Kỳ 1: Đột phá trong giai đoạn mới
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đã và đang diễn ra tích cực, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn. Trong giai đoạn mới, Bình Dương triển khai các giải pháp thu hút đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ (TM-DV) chất lượng cao, giải “bài toán” phát triển bền vững, tạo bước đột phá mạnh mẽ.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, phát triển các cảng sông theo hướng hiện đại. Trong ảnh: Cảng An Sơn được đầu tư hiện đại
Diện mạo khang trang, hiện đại
Trong những năm gần đây, TM-DV ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Công nghiệp phát triển theo chiều sâu gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia; cơ cấu nội bộ ngành có sự chuyển dịch tích cực, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ là những điểm tựa vững chắc cho TM-DV phát triển. Chính sách thúc đẩy sự chuyển dịch phát triển công nghiệp lên phía bắc của tỉnh, thu hút đầu tư phát triển TM-DV các địa phương phía nam đã phát huy hiệu quả rõ nét, tạo ra một diện mạo khang trang, hiện đại và đồng bộ.
Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng bình quân 9,31%/năm, thị trường mở rộng, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến... là những điều kiện thuận lợi để ngành TM-DV bứt phá. Cùng với đó, ngành du lịch tiếp tục phát triển, hàng năm tăng 5% về lượt khách và 6% về doanh thu; quy mô, phạm vi và chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được mở rộng, có chiều hướng chuyển biến tích cực.
Với sự tập trung nguồn lực đầu tư hợp lý, các công trình hạ tầng kỹ thuật cốt lõi đã phát huy tác dụng, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư ở những lĩnh vực mới trong phát triển công nghiệp và dịch vụ chất lượng cao. Đến nay, các ngành dịch vụ chất lượng cao được hình thành và hoạt động hiệu quả, tích cực hỗ trợ phát triển công nghiệp, phát triển đô thị của tỉnh như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại điện tử, thông tin truyền thông, kho cảng và vận tải chuyên dùng (logistics), du lịch... Đáng chú ý, hệ thống hạ tầng TM-DV được đầu tư, nâng cấp, thu hút nhiều loại hình phân phối với sự tham gia của các thương hiệu lớn trong và ngoài nước.
Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết trong những năm qua, hệ thống hạ tầng TM-DV của Bình Dương không ngừng được đầu tư và nâng cấp. Hiện Bình Dương có 106 chợ, 3 trung tâm thương mại, 11 siêu thị, hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện ích phát triển... góp phần hình thành môi trường kinh doanh hiện đại, tiên tiến. Tại các vùng nông thôn, ngành công thương tích cực phối hợp với địa phương tiếp tục mời gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp các chợ, phát triển mạng lưới cửa hàng mua bán truyền thống, cơ sở TM-DV nhằm thực hiện tốt việc phát triển TM-DV đồng đều và hiện đại.
Đột phá từ hạ tầng
Dù đạt được nhiều kết quả khả quan song chưa bằng lòng với hiện tại, tỉnh luôn thể hiện khát vọng vươn lên và phát triển bền vững. Trong đánh giá về nhiệm kỳ qua, lãnh đạo tỉnh thẳng thắn thừa nhận chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thật sự bền vững, các loại hình dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
Với tinh thần cầu thị, Bình Dương luôn lắng nghe ý kiến, phản hồi từ phía cộng đồng doanh nghiệp để ngày càng hoàn thiện môi trường đầu tư. Và trong giai đoạn mới, tỉnh chú trọng phát triển các dịch vụ chất lượng cao, nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư phát triển lớn mạnh cùng với sự bền vững của tỉnh nhà. Đề xuất với tỉnh về cơ sở hạ tầng, ông Robert Hoeve, Giám đốc Công ty Red River Foods Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Bình), cho biết: “Một trong số vấn đề lớn của Bình Dương hiện nay để thu hút nhà đầu tư nước ngoài là phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh phải đồng bộ bộ hơn, thời gian di chuyển, vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp được thuận lợi hơn. Quãng thời gian di chuyển từ văn phòng Sài Gòn đến nhà máy (Khu công nghiệp Tân Bình) hiện đang là khó khăn của doanh nghiệp”.
Trong giai đoạn tới, tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ giữa cải tạo đô thị hiện hữu, xây dựng đô thị mới và thực hiện chiến lược phát triển đô thị thông minh với các nguồn vốn và hình thức đầu tư đa dạng, góp phần cải thiện bộ mặt đô thị chung của tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống người dân, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển các ngành dịch vụ chất lượng tương xứng với sự phát triển công nghiệp và đô thị, nâng cao tỷ trọng ngành TM-DV trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Khuyến khích các dự án đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, các loại hình phân phối hiện đại, quản lý và phát triển thị trường ổn định, bảo đảm cung cầu, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Đặc biệt, việc triển khai xây dựng khu phức hợp Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương, tạo quỹ đất mời gọi đầu tư các dự án TM-DV, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư, thương mại được kỳ vọng tạo ra “cú hích” góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nói riêng và tỉnh nói chung. Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương là một khu phức hợp đa chức năng, sẽ là một điểm đến mới cho các ngân hàng, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư thương mại, nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ… để trao đổi và tìm kiếm các cơ hội đầu tư, hợp tác.
Cùng với đó, tỉnh thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng ưu tiên các dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao, các ngành dịch vụ y tế và giáo dục, tài chính, ngân hàng; tiếp tục phát triển ngành dịch vụ logistics, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông, các cảng cạn, từng bước tạo mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại, góp phần đẩy mạnh phát triển các chuỗi cung ứng hỗ trợ cho sản xuất, tiêu dùng hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. (Còn tiếp)
TIỂU MY