Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của người dân, đặc biệt là góp phần giảm quá tải của các bệnh viện tuyến tỉnh do biến động tăng dân số cơ học, cũng như với sự gia tăng các bệnh nhiễm... ngành y tế Bình Dương đã xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển trung tâm y tế huyện, thị (HTPT TTYTHT), giai đoạn 2011-2015 (đã được UBND phê duyệt tại Quyết định 3011/QĐ-UBND ngày 9-12-2010) với các mục tiêu chủ yếu như: Từ năm 2011-2015: 100% trung tâm y tế (TTYT) các huyện, thị, các phòng khám khu vực (PKĐK), các trạm y tế xã, phường trên địa bàn có cơ sở làm việc, trang thiết bị y tế, văn phòng (TTBYT, VP) nhân lực theo đúng quy định của Bộ Y tế, đủ năng lực cung cấp các dịch vụ phòng, chống dịch bệnh và KCB cho nhân dân tại tuyến cơ sở.
Những khó khăn cần sớm tháo gỡ...
Các huyện, thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo đề án (BCĐĐA) do chủ tịch UBND huyện, thị làm trưởng ban và ban điều hành thực hiện đề án của ngành, do giám đốc TTYT huyện, thị làm trưởng ban, đã xây dựng quy chế hoạt động của ban chỉ đạo và lập kế hoạch thực hiện đề án.
Khám bệnh tại Phòng khám Đa khoa - Nhà Bảo sanh TX.TDM
Tuy nhiên sau gần 1 năm thực hiện đề án, đa số các huyện, thị đã gặp một số khó khăn trong triển khai thực hiện. Trên mặt bằng chung, hiện TTYT và phòng y tế các huyện, thị trong tỉnh chưa có cơ sở riêng (trừ phòng y tế huyện Phú Giáo), TTBYT, VP còn thiếu thốn. Tại một số đơn vị tuyến y tế cơ sở, hiệu quả sử dụng TTBYT chưa cao. Công tác duy tu bảo dưỡng và quản lý TTBYT chưa được quan tâm đúng mức. Có TTYT huyện chưa được cấp đất xây dựng. Riêng TTYT TX.TDM được UBND tỉnh phê duyệt xây dựng trên vị trí cũ. Nhưng theo tiêu chí mới thì diện tích không đủ. Trạm Y tế ở Phú Thọ, Phú Cường cũng không đủ diện tích theo quy định. Riêng trạm Phú Hòa vướng quy hoạch, vì vậy việc xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị trong năm 2011 không đúng theo tiến độ được duyệt. Hiện BCĐĐA TX.TDM đang kiến nghị xin bố trí quỹ đất mới cho TTYT và 3 trạm y tế này. Do phải bảo đảm nhiệm vụ trong khi xây dựng, nhưng trên thực tế việc di dời, mượn cơ sở hoạt động rất khó khăn. Vì vậy có nơi chưa khởi công xây dựng được, dù các bước thủ tục đã xong.
Quyết tâm cao trong thực hiện
Việc thắt chặt tài chính công có ảnh hưởng đến Đề án HTPT TTYTHT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị đã cho biết: “Dù có khó khăn, nhưng UBND tỉnh vẫn quyết tâm cao để thực hiện thành công các đề án HTPT TTYTHT, cũng như các đề án khác của các ngành y tế, giáo dục, an sinh xã hội...”.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị căn cứ vào Đề án HTPT TTYTHT đã phê duyệt, để xây dựng Đề án HTPT TTYTHT tại địa phương, theo đúng quy chế về đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị của Nhà nước. Theo Quyết định số 142/2006/UBND ngày 1-6-2006 về việc phê duyệt đề án, toàn tỉnh xây dựng 14 PKĐK khu cụm công nghiệp của tỉnh Bình Dương. Trong đó năm 2010: 6 phòng khám; năm 2011: 7 phòng khám và nâng cấp 2 phòng khám; năm 2012: 1 phòng khám. Còn về trạm y tế xã: căn cứ Quyết định 2852/QĐ-CT của Chủ tịch UBND tỉnh, tổng dự toán công trình mẫu trạm y tế xã, phường, thị trấn, toàn tỉnh cần xây dựng mới và nâng cấp 22 trạm y tế xã. Trong đó năm 2010: 11 trạm, năm 2011: 13 trạm, năm 2012: 8 trạm. Song song với đầu tư cơ sở vật chất, còn đầu tư TTBYT, VP, nhân lực đồng bộ, với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2010-2012: 260,6 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh được phân bổ theo từng năm.
Tuy có nhiều khó khăn, song từ lãnh đạo tỉnh, đến các BCĐĐA huyện, thị, đều có quyết tâm cao trong việc thực hiện Đề án HTPT TTYTHT. Việc thực hiện đề án thành công, hệ thống y tế tuyến cơ sở sẽ được đầu tư đồng bộ về con người, cơ sở vật chất, TTBYT, VP, nâng cao năng lực, đem lại các dịch vụ tiện ích về phòng chống dịch bệnh và KCB đến tận cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh nhà.
BẢO ANH