Để nghị quyết đi vào cuộc sống

Cập nhật: 01-10-2010 | 00:00:00

Cởi mở, thẳng thắn nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu về dự Đại hội (ĐH) Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ IX đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện văn kiện ĐH. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được các đại biểu thẳng thắn phân tích, đánh giá, tìm ra nguyên nhân hạn chế và giải pháp để thực hiện tốt hơn trong nhiệm kỳ tới. ĐH Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ IX hoàn thành tốt đẹp, nhưng đây mới chỉ là phần khởi đầu của một chặng đường 5 năm. Vấn đề bây giờ là làm sao nhanh chóng đưa nghị quyết (NQ) đi vào cuộc sống, biến NQ thành hiện thực.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi công việc khi chưa quyết định thì tự do bàn cãi, nhưng khi đã quyết định rồi thì không được bàn cãi, có bàn là bàn cách tổ chức cho tốt, thực hiện cho nhanh, nói đi đôi với làm trong tổ chức thực hiện NQ đề ra. Theo Bác, khi đã có chính sách đúng thì sự thành công hay thất bại của NQ là việc tổ chức thực hiện. Nếu việc ra NQ là một, thì việc tổ chức NQ phải là mười, hai mươi... Do vậy, vấn đề sau ĐH nếu cần bàn là bàn cách đưa NQ nhanh chóng đi vào cuộc sống. Để thực hiện có hiệu quả NQ ĐH đề ra, trước hết các cấp ủy phải bắt tay ngay vào việc triển khai từng công việc cụ thể, tiến hành bàn bạc việc nào làm trước, việc nào làm sau, cách làm việc của cán bộ, nhân dân tại đơn vị, địa phương mình, nhằm bảo đảm các yêu cầu cơ bản là xây dựng kế hoạch phổ biến, quán triệt NQ trong tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng. Trong đó việc trước tiên là tuyên truyền, phổ biến NQ phù hợp chức năng, tính chất và lĩnh vực hoạt động của từng loại đối tượng, làm cho các đối tượng nhận thức đúng đắn, tin tưởng và tự giác thực hiện NQ.Trong quá trình thực hiện NQ, phải phân công rõ trách nhiệm giữa cán bộ và các tổ chức trong quá trình thực hiện NQ. Đây thực chất là cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, quyền hạn của từng cá nhân và tính chất, nội dung công việc mà phân công cho phù hợp, tạo sự phối hợp hoạt động nhịp nhàng, đồng bộ và đạt hiệu quả thiết thực. Một khi đã lựa chọn đúng người, giao đúng việc, người lãnh đạo cần tạo điều kiện, tôn trọng quyền hạn và khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của tổ chức và cán bộ được phân công, giúp họ hoàn thành nhiệm vụ.

Vấn đề cuối cùng là sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm kịp thời. Việc làm này không chỉ đơn thuần như báo cáo thành tích, kể lể công việc đã làm, mà phải nắm bắt, xử lý, tổng hợp và khái quát thông tin để đánh giá chính xác, đúng đắn, đầy đủ những ưu điểm, khuyết điểm, những mặt được và chưa được với các số liệu, chất lượng công việc xác thực so với NQ. Từ đó tìm đúng nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những ưu điểm, khuyết điểm để rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm kịp thời uốn nắn lệch lạc, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị, đề xuất những vấn đề cần thiết với cấp trên trong quá trình thực hiện NQ ĐH.

NQ của ĐH dù đúng đắn, có đủ cơ sở khoa học nhưng nếu không có một quá trình tổ chức thực hiện tốt thì nội dung của NQ cũng không đi vào cuộc sống.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên