Đề án 103 “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm”: Lối mở cho lao động trẻ

Cập nhật: 22-11-2013 | 00:00:00
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương phát triển khá nhanh, lực lượng lao động theo đó cũng tăng với hơn 1,2 triệu người. Làm gì để hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm? Đề án 103 ra đời từ năm 2012, đến nay đã đáp ứng nhu cầu đó, tạo lối mở cho lao động trẻ…  

 Đề án 103 còn giúp cho thanh niên tiếp cận với khoa học công nghệ, đào tạo tin học

Từ mô hình Cà phê Việc làm

Nằm trong chuỗi hoạt động của Đề án 103, Cà phê Việc làm là mô hình mới do Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Bình Dương tổ chức. Liên kết với Công ty TNHH Một thành viên Anh Hùng, qua một năm hoạt động, mô hình Cà phê Việc làm thực sự là cầu nối cho người lao động (NLĐ), đặc biệt là lao động trẻ, sinh viên tìm kiếm việc làm; là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, NLĐ cập nhật thông tin về thị trường tuyển dụng lao động. Ngoài ra, mô hình Cà phê Việc làm còn lànơi trao đổi, thương lượng vềhợp đồng công việc giữa nhàtuyển dụng và NLĐ tìm việc.

Mô hình Cà phê Việc làm hay quán cà phê có tên “Việc Làm” (số 168 đường Phú Lợi, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) có diện tích 75m2, kinh phí đầu tư hơn 200 triệu đồng. Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Bắc, chủ quán cà phê, cho rằng với lối kiến trúc thoáng mát, không gian lịch sự, rộng rãi, NLĐ đến với quán thưởng thức các loại nước giải khát để thư giãn và tiếp nhận những thông tin về việc làm, thông qua bản thông tin tuyển dụng, truy cập trang thông tin điện tử, thông tin về các khóa đào tạo, nghề nghiệp, việc làm tại quán… Anh Bắc cho biết thêm từ ngày thành lập đến nay, mô hình này đã thu hút hơn 2.000 lao động trẻ đến tìm kiếm việc làm; có gần 50 buổi hẹn trao đổi về hợp đồng công việc giữa nhà tuyển dụng và NLĐ, qua đó có trên 100 bạn trẻ đã được tuyển dụng.

Anh Trần Tân Định, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Bình Dương, nói mô hình Cà phê Việc làm không những đáp ứng nhu cầu tìm việc cho NLĐ, thông tin thị trường lao động, mà còn góp phần tạo được nguồn thu cho trung tâm với hơn 30 triệu đồng. Với số tiền thu được, thời gian qua, trung tâm đã đầu tư trở lại phục vụ NLĐ thông qua các hình thức giới thiệu việc làm miễn phí và tặng 1.500 sách cẩm nang việc làm dành cho NLĐ đến tìm việc tại trung tâm. Song song đó, trung tâm còn tổchức làm thêm giờphục vụcông tác giới thiệu việc làm cho NLĐ vào các buổi tối trong tuần từ17 - 20 giờ.

Đa dạng mô hình hỗ trợ học nghề

Từ mô hình Cà phê Việc làm, Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Bình Dương đã tổ chức rất nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn cho đoàn viên thanh niên ở các huyện, thị, thành phố, sinh viên trong các trường học, với mục đích hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm, nhằm phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, nhất là thanh niên, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trao đổi với chúng tôi, anh Định cho biết đã tổ chức 9 lớp tuyên truyền viên về “Kỹ năng tìm việc làm” có 950 học viên theo học; 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hướng nghiệp trong trường THPT có 68 giáo viên dự; đồng thời tổ chức tư vấn hướng nghiệp tại 15 trường THPT, thu hút 6.200 học sinh tham gia.

Đặc biệt, với 4 lớp “Khởi sự doanh nghiệp” có 295 học viên theo học đã để lại ấn tượng khá sâu sắc bởi chương trình được tổ chức sinh động thực tế, mang tính tương tác cao và mang lại kiến thức bổ ích cho thanh niên. Anh Nguyễn Trung Nguyên, diễn giả chia sẻ những trải nghiệm mà anh đã tích lũy trong thời gian dài, như phát triển ý tưởng kinh doanh; cách thức để xây dựng một hệ thống kinh doanh hoàn chỉnh; cách thức marketing khi đón tiếp khách hàng, bán hàng và chăm sóc khách hàng; cách để duy trì hệ thống kinh doanh đạt hiệu quả nhất… Điều quan trọng là sau khi tham gia khóa học, hầu hết các bạn có bản lĩnh và chứng minh bản thân có thể trở thành một doanh nhân tương lai.

Nhờ nội dung thiết thực bên cạnh hình thức vui tươi, phong phú theo từng mô hình hoạt động, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Bình Dương đã thu hút rất nhiều NLĐ, nhất là lao động trẻ đến tìm việc làm, trong đó trung tâm đã tư vấn việc làm cho 2.370 người; tư vấn nghề nghiệp cho 1.730 người và giới thiệu việc làm cho 2.502 người. Song song đó, trung tâm còn không ngừng liên kết với các đơn vị: Công ty Không gian Số, Công ty Anh Hùng, Công ty Tung Cánh Việt, các cơ sở bồi dưỡng văn hóa Tri Hành tổ chức nhiều lớp đào tạo nâng cao trình độ tay nghề và bồi dưỡng kỹ năng mềm cho NLĐ. Anh Định kể, năm nay trung tâm tổ chức được 132 lớp, thu hút 2.570 học viên theo học, bao gồm tin học, ngoại ngữ, điện - điện tử, võ thuật, thể dục thẩm mỹ…

Xác định đối tượng thụ hưởng theo Đề án 103 là học sinh phổ thông, học sinh, sinh viên các hệ đào tạo, thanh niên chưa có việc làm, thất nghiệp, thanh niên nông thôn, vùng sâu vùng xa, thanh niên khuyết tật, thanh niên có nhu cầu khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp, bộ đội xuất ngũ… anh Định một lần nữa cho biết, hiệu quả mang lại bước đầu là có, nhưng so với tiến trình phát triển của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. “Nếu như có sự đầu tư đồng bộ về kinh phí để trang bị thêm cơ sở vật chất, cải tiến công tác tư vấn giới thiệu việc làm, tăng cường nguồn lực bằng việc liên kết, chắc chắn Đề án 103 “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm” nhanh chóng sẽ có lời giải đáp cho lực lượng lao động ở Bình Dương, nhất là lao động trẻ”, anh Trần Tân Định khẳng định.

• KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên