tiền hiền, hậu hiền. Hai bên chánh điện còn có đông lang (nơi hội họp) và khu nhà kho. Trước sân đình là bình phong long hổ, bàn thờ thần nông. Hai bên thờ tả hộ vệ, hữu hộ vệ. Trong đình hiện vẫn còn lưu giữ một số binh khí cổ, đồ gỗ đẹp và quý hiếm.

Mặc dù không giữ được nguyên mẫu kiến trúc của ngôi đình xưa, nhưng đình thần Phú Cường ngày nay vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa làng quê xưa, là nơi để người dân địa phương tìm về với văn hóa truyền thống. Hàng năm, đình có 2 dịp lễ, đó là lễ Kỳ yên được tổ chức vào ngày 11 tháng giêng và lễ Thu tế để báo cáo kết quả thu hoạch mùa màng được tổ chức vào ngày 1-10 âm lịch. Vào những dịp này, ngoài người dân địa phương, còn thu hút đông đảo người dân ở các vùng lân cận đến tham dự lễ hội của đình.

Với những giá trị gắn liền với ngôi đình cổ này, ngày 2-6- 2004, UBND tỉnh đã ra quyết định xếp hạng công nhận đình thần Phú Cường là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.     

 CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên