Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại theo hướng bền vững

Cập nhật: 09-02-2018 | 08:07:03

Năm 2018, ngành công thương Bình Dương triển khai 10 đề án cụ thể hóa chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoạch định chiến lược cho doanh nghiệp địa phương... Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương xung quanh vấn đề này.

- Năm 2018, ngành công thương triển khai nhiều đề án quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại theo hướng bền vững. Xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?

- Qua quá trình phát triển, Bình Dương đã trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển. Công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, năm 2017 tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế nhập khẩu trừ trợ cấp sản phẩm có tỷ lệ tương ứng là 63,99% - 23,68% - 3,74% - 8,59%. Riêng lĩnh vực công nghiệp của tỉnh, hiện chiếm 13% tổng giá trị sản xuất của cả nước. Đây là thành tựu rất đáng tự hào. Hiện Bình Dương đang phấn đấu trở thành thành phố thông minh, điểm đến cho các nhà đầu tư với những ý tưởng sáng tạo.

Bình Dương luôn quan tâm phát triển công nghiệp, thương mại theo hướng bền vững. Trong ảnh: Khu công nghiệp Nam Tân Uyên. Ảnh: MINH DUY

Chính sách thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới đã được xác định rõ tại Chương trình số 34-Ctr/TU ngày 15-12- 2016 của Tỉnh ủy về đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ, các dự án phát triển đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, sản xuất công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp và khả năng đóng góp lớn cho ngân sách. Bên cạnh đó là Chương trình số 24-CTr/TU của Tỉnh ủy về việc tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ sản xuất công nghiệp và đô thị Bình Dương giai đoạn 2016-2020 và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh đều hướng đến sự phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà. Việc triển khai các đề án này là cơ sở để ngành công thương tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp thiết thực phát triển công nghiệp - dịch vụ, bảo đảm sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và địa phương theo đúng nhiệm vụ mà ngành được giao.

- Thưa ông, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, ngành đề xuất giải pháp nào để các doanh nghiệp trong tỉnh có điều kiện vươn ra thị trường thế giới mạnh hơn?

- Làm thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chính là mối quan tâm chung của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và địa phương hiện nay. Quá trình hội nhập kinh tế thế giới cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc cạnh tranh và phát triển thị trường. Tuy nhiên, theo thống kê, cả nước hiện chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng, muốn ra thị trường thế giới, tham gia vào các chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp phải phát triển công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và năng lực quản trị doanh nghiệp. Tôi hy vọng rằng, việc triển khai đồng bộ 10 đề án phát triển lần này sẽ tham mưu cho tỉnh những chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoạch định chiến lược cho doanh nghiệp địa phương, tạo khâu đột phá trong phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song theo tôi, điều tiên quyết để đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp phải xuất phát từ chính khát khao vươn xa của doanh nghiệp trên cơ sở sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ các chính sách. Bên cạnh đó, đã đến lúc các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết cả theo chiều ngang và chiều dọc; các doanh nghiệp cùng ngành hàng phải liên kết với nhau để phát huy lợi thế từng doanh nghiệp và nâng cao khả năng cung ứng, triển khai các hợp đồng có giá trị lớn, từng bước chiếm lĩnh được thị trường. Về chiều dọc, doanh nghiệp phải chủ động liên kết với ngân hàng, các quỹ đầu tư và cơ sở đào tạo để huy động vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cấp công nghệ... để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với vị thế cạnh tranh.

- Có một thực tế chúng ta cần nhìn rõ là sự liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ còn hạn chế. Xin ông cho ý kiến của mình về vấn đề này?

- Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 cho thấy, trong cả nước chỉ có khoảng 3 - 4% doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ có khách hàng chính là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tỷ lệ quy mô vừa và lớn có khách hàng chính là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dù cao hơn song cũng chỉ ở mức lần lượt là 7% và 11%. Tại Bình Dương, hoạt động liên kết này chưa phải là mạnh. Theo tôi, nguyên nhân có thể xuất phát từ những hạn chế liên quan tới marketing, thông tin kết nối cung cầu, hay việc doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng những tiêu chuẩn về quản lý sản xuất, chất lượng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng, đề xuất với UBND tỉnh đẩy mạnh hướng liên kết này để các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xích lại gần nhau hơn trên cơ sở có lợi cả hai phía.

TIỂU MY (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên