Đẩy mạnh tìm kiếm đầu ra cho cây có múi

Cập nhật: 07-05-2020 | 07:21:32

Nhằm nâng cao giá trị, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, Bắc Tân Uyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp thiết thực trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, giúp vùng chuyên canh cây có múi phát triển ổn định.

 Hợp tác xã hoạt động thuận lợi

Là địa phương có tiềm năng và lợi thế phát triển nông nghiệp, thời gian qua huyện Bắc Tân Uyên đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao và vùng chuyên canh cây ăn trái có múi. Việc chuyển hướng phát triển cây có múi tại huyện còn giúp đời sống của nhân dân ngày càng khá hơn, nhiều nông dân vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

 Thu hoạch cam tại HTX Nhân Đức

Để cây có múi phát triển căn cơ trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên cho biết bên cạnh việc tiếp tục xây dựng và triển khai quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái có múi, đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, điện… các ngành tích cực tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách hỗ trợ về thương mại trong nông nghiệp đến với nông dân. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực triển khai các đề tài, dự án nhằm hỗ trợ phát triển, chăm lo đầu ra cho sản phẩm cây ăn trái có múi; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội thảo về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện. Ông Thuận cho biết thêm, để thúc đẩy thương mại bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp, huyện tạo điều kiện để thành lập hợp tác xã (HTX) và hỗ trợ để các HTX nông nghiệp hoạt động ổn định. Kết quả đến nay nhiều HTX trên địa bàn đã phát triển và ngày càng mở rộng quy mô trên thị trường.

Ngoài nỗ lực sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, vườn cam xoàn 19 ha của ông Trần Thành Có, Giám đốc HTX Nhân Đức ở xã Hiếu Liêm, cho biết việc thành lập HTX là điều kiện thuận lợi để ông và thành viên ký hợp đồng phân phối trên hệ thống cửa hàng hữu cơ toàn quốc từ năm 2018. Theo ông Trần Thành Có, hiện giá bán cam trồng theo phương thức hữu cơ cao gấp 2 - 3 lần so với cam cùng loại trồng theo cách bình thường, giảm được 60% chi phí, quan trọng hơn là đất không bạc màu và cho ra sản phẩm sạch. Thêm vào đó, khi trở thành thành viên HTX, chủ trang trại cũng ý thức hơn việc bảo đảm chất lượng, tuân thủ đúng những quy trình canh tác mà HTX đưa ra nhằm giữ uy tín cho sản phẩm. Hiện một ha cam mang lại lợi nhuận 500 triệu đồng mỗi năm đã tạo động lực để ông Có và thành viên HTX Nhân Đức chuyển đổi tất cả diện tích hơn 50 ha cam sang trồng theo phương pháp hữu cơ.

Với HTX Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên), hơn 10 năm hợp tác cung cấp trực tiếp 2 loại trái cây có múi trồng tại địa phương, mỗi ngày HTX Tân Mỹ cung cấp trên 1 tấn trái cây cho hệ thống siêu thị Co.opmart. Việc HTX có đầu ra ổn định giúp xã viên ổn định sản xuất, siêu thị luôn đủ lượng hàng cung cấp ra thị trường. Ông Lê Minh Sang, Giám đốc HTX Cây ăn trái Tân Mỹ, cho biết với thị trường cạnh tranh lớn như hiện nay thì thành lập HTX sẽ tạo ra sự ổn định trong hoạt động thương mại. “Thời điểm bưởi hút hàng, thương lái vào tận vườn thu mua, có khi họ còn trả tiền mua trước. Nhưng khi nhiều người cùng trồng cam, bưởi, thị trường bảo hòa, cung vượt cầu, dù nhà nông có thu hoạch sản phẩm đẹp, chất lượng chở đến tận nơi bán cũng không có giá. Điều này cũng dễ hiểu đối với các doanh nghiệp, nhưng với nhà nông lại là thách thức lớn, nhà nông chỉ quen với sản xuất chứ chưa quen với kinh tế thị trường. Vì vậy làm ăn có hợp đồng, có ký kết thông qua HTX sẽ là bước đi bền vững”, ông Sang nhấn mạnh.

Nâng tầm giá trị

Để cây có múi phát triển căn cơ, Huyện ủy Bắc Tân Uyên đề ra Chương trình Phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020. Theo đó, huyện tiếp tục chuyển đổi diện tích đất cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có múi ở những vùng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Hình thành và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi gắn với bảo vệ môi trường, nâng giá trị cây ăn trái có múi canh tác đạt bình quân 1 tỷ đồng/ha. Bên cạnh đó, nhằm xây dựng thương hiệu và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm trái cây có múi, UBND huyện Bắc Tân Uyên đã triển khai Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên cho địa phương. Tháng 9-2019, Nhãn hiệu tập thể quýt Bắc Tân Uyên tiếp tục được cấp chứng nhận. Với việc đăng ký nhãn hiệu tập thể, trái cây có múi Bắc Tân Uyên được giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn đến người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Thuận cho biết thêm, huyện rất mong sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm cây có múi của địa phương thông qua các hội chợ trong và ngoài nước. Huyện cũng sẽ tích cực hỗ trợ người sản xuất trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá hình ảnh của trái cây địa phương, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho trái cây có múi của địa phương vươn xa.

KHẢI ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên