Để giảm số ca bệnh sốt xuất huyết: Cần quyết liệt, kiên trì hơn trong công tác phòng, chống

Cập nhật: 09-08-2019 | 09:01:24

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang tăng cao, Bộ Y tế đã thành lập 8 đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh SXH tại 20 tỉnh, thành phố trọng điểm, trong đó có tỉnh Bình Dương. Theo đánh giá, công tác phòng, chống SXH của Bình Dương luôn được quan tâm, triển khai thực hiện thường xuyên, tuy nhiên hiện nay số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh vẫn còn tăng cao. Do đó, theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, công tác phòng, chống SXH trong thời gian tới cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và phải quyết liệt, kiên trì hơn thì mới giảm được số ca mắc, tử vong do SXH...

Trước tình hình bệnh SXH tăng cao, ngành y tế đã chủ động phun thuốc diện rộng tại một số địa phương. Trong ảnh: Nhân viên ngành y tế phun xịt thuốc diệt muỗi tại một khu dân cư

Địa phương chủ động phòng, chống

Ngày 7-8, đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Y tế do PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, làm trưởng đoàn đã thực địa kiểm tra tình hình, công tác phòng, chống SXH tại phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát. Đoàn đã đến một sốhộdân tại khu phố An Hòa, phường Hòa Lợi nắm bắt việc triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống SXH của y tế địa phương đến người dân thường trú, tạm trú; sự quan tâm của người dân đối với công tác vệ sinh phòng, chống bệnh SXH tại gia đình mình như thế nào.

Qua giám sát cho thấy, với những hộ tạm trú ở trong các khu nhà trọ, do không gian sinh hoạt chật hẹp nên hầu như rất ít các vật dụng chứa nước có thể có lăng quăng ở trong nhà. Ngược lại, với những hộ dân thường trú, do không gian sinh hoạt, sân vườn rộng, nên các vật dụng chứa nước có thể sinh lăng quăng còn khá nhiều. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên bà con đã có ý thức và thường xuyên thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh các vật dụng chứa nước trong và quanh nhà mình để tránh nguy cơ phát sinh lăng quăng, muỗi vằn gây bệnh.

Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, chu kỳ từ trứng muỗi nở ra thành lăng quăng là 7 ngày. Người dân chỉ cần 7 ngày thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng một lần là được; không nhất thiết 2 - 3 ngày làm một lần vì vừa vất vả mà đôi khi thực hiện sẽ không đến nơi đến chốn do không hiểu hết. Một khi làm không đến nơi đến chốn thì lăng quăng vẫn còn tồn tại, mà lăng quăng còn tồn tại thì muỗi sẽ phát triển và nguy cơ truyền bệnh vẫn còn.

Bà Bùi Thị Xèm, ở khu phố An Hòa, phường Hòa Lợi, cho biết gia đình bà có các cháu nhỏ nên rất chú ý đến việc vệ sinh môi trường, súc rửa các vật dụng chứa nước để diệt lăng quăng, phòng chống SXH. Cứ 2 - 3 ngày chồng tôi lại súc rửa các bể chứa nước một lần. Cộng tác viên y tế khu phố cũng đến nhà tuyên truyền, vận động và hướng dẫn gia đình lật úp hoặc hủy bỏ các vật dụng chứa nước bên ngoài vườn để khi mưa xuống không ứ đọng nước trong đó. Không có lăng quăng không có SXH, mình phải làm để tự phòng bệnh cho người nhà mình trước, sau đó là tránh lây bệnh cho cộng đồng...”, bà Xèm nói.

Theo Trung tâm Y tế TX.Bến cát, tính từ đầu năm đến ngày 28-7, trên địa bàn thị xã ghi nhận 595 ca SXH, tăng 115 ca so với cùng kỳ năm 2018. Các phường có số ca mắc cao nhất là phường Thới Hòa 163 ca, Mỹ Phước 130 ca, Hòa Lợi 75 ca, Tân Định 69 ca... Số ca bệnh trên địa bàn tăng cao trong tháng 7, với 113 ca, có 1 ca tử vong tại ấp An Sơn, xã An Điền. Bà Đỗ Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Bến Cát, cho biết tình hình ca mắc SXH đang có xu hướng gia tăng mạnh. Để chủ động phòng, chống bên cạnh các giải pháp như tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, tập huấn cho lực lượng tham gia phòng, chống SXH ở địa phương; thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và duy trì thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau khi chiến dịch kết thúc... địa phương cũng đã triển khai xử lý ổ dịch nhỏ trên địa bàn, phun hóa chất chủ động tại một số điểm có nguy cơ cao. Tỷ lệ xử lý ổ dịch nhỏ đạt 91% (129/142 ổ dịch nhỏ).

Phải kiên trì thực hiện

Theo đánh giá của ngành y tế và nhiều địa phương, một trong những khó khăn khi triển khai công tác phòng, chống SXH đó là ý thức người dân chưa cao. Trên thực tế, qua hoạt động kiểm tra, giám sát của ngành chức năng trong công tác phòng, chống SXH cho thấy điều này là hoàn toàn có thật. Nhiều hộ dân, khi có người của địa phương, y tế đến tuyên truyền, vận động thì họ sẵn sàng đồng ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thay nước các bình bông, súc rửa, lật úp hoặc hủy bỏ các vật dụng chứa nước trong và quanh nhà. Tuy nhiên, lần sau khi đoàn trở lại kiểm tra thì vẫn phát hiện lăng quăng trong một số vật dụng chứa nước trong và quanh nhà. Hỏi ra thì người dân cho biết họ quên chưa thay nước, súc rửa các vật dụng này theo đúng thời gian, hoặc có làm nhưng làm chưa đến nơi đến chốn.

SXH xảy ra hầu như quanh năm và đặc biệt tăng cao vào mùa mưa do các ổ chứa nước có lăng quăng, phát triển thành muỗi gây bệnh nhiều. Phun thuốc chủ động dập dịch diện rộng là biện pháp “hạ hỏa” trong thời điểm ca bệnh tăng cao. Điều mấu chốt trong phòng, chống bệnh SXH vẫn là thường xuyên và kiên trì thực hiện các biện pháp phòng chống. PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh cho rằng, công tác phòng, chống bệnh SXH là việc làm phải được thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ và kiên trì. Nếu không kiên trì, không kiềm chế nó sẽ bùng phát.

Qua kiểm tra công tác phòng, chống SXH trên địa bàn tỉnh, PGS-TS Phan Trọng Lân đánh giá rất cao sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của ngành y tế và sự phối hợp tích cực của các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống SXH. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, theo PGS-TS Phan Trọng Lân sự phân công trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo phải rõ ràng hơn nữa, đặc biệt là thành viên Ủy ban MTTQ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... Trong thời gian qua họ đã có sự phối hợp rất tốt, nhưng cần phân công cụ thể hơn. Đặc biệt, đối với lực lượng vãng gia, cộng tác viên làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động phải “Đi từng nhà, gõ từng cửa, rà từng đối tượng”, làm thế nào để tất cả hộ dân đều được tuyên truyền và hợp tác. Đối với những hộ dân chưa chịu hợp tác, cần đánh dấu lại để tiếp tục đến giải thích, vận động cho họ hiểu, chịu hợp tác. Nếu sau vài lần tuyên truyền, vận động mà họ vẫn không chịu hợp tác, phải báo cáo lên Ban Chỉ đạo để có hướng xử lý kịp thời.

“Một con muỗi có thể đẻ từ 500 - 1.000 trứng, phát triển thành muỗi; trứng muỗi lại bám rất chắc, kể cả trong điều kiện không có nước nó vẫn tồn tại được. Những ổ chứa rất nhỏ nhưng nếu không phát hiện, xử lý được có thể trở thành ổ nguy cơ gây thành dịch. Do đó, làm thế nào để giảm tối đa các ổ bọ gậy đó, bảo đảm được tất cả các hộ gia đình hợp tác với ngành y tế thì lúc đó mọi công tác phòng, chống SXH mới được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả phòng, chống dịch mới được nâng lên”, PSG-TS Phan Trọng Lân lưu ý. 

 “Trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 3.460 ca SXH, tăng 7,05% so với cùng kỳ năm 2018. Tính từ tháng 1 đến tháng 6, số ca bệnh có xu hướng giảm và bắt đầu tăng mạnh từ tháng 7 (trong tháng 7 cả tỉnh ghi nhận 1.190 ca SXH, có 1 ca tử vong), tăng gần 3 lần so với tháng 6 (430 ca). Dự báo, tình hình SXH trên địa bàn trong những tháng tới vẫn còn diễn biến phức tạp, tăng cao vì thế công tác phòng, chống SXH rất được ngành y tế quan tâm, phối hợp triển khai thực hiện liên tục, thường xuyên”.
(Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế)

HỒNG THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên