Đẩy mạnh truyền thông phòng chống bệnh tay - chân - miệng

Cập nhật: 09-04-2012 | 00:00:00

Tình hình dịch bệnh tay -chân - miệng (TCM) đang có nhiều diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 16 trường hợp tử vong, với số mắc gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sở Y tế Bình Dương cũng vừa tổ chức Lễ phát động Hưởng ứng “Chiến dịch quốc gia phòng chống bệnh TCM”, nhằm phối hợp đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch bệnh TCM trên địa bàn. Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị (ảnh minh họa)

Theo ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, bệnh TCM đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, tính từ đầu năm đến nay, bệnh TCM đã có 21.295 trường hợp mắc tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó đã có 16 trường hợp tử vong tại 10 tỉnh, thành. Riêng ở Bình Dương, trong 3 tháng đầu năm 2012, tình hình dịch bệnh TCM cũng diễn biến phức tạp và đã có 392 ca mắc, không có ca tử vong, tăng gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2011. Các huyện, thị có số ca mắc cao như: Thuận An (77 ca), TX.TDM (56 ca), Bến Cát (42 ca), Tân Uyên (39 ca).

Đánh giá tình hình dịch bệnh TCM trong năm nay, ông Lục Duy Lạc cho rằng bệnh vẫn sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp trên diện rộng. Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây từ người này sang người khác qua đường tiêu hóa, do vi rút đường ruột gây ra. Trong vài năm trở lại đây bệnh TCM là mối nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt số ca mắc cao ở trẻ dưới 3 tuổi là chủ yếu.

Bệnh chưa có vắc-xin điều trị đặc hiệu, dễ lây qua đường tiêu hóa, nhất là đối với trẻ sinh hoạt tập thể, cộng với điều kiện thời tiết thuận lợi hiện nay dễ khiến bệnh phát ra diện rộng và thành dịch. Để khống chế bệnh TCM lan truyền trong phạm vi cả nước, Bộ Y tế đã phát động Chiến dịch quốc gia phòng chống TCM nhằm huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng cùng tích cực phòng chống bệnh TCM.

Đứng trước tình hình TCM diễn ra phức tạp, kế hoạch phòng chống TCM trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt với mục tiêu hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong, khống chế để bệnh TCM không lan rộng và phát triển thành dịch. Đây là mục tiêu chung của tỉnh, để hoàn thành mục tiêu này cần có sự đóng góp tích cực của các ban ngành, đoàn thể và toàn cộng đồng cùng tham gia phòng chống bệnh TCM. Vì lẽ đó, ngành y tế kêu gọi toàn dân tích cực tham gia phòng chống bệnh TCM bằng các hành động cụ thể và thiết thực.

Để chủ động phòng bệnh cho trẻ, ngành y tế khuyến cáo cần thực hiện các biện pháp sau: Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch. Không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng. Cho trẻ ăn chín, uống chín. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng, chloramin B 2% hoặc các chất sát khuẩn thông thường. Người chăm trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ. Trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác. Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

T.Phương

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên