Để bếp nhà không lạnh...

Cập nhật: 13-09-2010 | 00:00:00

Nhiều người cho biết, vì công việc nên có khi một tháng họ ăn cơm nhà có mấy lần. Nhưng có người ngày nào cũng về nhà đủ vợ chồng con cái lại vẫn để bếp lạnh ngắt vì “mấy tháng mới hết một bình gas”!

Bỏ bếp vì bận!

Cuối tuần rồi tôi đến nhà ông anh họ chơi, thấy anh và cô giúp việc mỗi người một... tô mì gói ăn bữa tối. Căn nhà 3 tầng sang trọng, căn bếp đầy đủ tiện nghi nhưng xem ra khá lạnh. Anh chỉ đại vào một cái ghế ở bàn ăn: “Ngồi chơi, em. Giờ nhà anh phòng bếp như... phòng khách! Sạch sẽ, rộng, lại sẵn trái cây đó, lấy ăn tự nhiên nhé!”. Hỏi chị đi đâu, cháu đi đâu, anh cười cười: “Vợ anh đi ăn tiệc. Tiệc gì mà đi hoài có khi một tháng hơn chục bữa. Con đi học... tua thứ ba trong ngày, chưa về”.

  Giúp vợ nấu nướng

Vợ anh khá giỏi giang. Chị làm chủ một đại lý phân phối thuốc tây và còn trực tiếp đứng bán hàng một cửa hiệu thuốc khá lớn. Mọi việc ở nhà chị giao hết cho ô-sin. Sáng chị đi chợ về để đó là người giúp việc tự biết nấu nướng món gì. Công việc của anh họ tôi khá nhàn. Cơ quan lại gần nhà nên không nhất thiết phải ở lại buổi trưa. Nhưng anh về nhà cũng chỉ ăn cơm với... ô-sin vì vợ và con đi vắng suốt. Đôi khi thấy cũng bất tiện khi trong căn nhà rộng thênh thang chỉ có mình với người giúp việc tuổi mới ngoài 30 nên anh cũng ngại, ở lại cơ quan và chọn cách ăn uống qua loa. Tối, nếu có cả nhà thì anh bảo nấu nướng đàng hoàng còn không thì “ăn gì cũng được”. Chị giúp việc nhà anh nói với tôi: “Cô biết không, đôi khi tôi... tự nấu tự ăn vì cô chú và em có việc đột xuất gì đó nên không về ăn cơm được”.

Chị Hải, một nhân viên ngân hàng thì nói về căn bếp của mình như một nỗi... hoài niệm: “Tụi mình làm nhà xong mới cưới nhau nhưng chỉ nấu ăn mấy tháng đầu theo kiểu... biểu diễn cho mẹ anh ấy vui và yên tâm thôi. Khi bà về quê thì ai tự lo nấy. Trưa, nghỉ được có tiếng rưỡi, nhà lại xa nên chạy đi chạy lại mất công. Tối đón nhau xong 2 vợ chồng cũng đi ăn tiệm cho tiện. Công việc của ai cũng bận rộn nên như thế là tốt nhất. Giờ chưa con cái, cứ thế đã. Sau này hẳng tính...”.

Nên sắp xếp công việc hợp lý

Nhiều chuyên gia ẩm thực khuyên; hãy coi chuyện nấu ăn như một cách... thư giãn! Đừng nghĩ nó làm mình vất vả thì không thấy vất vả! Chúng ta không phải là chuyên gia nấu nướng nên việc vào bếp cũng chiếm thời gian rất ít trong ngày. Thế nên, đừng để bếp nhà lạnh khi chuyện cơm nước hàng ngày mỗi thành viên phải tự lo.

Trong một lần trao đổi với người viết về việc giữ hạnh phúc gia đình, chị Vũ Thị Ngọc Trinh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất thuốc thú y - thủy sản Minh Dũng (Tân Phước Khánh, Tân Uyên) cho rằng; phụ nữ dù bận rộn cỡ nào cũng nên để thời gian chăm nom cho tổ ấm của mình. Theo chị, phụ nữ càng thành đạt càng phải khéo léo trong việc giữ hạnh phúc gia đình thông qua những bữa cơm nóng sốt, bằng sự cảm thông và chia sẻ nhau chứ đừng đổ thừa rằng mình quá bận! Gia đình chị 4 người thì hiện có 3 người làm việc ở công ty này và cô con gái út đang du học ở Mỹ. Là một trong những gia đình “sống ở Sài Gòn làm việc ở Bình Dương” nhưng chị luôn tranh thủ về nhà mỗi ngày. Buổi trưa, chị cùng ông xã và cô con gái lớn ăn cơm ở công ty như những cán bộ, nhân viên khác. Có khi bận rộn, về đến nhà ở thành phố đã 8 - 9 giờ tối nhưng chị cũng cố giữ cho gia đình mình một thói quen là cùng sum họp trong một bữa cơm gia đình. Không chỉ thế, với nhân viên cấp dưới, chị cũng thường khuyên họ biết cách quan tâm đến nhau như trong một gia đình. Mỗi khi ai có chuyện không vui hay xào xáo trong tổ ấm chị cũng lắng nghe và chia sẻ cách “dĩ hòa vi quý”. Hàng năm, công ty cũng tổ chức cho cán bộ, nhân viên đưa người thân đi tham quan, nghỉ mát để có điều kiện... hâm nóng tình cảm giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Và những lúc vui chơi như thế thì theo chị Trinh là: “Tôi tạo điều kiện và sự bình đẳng giữa tất cả các bộ phận với nhau. Công việc khác, lương bổng khác nhưng khi đi chơi thì tất cả đều như nhau từ chị lao công đến anh trưởng phòng. Với ai, tôi cũng khuyến khích đưa người thân cùng tham gia chuyến đi để mọi người hiểu nhau, gắn kết với nhau hơn...”.

Không quá bận nếu biết sắp xếp hợp lý cho việc nội trợ. Chị Thủy, trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp ở TX.TDM,  làm việc ở Bến Cát cho biết; sáng, chị tranh thủ đi chợ thật sớm, về nhà sơ chế mọi thứ cho vào tủ lạnh mới đưa con đi học. Trước 7 giờ sáng, chị đã đưa con đến trường sau đó về nhà cất xe máy, đợi xe công ty đến đón. Chiều chị về nhà và kịp đi đón con. Trong khi bắc nồi cơm thì chị làm thức ăn. Ông xã đi làm về phụ giúp chị việc quét nhà, lau nhà. Thế là gần 7 giờ tối, mọi người có thể cùng ngồi vào mâm cơm ngon lành do chị nấu. Cuối tuần, không phải đi làm thì chị đi mua sắm những thứ cần thiết và trổ tài nấu nướng để “ăn 3 bữa ở nhà chứ không lang thang ở quán xá gì cả...”.

Những bữa cơm gia đình còn là sự gắn bó các thành viên, còn giúp cho tổ ấm của mình... ấm hơn. Thế nên, chị em chúng ta dù có bận rộn cỡ nào cũng đừng để căn bếp quá lạnh hay biến thành... phòng khách thứ hai trong nhà mình!

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên