Dẹp mũ bảo hiểm kém chất lượng: Cần những giải pháp hiệu quả

Cập nhật: 03-12-2014 | 10:16:30

Đến nay, việc đội mũ bảo hiểm (MBH) khi điều khiển xe gắn máy trên đường đã trở thành thói quen của đa số người dân. Tuy nhiên, hiện còn một bộ phận người dân vẫn không đội MBH khi ra đường hoặc xem chiếc MBH như một vật trang sức nên họ chỉ chú tâm chọn mua những chiếc mũ có kiểu dáng đẹp, bắt mắt hoặc “lạ”, “độc” mà chưa quan tâm đến chất lượng của chiếc mũ. Tình trạng này là do ý thức tự bảo vệ chính mình còn kém, cũng như sự tồn tại của MBH kém chất lượng trên thị trường.

MBH không đạt tiêu chuẩn, kém chất lượng vẫn được nhiều người sử dụng. Trong ảnh: một người dân sử dụng nón cối làm MBH. Ảnh: P.LONG

MBH kém chất lượng vẫn bày bán công khai

Có dịp đến các chợ nông thôn hay chợ tại các thị trấn, thị tứ, các huyện, thị trên địa bàn tỉnh, chúng ta dễ dàng nhìn thấy nhiều điểm bán MBH kém chất lượng. Các điểm bán ven lề đường, ven chợ, các điểm có đông dân cư, đông công nhân qua lại như trước cổng các công ty, các doanh nghiệp, ven đường vào các khu công nghiệp, thậm chí MBH kém chất lượng còn được bày bán một cách “đàng hoàng” và công khai tại các điểm buôn bán nhỏ lẻ, quầy kinh doanh tạp hóa. Không đi đâu xa, dọc một số tuyến đường tại TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An (nhất là trên tuyến đại lộ Bình Dương hoặc quốc lộ 13) chúng ta thường thấy các điểm, các xe bán MBH kém chất lượng lưu động trên đường thu hút nhiều người mua. Họ vô tư cho biết: với đồng lương có hạn nên một chiếc MBH có kiểu dáng đẹp, nhiều màu sắc là sự lựa chọn của họ, còn chuyện chất lượng hay không thì tính sau...

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện có tình trạng một bộ phận người dân vẫn sử dụng các loại MBH không đạt chuẩn để đối phó, vì hiện nay khi đội loại mũ này tham gia giao thông họ vẫn chưa bị xử phạt mà mới chỉ dừng lại ở việc bị nhắc nhở. Do có người tham gia giao thông sử dụng các loại mũ không phải MBH hay MBH không đạt chuẩn dẫn đến tình trạng vẫn tồn tại một số cơ sở nhỏ sản xuất các loại mũ này để bán ra thị trường. Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường lại quá mỏng, nên muốn duy trì lực lượng kiểm tra, kiểm soát MBH cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương.

Cần những giải pháp hiệu quả

Việc sử dụng các loại MBH không đạt chuẩn khi tham gia giao thông vẫn còn nhiều, nguyên nhân là do chưa bị xử phạt nghiêm cũng như các loại mũ này không phải tuân thủ các quy định về chất lượng như MBH, việc căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành để xử lý vi phạm hành chính trong sản xuất kinh doanh, sử dụng các loại mũ này hiện đang còn nhiều bất cập bởi theo quy định hiện hành, các loại mũ không phải MBH nhưng có kiểu dáng giống MBH không phải tuân thủ các quy định về quy chuẩn kỹ thuật của MBH. Các loại mũ này không phải chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, không gắn dấu hợp quy CR, vì vậy không thể áp dụng Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19- 7-2013 để xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh loại mũ này.

Gần đây, để đối phó với các cơ quan Nhà nước, các quy định của pháp luật, trên loại mũ này còn xuất hiện những dòng chữ như: “Mũ dùng cho người tập thể thao”, “Mũ dùng cho người đi bộ”, “Mũ dùng cho người đi xe đạp”… Do đó, lực lượng quản lý thị trường thường chỉ xử lý được các vi phạm về nhãn hàng hóa mà không có căn cứ xử lý vi phạm về quy chuẩn kỹ thuật của MBH. Thiết nghĩ cần có giải pháp hiệu quả để khắc phục những tồn tại trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH trong thời gian tới. Cụ thể, cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH; tăng cường phổ biến cho người dân kiến thức phân biệt MBH và các loại mũ khác, khuyến cáo người tiêu dùng khi điều khiển xe máy tham gia giao thông không được sử dụng các loại MBH chưa chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật và nhất là phải siết từ khâu sản xuất. Về lâu dài, cơ quan chức năng cần phải xử lý triệt để, tận gốc những cơ sở cố tình sản xuất, kinh doanh các loại MBH không đạt chất lượng.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của từng huyện, thị xã, thành phố và các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên, triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng MBH đối với người tham gia giao thông. Địa phương nào để tình trạng bày bán MBH, mũ nhựa có hình dáng giống MBH các loại trên lòng đường, vỉa hè thì chính quyền địa bàn đó chịu trách nhiệm. Riêng lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi không đội MBH khi điều khiển xe máy, xe đạp điện, đồng thời giải thích, nhắc nhở, xử phạt người đội mũ không đạt chuẩn như lỗi không đội MBH..

Ngày 27-11, tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 8-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH, theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, việc chấp hành quy định đội MBH khi đi xe máy của người tham gia giao thông có lúc, có nơi chưa tốt, nhất là tại một số tuyến giao thông nông thôn, đường liên xã, liên huyện; một số trường hợp ngang nhiên vi phạm, nhất là thanh, thiếu niên. Có nhiều trường hợp chấp hành theo kiểu cho có, chỉ đội MBH khi có lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT trên đường. Cá biệt, tỷ lệ học sinh đội MBH tham gia giao thông bằng xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện còn thấp (chiếm 26,2%); có địa phương tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 5%...

 

PHI LONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên