Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam 2010-2020: Hiệu quả thiết thực sau 3 năm thực hiện

Cập nhật: 26-09-2012 | 00:00:00

Từ ban ngành, đoàn thể

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình thuộc Sở VH,TT-DL tỉnh LÊ THẾ HÙNG:

Trong thời gian tới, Ban Quản lý đề án sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, đoàn thể… nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trong đó những giải pháp chính gồm: tuyên truyền trực tiếp qua các buổi sinh hoạt khu phố, ấp; tổ chức nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, băng rôn, panô áp phích, xe tuyên truyền lưu động đồng thời nhân bản tài liệu tuyên truyền của Trung ương và in ấn tờ rơi phân bổ cho các địa bàn triển khai đề án và các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh…

Đến nay, toàn tỉnh có 20 khu phố, ấp/3 xã, phường, thị trấn của 3 huyện/thị triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam”. Cụ thể, trong năm 2010 đề án được triển khai thí điểm tại phường An Bình, TX.Dĩ An (4 khu phố) bằng nguồn kinh phí của Trung ương hỗ trợ. Đến năm 2011, duy trì đề án tại phường An Bình và triển khai nhân rộng tại xã Lai Uyên, huyện Bến Cát (8 ấp) bằng nguồn kinh phí của tỉnh bố trí. Trong năm 2012, tỉnh tiếp tục duy trì đề án tại 2 địa bàn đã triển khai và nhân rộng địa bàn mới tại thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên (8 khu phố) bằng nguồn kinh phí của tỉnh. Hàng năm, Ban Quản lý đề án cấp tỉnh tổ chức lớp tập huấn công tác chỉ đạo, quản lý cho cán bộ chỉ đạo, quản lý đề án cấp huyện, xã và lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng, cách thức quản lý và triển khai đề án tại cộng đồng cho Ban Quản lý đề án cấp khu, ấp. Trong 3 năm qua (2010-2012), Ban Quản lý đề án cấp tỉnh đã tổ chức được 6 lớp tập huấn nghiệp vụ cho Ban Quản lý đề án các cấp (huyện, xã, khu ấp), đã có 216 lượt người tham dự với các nội dung chủ yếu: Một số kiến thức cơ bản về gia đình; quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đối với lĩnh vực công tác gia đình… Song song với công tác tập huấn nghiệp vụ, công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng cũng được Ban Quản lý tỉnh chú trọng thực hiện (phối hợp cùng Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương thường xuyên thực hiện các chuyên mục “Cùng xây tổ ấm”, chuyên trang “Nếp sống văn hóa và gia đình”) đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, để phục vụ cho công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, trong 3 năm qua, tỉnh đã phát hành 310.000 tờ rơi phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), nhân bản 4.500 tài liệu tuyên truyền của Trung ương, phát hành hơn 3.400 cuốn hỏi đáp Luật PCBLGĐ và Luật Bình đẳng giới để cung cấp về các địa phương tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền tại các khu phố, ấp…

Sự phối hợp giữa các ngành có liên quan trong việc tổ chức tuyên truyền thực hiện đề án ngày càng chặt chẽ. Từ năm 2010 đến nay, nhiều chương trình phối hợp giữa các ban ngành đã được tổ chức tốt và phát huy hiệu quả cụ thể, như: phối hợp Sở Tư pháp và Công ty Phát triển Công nghiệp và Đô thị Bàu Bàng tổ chức nói chuyện chuyên đề về PCBLGĐ cho khoảng 150 công nhân tham dự; phối hợp với Công đoàn viên chức tỉnh triển khai Chương trình phối hợp về đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình và PCBLGĐ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Công đoàn viên chức tỉnh giai đoạn 2011-2015; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới và Luật PCBLGĐ cho lực lượng cộng tác viên, tuyên truyền viên ở cơ sở…

Đến tuyên truyền cơ sở

Trong thời gian qua, việc triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” đã đạt được hiệu quả nhất định. Tác động của đề án đối với 8.816 hộ gia đình của 20 khu phố, ấp/3 xã, phường, thị trấn triển khai đề án là rất khả quan, như: không còn trường hợp tảo hôn; hộ có bạo lực gia đình: năm 2010 có 7 hộ, năm 2011 giảm còn 5 hộ và năm 2012 còn 4 hộ. Hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa: phường An Bình (TX.Dĩ An): năm 2010 đạt tỷ lệ 86,51%, năm 2011 đạt 90,96%; xã Lai Uyên (Bến Cát): năm 2010 đạt 91,15% và năm 2011 đạt 91,51%. 

Một tiểu phẩm văn nghệ tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình

Bên cạnh những hoạt động nói trên, công tác tuyên truyền ở cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn và khu phố, ấp) cũng rất được quan tâm, đặc biệt là các nội dung tuyên truyền xoay quanh việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỹ năng xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình Việt Nam… Cụ thể, tại phường An Bình, TX.Dĩ An thí điểm đầu tiên của Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam”, trong thời gian qua đã thực hiện được 160 buổi sinh hoạt định kỳ, lồng ghép của các đoàn thể với hơn 32.000 lượt người tham dự. Tổ chức tuyên truyền 110 giờ trên hệ thống loa truyền thanh của phường, bên cạnh đó tủ sách tuyên truyền đã được phát huy khá hiệu quả, ngoài việc dùng làm tài liệu trong các buổi sinh hoạt khu phố, trong 3 năm qua đã có 180 lượt hộ gia đình mượn tài liệu về tham khảo. Tại xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, sau 2 năm áp dụng thực hiện đề tài cũng đã tổ chức được 124 buổi sinh hoạt với hơn 12.000 lượt người tham dự.

Những hiệu quả tích cực bước đầu

Sau 3 năm thực hiện, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả, nhất là trong việc góp phần nâng cao tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa. Thông qua các hoạt động, đề án đã tạo điều kiện để các thành viên và mọi người thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình: Hiểu biết hơn về Luật PCBLGĐ; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và Gia đình từ đó không để bạo lực xảy ra trong gia đình mình. Chị em phụ nữ có thêm kiến thức về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, các kỹ năng xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình… Bên cạnh đó, ngoài việc giới thiệu, phổ biến Luật PCBLGĐ, cách xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, các gia đình còn bàn bạc phương án lao động sản xuất, chăm lo đến việc cải thiện cuộc sống gia đình, nhờ đó những thói hư tật xấu như rượu chè, cờ bạc, tình trạng mất đoàn kết trong cộng đồng đã giảm. Các thành viên có ý thức hơn trong việc chấp hành và nhắc nhở nhau thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nếp sống văn minh cộng đồng, góp phần quan trọng thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

BÌNH MINH 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên