Để phiên chợ hàng Việt ngày càng “vui” hơn

Cập nhật: 23-11-2013 | 00:00:00

Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” là một hoạt động thiết thực của ngành công thương nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình này đã được Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Thông tin kinh tế (XTTM&TTKT) Bình Dương tích cực thực hiện…  

NTD vùng sâu, vùng xa thích thú khi mua sắm hàng hóa tại các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn

Từ những phiên chợ thành công…

Các phiên chợ vui được tổ chức ở các xã vùng xa, vùng sâu của các huyện như Bến Cát, Tân Uyên, Dầu Tiếng, mỗi phiên chợ có trên dưới 20 doanh nghiệp (DN) tham gia với khoảng 50 gian hàng, bao gồm các ngành hàng: Kim khí điện máy, quần áo may sẵn, hóa mỹ phẩm, thực phẩm… Tham gia phiên chợ, thường xuyên có các đơn vị bán hàng bình ổn của tỉnh là Coop Mart với nhóm hàng thực phẩm, Công ty TM - XNK Thanh Lễ với mặt hàng gạo. Đặc biệt, mới đây còn có Công ty Phạm Tôn tham gia bán mặt hàng thịt gà tươi sống.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Thông tin kinh tế NGUYỄN THỊ TUYẾT TRINH:

“Chúng tôi đặc biệt quan tâm khâu lựa chọn DN có uy tín ở tất cả các ngành hàng, vận động, kêu gọi tham gia bán hàng, đóng góp tặng quà cho người nghèo. Hàng hóa tham gia chương trình tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá như quần áo, giày dép, đồ gia dụng… Đây là những mặt hàng có nguồn gốc trong nước, xuất xứ rõ ràng, giá bán hợp lý kèm theo các chương trình hậu mãi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng khu vực.

Trải qua nhiều phiên chợ, chúng tôi nhận thấy, các DN đang dần nhận thức được đây là một kênh phân phối quan trọng, qua đó tích cực tham gia nhiều hơn. Nhiều DN đã trực tiếp liên hệ với trung tâm để được bán hàng tại phiên chợ, các hội chợ trong, ngoài tỉnh. Về phía Nhà nước cũng đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho chương trình. Đặc biệt, NTD cũng rất mong đợi các phiên chợ vui…”.

 

Đối với các DN khác, tuy không nằm trong chương trình bình ổn giá của tỉnh nhưng khi tham gia các phiên chợ này, đều bán hàng với giá “bình ổn” và hầu hết có nhiều hoạt động giảm giá, khuyến mãi phục vụ tốt người tiêu dùng (NTD). Các DN như Nhã Thi, Điện máy Trung Thảo, Minh Sương, Mai Thu, Hưng Thành Tài… ngoài việc giảm giá từ 15 đến 49%, còn tặng quà khuyến mãi ly, chén, tô… cho người mua hàng. Ông Nguyễn Công Tâm, Trưởng đoàn bán hàng lưu động của Siêu thị Metro, cho biết Metro lựa chọn các mặt hàng phù hợp với NTD nông thôn, do chính Metro trực tiếp sản xuất, nhằm quảng bá thương hiệu với khách hàng khu vực nông thôn. Điểm ưu việt khi mua sản phẩm của Metro là chế độ bảo hành, chăm sóc khách hàng… Các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” ở Bình Dương đã thật sự đúng nghĩa với tên gọi của nó là “Phiên chợ vui”. Cả đơn vị tổ chức, DN và NTD đều “vui”! Có phiên chợ hàng hóa sầm uất, người mua, kẻ bán chen chúc, nô nức, doanh số bán của các DN lên đến cả tỷ đồng, như phiên chợ Minh Tân (Dầu Tiếng), Uyên Hưng (Tân Uyên)…

Cần thêm sự hỗ trợ

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, song có thể nói chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” ở Bình Dương vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thu hút các DN tham gia. Một tỉnh công nghiệp phát triển như Bình Dương, riêng số DN vừa và nhỏ đã lên đến khoảng 5.000 DN nhưng ở các phiên chợ xa, chỉ có trên dưới 20 DN tham gia là một con số còn khiêm tốn. Nguyên nhân là do phần lớn DN “chê” sức mua vùng nông thôn yếu và chưa mặn mà về cơ chế hỗ trợ. Có DN đồng ý tham gia chương trình nhưng lại yêu cầu tỉnh phải có cơ chế hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi, kinh phí vận chuyển, bốc dỡ… trong khi kinh phí và điều kiện phục vụ việc triển khai chương trình vẫn còn hạn hẹp. Trong thời gian tới, để thu hút nhiều DN tham gia chương trình, nhất là DN vừa và nhỏ, đòi hỏi Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngành chức năng, phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực hơn; đồng thời đề xuất với Bộ Công Thương có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho phù hợp. Đặc biệt, ngành chức năng cần tiếp tục kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cuộc vận động tại một số địa phương, DN, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phổ biến cách làm hay để thổi vào chương trình một luồng sinh khí mới.

Được biết, Sở Công Thương đã trình UBND tỉnh kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ, quy hoạch lại mạng lưới bán buôn, bán lẻ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Về lâu dài, việc phát triển thị trường nông thôn sẽ được tổ chức tốt hơn, bài bản hơn, từ việc tổ chức nguồn hàng cung ứng đến hệ thống phân phối trên địa bàn… Tuy vậy, trong lúc hệ thống kênh phân phối chưa được hoàn thiện, trước mắt sở sẽ chỉ đạo tăng thêm nhiều chuyến hàng lưu động, giúp bà con nông dân mua sắm thuận lợi hơn, tiến đến mục tiêu lợi dân, ích nước.

Phó Chủ tịch UBMTTQ VN tỉnh NGUYỄN TẤN LỘC: Chương trình đã tạo ra tính tương tác cung - cầu

Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” ở Bình Dương thời gian qua đã tạo sự liên kết, tương tác hai chiều giữa nhà sản xuất và NTD khu vực nông thôn. Với các DN, việc tham gia chương trình giúp họ quảng bá thương hiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường nông thôn rộng lớn đầy tiềm năng, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm với đối tác; đồng thời nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của người dân nông thôn để xây dựng kế hoạch cung ứng sản phẩm, đáp ứng đúng thị hiếu của khách hàng. Còn với người dân khu vực nông thôn có thêm cơ hội để tham quan, mua sắm, tiếp cận với các sản phẩm chất lượng cao do DN trong nước sản xuất, nhất là nhóm sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, khi người dân hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt” đã trở thành một hành động thiết thực, thể hiện lòng tự tôn dân tộc, tự hào về sản phẩm nội; từng bước thay đổi tư duy “sính” hàng ngoại; hình thành thói quen tiêu dùng hàng hóa do DN trong nước sản xuất… Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, việc ưu tiên dùng hàng Việt là hành động “ích nước, lợi nhà”, thể hiện trách nhiệm và lòng yêu nước của mỗi công dân…

Theo kế hoạch năm 2013. Trung tâm Xúc tiến thương mại tổ chức 14 phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, tăng 7 phiên so năm 2012 và hiện đã tổ chức được 13 phiên. Dự kiến năm 2014, trung tâm sẽ tổ chức khoảng 10 phiên chợ vui và 1 hội chợ giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua việc bán hàng Việt với giá ưu đãi, khuyến mại và các hoạt động biểu diễn văn nghệ, tặng quà cho người nghèo, quà khuyến học cho học sinh nghèo… các phiên chợ đã tuyên truyền, vận động NTD, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa do các DN trong nước sản xuất; đồng thời khuyến khích, định hướng và tạo thói quen cho NTD sử dụng hàng Việt.

• BẢO ANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên