Đề án phát triển nghề công tác xã hội: Hướng đến một xã hội giàu lòng nhân ái

Cập nhật: 10-12-2014 | 10:17:26

Từ khi Chính phủ ban hành Đề án 32 để phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010-2020, nghề này đã đạt được những thành tựu nổi bật. Đội ngũ nhân viên làm CTXH thời gian qua là chỗ dựa cho những người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội như người nhiễm HIV, khuyết tật, trẻ lang thang... giúp họ giải quyết những khó khăn, lấy lại niềm tin để vươn lên hòa nhập vào cộng đồng xã hội.

Chương trình giao lưu kỷ niệm ngày CTXH thế giới “một thế giới cho tất cả” tại trường ĐH Thủ Dầu Một. Ảnh: N.THANH

Nâng cao nhận thức nghề CTXH

Cả nước hiện có gần 40 trường đại học và cao đẳng (ĐH, CĐ) mỗi năm tuyển sinh khoảng 2.000 sinh viên chuyên ngành CTXH. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên có bằng tiến sĩ và thạc sĩ còn rất ít, chỉ khoảng 30 - 40 người. Thậm chí, có trường chưa có giảng viên nào được đào tạo về CTXH mà chỉ được đào tạo ngành học gần giống như ngành xã hội học, nhân học, giáo dục đặc biệt...

Trong khi đội ngũ giảng viên còn thiếu thì các trường ĐH, CĐ cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt sinh viên theo học ngành này. Nguyên nhân ban đầu được cho là ngành học mới, còn khá xa lạ với sinh viên đang theo học. Mặt khác, nhận thức của xã hội về ngành này vẫn còn hạn chế, bởi thường nhầm lẫn nghề CTXH với từ thiện là một. Trong quá trình theo học, một số sinh viên còn e ngại khi phải tiếp xúc với những người bị nhiễm HIV, gái mại dâm, người khuyết tật, trẻ lang thang...

Tại Bình Dương, trường ĐH Thủ Dầu Một là một trong số ít trường ĐH có khoa CTXH đang đào tạo 500 sinh viên. TS. Ngô Hồng Điệp, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Thủ Dầu Một, cho biết ngay từ khi thành lập trường, lãnh đạo nhà trường đã quyết tâm mở ngành CTXH, triển khai đề án của Chính phủ và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH. Đó là, xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến cho tỉnh và vùng Đông Nam bộ.

Giúp người có khoa học

Để ngành học CTXH không còn xa lạ đối với học sinh, sinh viên thì các trường trước hết phải quảng bá ngành học. Trong quá trình sinh viên theo học, nhà trường cần phải có nhiều hoạt động thực tế cho sinh viên nhằm tiếp xúc và làm quen để sinh viên quen dần với việc hỗ trợ đối tượng xã hội. Đặc biệt là tạo niềm tin, lòng yêu nghề, từ đó các em hình thành và thay đổi cách nhìn cũng như có kinh nghiệm trong thực tế sau này.

ThS. Lưu Thị Ánh Loan, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD, tâm sự: “Tôi nhận thấy rằng, nghề CTXH ở nước ta vẫn còn thiếu và yếu. Chính vì vậy việc đào tạo đội ngũ này một cách bài bản là rất cần thiết. Nếu trước đây khi chưa theo học ngành CTXH tôi chỉ giúp người một cách đơn thuần nhưng sau khi được học bài bản, tôi đã biết giúp người không chỉ là giúp một cách giản đơn mà phải giúp có khoa học. Người làm CTXH không chỉ thiên về tình cảm mà còn phải có cả lý trí trong đó, như người ta hay nói cho “cần câu” chứ không cho “con cá” là vậy.

TS. Hoàng Trọng Quyền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một, nhấn mạnh: “Trường ĐH Thủ Dầu Một xây dựng chương trình ngành CTXH trên cơ sở lấy ý kiến chuyên gia, tham khảo thực tế xã hội, chú trọng thực hành thực tế để sinh viên có được những kiến thức, kỹ năng và lòng yêu nghề khi tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Bằng hoạt động giáo dục, cung cấp kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề đội ngũ này sẽ cung cấp cơ hội cho người khuyết tật được hòa nhập vào cộng đồng. Đây là một biện pháp giúp họ phát triển nhân cách, tăng cường giao lưu và học hỏi. Trường ĐH Thủ Dầu Một đào tạo nguồn nhân lực CTXH chú trọng đến nhiều khía cạnh kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp theo hướng thực hành, nhất là các môn học và nội dung đề cập đến kỹ năng thực hành CTXH ở các lĩnh vực cụ thể. Đây là định hướng các quy chuẩn nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề nghiệp cho người làm CTXH. Hy vọng trong tương lai, sinh viên trường ĐH Thủ Dầu Một sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của xã hội về lĩnh vực này”.

Ngày nay, xã hội phát triển, cuộc sống con người không ngừng được nâng cao, tuy nhiên vẫn còn nhiều người trong xã hội đang đối diện với rất nhiều khó khăn. Mong rằng, ngành CTXH ngày càng có chỗ đứng vững để tiến tới một xã hội giàu lòng nhân ái và phát triển bền vững.

Theo Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 có hai giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 2010-2015, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên CTXH trong cả nước, phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 10%. Giai đoạn 2016-2020, phát triển đội ngũ cán bộ viên chức ở các cấp, phấn đấu tăng khoảng 50%, hỗ trợ nhân rộng mô hình cung cấp dịch vụ CTXH ở các quận, huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh. Đề án được thực hiện, cũng có 60.000 cán bộ, nhân viên CTXH được đào tạo chuyên nghiệp và 35.000 cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH được đào tạo lại... Đây được xem là bước khởi đầu mở ra một nghề mới nhiều triển vọng trên thị trường lao động và đáp ứng nhu cầu xã hội.

 

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên