Dạy học qua internet cho học sinh tiểu học: Còn nhiều lúng túng

Cập nhật: 11-04-2020 | 10:57:53

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, học sinh (HS) các cấp vẫn còn kéo dài thời gian nghỉ học. Để bảo đảm chương trình, thời gian năm học do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã chỉnh sửa, toàn ngành chuyển sang dạy và học trực tuyến. Do đó, hoạt động dạy học vẫn đang diễn ra khẩn trương trong mùa dịch bệnh.


Một HS lớp 3 học môn toán qua máy tính

Tạm dừng đến trường, không dừng việc học

Nhận thấy tình hình dịch bệnh còn kéo dài, ngành GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học tổ chức các hình thức dạy học cho HS qua internet, học qua truyền hình. Giáo viên xây dựng bài giảng theo chương trình giảm tải của Bộ, nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cho HS. Với hình thức học này, HS được học theo chương trình giáo dục học kỳ II trong thời gian nghỉ học ở trường để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Việc học trực tuyến phù hợp trong thời điểm này, giúp phát triển năng lực tự học của HS và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của giáo viên. Theo chỉ đạo của ngành, trường học các cấp, trong đó có tiểu học đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến.

Tạm dừng đến trường, không dừng việc học, giáo viên trường tiểu học Lai Hưng A (Bàu Bàng) đã hướng dẫn HS làm bài qua các hình thức như: Học qua Zalo, Facebook, Mail và Zoom, học trực tuyến trên các kênh truyền hình. Đối với những phụ huynh không có máy tính, gia đình khó khăn không có điện thoại thông minh và tivi kết nối mạng, trường chỉ đạo giáo viên photo bài phát cho HS và thu bài làm của HS để nhận xét. Còn với trường tiểu học Trần Phú (TP.Thủ Dầu Một), trong tuần này HS học bài mới, không thực hiện ôn tập như trước đây. Hình thức dạy học tương tự các trường tiểu học khác. Giáo viên cũng kết nối với phụ huynh để gửi thời khóa biểu và hướng dẫn HS học tập. Ngoài các hình thức dạy online, nhà trường cũng giới thiệu giờ phát sóng dạy học trên truyền hình của một số kênh.

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, giáo viên kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học internet bằng các hình thức phù hợp. Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua internet, trên truyền hình được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GD-ĐT về đánh giá, xếp loại HS. Khi HS đi học trở lại, giáo viên kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức các em đã học. Từ đó, giáo viên tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho HS trước khi dạy các bài học tiếp theo.

Phụ huynh gặp khó

Từ khi các trường tiểu học chính thức dạy học trực tuyến, chúng tôi đã nhận được 2 luồng ý kiến khác nhau từ phía HS và phụ huynh HS. Chị Nguyễn Thị Thuận, có con đang học lớp 3, cho biết con chị rất thích học trực tuyến, học dễ hiểu, HS không hiểu bài giáo viên đều giảng lại. Trường hợp giờ giáo viên dạy trực tuyến con chị không học được thì mở clip xem lại. “Con tôi làm quen với máy tính lâu rồi, nên giờ học trực tuyến không bị trở ngại. Tuy nhiên, con cũng muốn sớm đi học trở lại, vì nhớ trường, nhớ lớp và các bạn”, chị Thuận chia sẻ.

Anh Nguyễn Anh Tài, phụ huynh một HS lớp 2 ở phường Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) nhận xét, nếu giáo viên có kỹ năng dạy trực tuyến tốt thì việc học bằng hình thức này đạt hiệu quả. Riêng giáo viên dạy con anh rất có tâm, cô thường xuyên nhắc HS im lặng để tất cả các bạn nghe được lời cô giảng. Để thuận tiện cho tất cả phụ huynh khi hướng dẫn HS học, cô chọn dạy vào buổi tối. Khi học cô cũng khuyến khích các bạn giơ tay phát biểu ý kiến tương tự như học trên lớp. Kết thúc buổi học phụ huynh chụp bài làm của HS gửi qua Zalo cho giáo viên nhận xét.

Đó là với những HS có cha mẹ sử dụng thành thạo máy tính, còn với những em con công nhân lao động, việc học qua internet rất chật vật. Có phụ huynh có điện thoại thông minh nhưng không đủ chức năng hoặc bộ nhớ không phù hợp, nên không tải được phần mềm Zoom. Với HS ở vùng nông thôn, HS là con em công nhân lao động, việc học trực tuyến càng khó khăn, do phụ huynh không thành thạo công nghệ hoặc gia đình không có internet. Mặt khác, một bộ phận HS tiểu học được cha mẹ gửi về quê để tránh dịch bệnh, nên các em chưa tiếp cận được việc học trực tuyến.

Để việc học tập của HS không bị gián đoạn trong thời gian tạm nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo địa phương tăng cường dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình. Dù vậy, khi triển khai thực hiện ở các địa phương đã vấp phải những khó khăn như đã nêu trên. Một phụ huynh ở ngay trung tâm TP.Thủ Dầu Một còn cho biết, khi giao máy tính cho con học, anh chị không yên tâm vì cháu lợi dụng để chơi game hoặc “chat” với bạn bè, phụ huynh không thể quản lý được vì còn bận mưu sinh.

“Thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, Bộ GD-ĐT đã công bố tinh giản chương trình học kỳ II và hướng dẫn dạy, học qua internet, trên truyền hình. Mỗi thầy cô giáo và toàn xã hội hãy chung tay hỗ trợ, động viên, giúp đỡ HS học tập bảo đảm thuận lợi, chất lượng, hiệu quả. Quan điểm của Sở GD-ĐT là dạy và học từ xa dù là giải pháp tình thế, nhưng lại là giải pháp bắt buộc nhằm bảo đảm theo kịp tiến độ của chương trình học và khung kế hoạch thời gian năm học. Đây là nhiệm vụ chính trị trên mặt trận giáo dục, toàn ngành phải chấp hành trong giai đoạn này. Sau ngày 15-4, các trường sẽ báo cáo kết quả qua 2 tuần thực hiện dạy qua internet, qua truyền hình. Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT sẽ có chỉ đạo các trường rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn việc dạy, học qua các hình thức trên”.

(Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)

 ÁNH SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X