Đề phòng bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết

Cập nhật: 12-03-2010 | 00:00:00

Theo chu kỳ, bệnh tay chân miệng (TCM) nhiều khả năng sẽ tăng trở lại. Để hiểu rõ hơn về tình hình bệnh tật trẻ em trong tháng 3 này, chúng tôi đã trao đổi với Thạc sĩ - bác sĩ Lê Bích Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM:

- Xin bác sĩ cho biết cần lưu ý những bệnh gì trong tháng 3?

- Trong tháng 3, nhiều khả năng sẽ tăng nhóm bệnh thông thường. Trong đó, đáng lưu ý nhất là bệnh TCM và sốt xuất huyết (SXH). Bệnh TCM đang ở mức thấp nhất trong năm và sẽ tăng trở lại theo chu kỳ. Bệnh SXH đang ở vào giai đoạn cuối mùa nên số lượng bệnh nhân đến khám có giảm nhưng vẫn còn nhiều trường hợp SXH nặng nhập viện, điều trị khó khăn. Vì vậy, phụ huynh cần phải hết sức cảnh giác hai bệnh này vì bệnh có thể diễn biến nặng do không phát hiện kịp thời.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý đến bệnh trái rạ (còn gọi là bệnh thủy đậu). Bệnh này ít khi gây ra các biến chứng nguy hiểm nhưng rất dễ lây lan cho những người trong gia đình và ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và học hành của các cháu. May mắn là chúng ta đã có vắc - xin phòng bệnh.

- Bác sĩ có lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh trong việc phòng ngừa, phát hiện sớm và theo dõi các bệnh trên?

- Để phòng ngừa bệnh TCM cần giữ gìn vệ sinh thân thể, rửa tay bằng xà bông, cho các cháu ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, cách ly các cháu khỏe với các cháu đang mắc bệnh. Để phát hiện sớm bệnh TCM, phụ huynh cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa khám ngay khi thấy có một trong những biểu hiện sau đây: có một hoặc vài bóng nước hoặc mụn đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, cùi chỏ, đầu gối hoặc loét họng (thường biểu hiện bằng khó ăn, khó uống và chảy nước miếng nhiều). Đối với các cháu đang mắc bệnh, phụ huynh cần theo dõi sát nếu thấy có một trong những dấu hiệu sau thì mang đến bệnh viện chuyên khoa ngay: giật mình, hốt hoảng, run hoặc yếu tay chân, sốt cao hoặc ói nhiều.

Hiện nay, trời vẫn còn nắng nóng. Tuy nhiên, khi bắt đầu có mưa xuống, phụ huynh nên triển khai ngay các biện pháp phòng bệnh như diệt muỗi, diệt lăng quăng bằng cách thường xuyên súc rửa, đậy kín lu, vại, dẹp bỏ các vật chứa nước khác như vỏ xe cũ, gáo dừa, lọ hoa và ngừa không cho trẻ bị muỗi đốt bằng cách mặc áo dài tay, ngủ mùng, thoa kem chống muỗi. Để phát hiện sớm bệnh SXH cần đưa các cháu đến cơ sở y tế khám khi thấy bé sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên mà chưa tìm thấy nguyên nhân gây bệnh. Đối với các cháu đã mắc bệnh, cần cho ăn lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, cho các cháu uống paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần mỗi 6 giờ cho đến khi hạ sốt. Tuyệt đối không được sử dụng aspirin để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết nguy hiểm cho bé. Một điều mà các bậc phụ huynh cần nhớ nữa là phải theo dõi sát để phát hiện các dấu hiệu nặng nhằm đưa đến bệnh viện kịp thời như: đau bụng, nôn ói, chân tay lạnh, lừ đừ, chảy máu mũi, lợi, ói ra máu hoặc đi cầu phân đen.

Để phòng bệnh trái rạ, phụ huynh cần đưa con em mình đến bệnh viện tiêm ngừa vắc xin càng sớm càng tốt.

- Cám ơn bác sĩ!

NGỌC TÂM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên