Đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2012-2015: Đẩy mạnh hướng nghiệp, giới thiệu việc làm

Cập nhật: 24-11-2015 | 08:34:58

Việc hỗ trợ thanh niên (TN) học nghề và tạo việc làm được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Đoàn TN tỉnh. Thực hiện Đề án 103 “Hỗ trợ TN học nghề và tạo việc làm” giai đoạn 2012- 2015, trong 4 năm qua, Tỉnh đoàn cùng Ban điều hành đề án đã thực hiện được nhiều chương trình ý nghĩa thiết thực, giúp hàng ngàn TN được hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm (GTVL)…

Thanh niên được tham quan thực tế quy trình sản xuất tại các doanh nghiệp là một trong những hoạt động hướng nghiệp thú vị và bổ ích

Những kết quả tích cực

Đề án 103 “Hỗ trợ TN học nghề và tạo việc làm” gồm 3 nhóm nội dung: Truyền thông nâng cao nhận thức của TN và xã hội về học nghề và lập nghiệp; dự án Tư vấn, hỗ trợ TN khởi sự doanh nghiệp, lập nghiệp và chương trình giám sát đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho TN. Trong 4 năm qua, thực hiện đề án này, Tỉnh đoàn đã có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành như: Trung tâm GTVL tỉnh; Trung tâm hướng nghiệp TP.HCM; Sở Giáo dục và Đào tạo; các Huyện, Thị, Thành đoàn, các Đoàn trường đại học, cao đẳng trong toàn tỉnh để tổ chức những chương trình hữu ích cho các bạn trẻ trong hướng nghiệp. Đặc biệt là công tác phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hàng năm, Tỉnh đoàn và sở đã ký kết chương trình phối hợp đào tạo nghề, GTVL cho TN. Trong năm 2011, 2 đơn vị đã ký kết chương trình liên tịch giai đoạn 2011-2015, trong đó phối hợp thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm công tác đào tạo nghề cho TN; công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm cho TN; công tác phòng chống tệ nạn xã hội cho TN; thực hiện chỉ tiêu chương trình phát triển TN Bình Dương; chăm lo cho người có công và đối tượng bảo trợ xã hội trong TN.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo Trung tâm GTVL TN tỉnh - đơn vị nòng cốt thực hiện Đề án 103 tổ chức được nhiều lớp kỹ năng xin việc làm; khởi sự doanh nghiệp, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên (HS, SV), đoàn viên TN… Cụ thể, Trung tâm GTVL TN tỉnh đã thực hiện hơn 7.000 lượt tư vấn học nghề cho người lao động, tư vấn việc làm cho hơn 6.700 lượt người, GTVL cho hơn 6.800 lượt người. Ban điều hành Đề án 103 đã ban hành bộ tài liệu học nghề và lập nghiệp với 7.000 quyển cẩm nang chọn nghề và việc làm, 1.000 quyển sách hướng nghiệp và học nghề, 1.000 cẩm nang văn hóa và kỹ năng nơi làm việc; tổ chức 90 chương trình nói chuyện, truyền động lực cho TN. Riêng mô hình cafe việc làm tại TTGTVL TN tỉnh đã thu hút trên 1.200 TN tham gia sinh hoạt. Song song đó, trung tâm còn tổ chức ngày hội nguồn nhân lực trẻ với nhiều hoạt động như phỏng vấn tuyển dụng, tham quan doanh nghiệp, hội thảo định hướng phát triển nghề nghiệp, gặp gỡ lãnh đạo tỉnh… Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn tham mưu xây dựng các công trình phục vụ dạy nghề, tạo việc làm cho TN, điển hình là việc xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ TN công nhân và Lao động trẻ tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (TX.Bến Cát) với tổng vốn đầu tư hơn 57 tỷ đồng…

Tập trung hỗ trợ TN nông thôn

Bên cạnh những mặt tích cực, cũng phải nhìn nhận rằng, đề án vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế như công tác tư vấn GTVL tuy có nhiều cải tiến nhưng thu hút đông đảo người lao động từ các địa phương khác tham gia; một số đơn vị chưa tích cực hưởng ứng đề án, khiến một bộ phận HS, SV, TN không được tham gia; chưa có nhiều nguồn lực xã hội liên kết để hoạt động tư vấn, hỗ trợ, GTVL cho TN đạt hiệu quả cao hơn; kinh phí Đề án 103 hàng năm được giao chậm gây ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai thực hiện…

Chị Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Bí thư Tỉnh đoàn thẳng thắn đánh giá: “Thời gian qua, trong công tác tư vấn, hướng nghiệp ở các đơn vị Huyện, Thị, Thành đoàn, một số đơn vị làm tốt, một số đơn vị làm chưa tốt, còn lơ là, bỏ mặc cho các Phòng Giáo dục - Đào tạo thực hiện. Một số đơn vị chỉ tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho HS mà chưa tư vấn cho TN… Đối với mảng công tác tư vấn, hỗ trợ, khởi sự doanh nghiệp cho TN, chúng tôi đánh giá cao các hoạt động của TTGTVL TN tỉnh - đơn vị nòng cốt trong thực hiện Đề án 103 trong việc tư vấn, đào tạo, GTVL cho TN… Tuy nhiên, trung tâm và các cơ sở Đoàn còn bỏ quên một bộ phận chưa được quan tâm đúng mực, đó là đối tượng TN nông thôn”.

Theo chị Mai, việc mở các lớp đào tạo, dạy nghề nhưng chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn TN nông thôn có nghề nghiệp ổn định. Mặc dù đề án Hỗ trợ TN nghèo lập nghiệp vươn lên giảm và thoát nghèo tỉnh Bình Dương đã được triển khai nhưng còn nhiều trường hợp chỉ mới “cho con cá nhưng chưa cho cần câu”. Chính vì thế, các hoạt động chăm lo cho đối tượng này chưa đi vào thực chất. “Thời gian sắp tới, mặc dù Đề án 103 chưa được phê duyệt giai đoạn tiếp theo nhưng các đơn vị Huyện, Thị, Thành đoàn cần tiếp tục làm tốt công tác hỗ trợ TN học nghề và việc làm; vận động sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các nguồn lực xã hội chăm lo tốt cho đối tượng TN nông thôn…”, chị Mai nói.

 

• NGỌC NHƯ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Đề án

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên