Để tất cả trẻ em được vui đón Tết Trung thu

Cập nhật: 16-09-2015 | 08:11:47

Để Tết Trung thu thực sự là “ngày hội” cho trẻ em (TE), Bình Dương đã và đang xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần đem lại niềm vui cho các em thiếu nhi. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Điệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

 Các em thiếu nhi sẽ được rước đèn trung thu trong Đêm hội trăng rằm tại huyện Bàu Bàng

 - Thưa ông, xin ông cho biết mục đích và ý nghĩa của việc tổ chức Tết Trung thu cho TE?

- Tết Trung thu là ngày hội truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta dành cho thiếu nhi và cũng là dịp để các cấp, các ngành, các tổ chức, gia đình và xã hội với những hoạt động thiết thực chăm lo cho TE. Hòa cùng không khí vui tươi của TE cả nước đang chuẩn bị tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu; với mong muốn đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mọi TE trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo từ tỉnh đến khu phố, ấp, các bậc phụ huynh… đã có kế hoạch tổ chức thật nhiều những hoạt động chăm lo cho trẻ, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn, TE vùng xa của tỉnh. Cụ thể sẽ có các hoạt động như: thăm hỏi, tặng quà trung thu; tổ chức hoạt động vui hội trăng rằm, thi làm lồng đèn đẹp, múa lân, rước cộ đèn, tổ chức các trò chơi dân gian… Đồng thời, qua đó thu hút sự quan tâm của cá nhân, gia đình và toàn xã hội quan tâm chăm lo cho TE.

- Thưa ông, các hoạt động trong dịp Tết Trung thu năm nay có những nét mới nào so với những năm trước?

- Theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố, để tạo điều kiện cho mọi TE trong tỉnh đón một cái Tết Trung thu đầy ý nghĩa, đến nay các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức chương trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và cơ sở, bảo đảm an toàn tuyệt đối, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm. Riêng cấp tỉnh, năm nay trung thu sẽ được tổ chức tại huyện Bàu Bàng, với các hoạt động rước đèn, phá cỗ, trò chơi dân gian.

Mùa trung thu năm nay, các địa phương trong tỉnh cũng sẽ tập trung tuyên truyền vận động hướng tới chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói” nhằm tạo điều kiện tối đa đẩy mạnh, phát triển quyền tham gia của TE trên cơ sở được sự lắng nghe, yêu thương, tôn trọng của người lớn... Ngành LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành, đoàn thể, nhà trường tổ chức, hướng dẫn các hoạt động tại cộng đồng nhằm thu hút TE tham gia vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích; định hướng, giáo dục trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia các hoạt động văn hóa, trò chơi truyền thống; tự tạo trò chơi, đồ chơi, sử dụng đồ chơi sản xuất trong nước. Trong mùa trung thu, các địa phương còn tổ chức cho các em đi tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử; xem phim lịch sử và tham dự các buổi tọa đàm, sinh hoạt các câu lạc bộ bảo vệ chăm sóc TE.

- Với TE vùng xa của tỉnh, TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội, tỉnh sẽ có những hoạt động gì để các em có được cái Tết Trung thu ý nghĩa?

- Ngay từ đầu năm, ngành LĐ-TB&XH đã có kế hoạch định hướng tổ chức trung thu cho TE, tham mưu trình UBND tỉnh về nội dung và kinh phí, từng bước triển khai thực hiện; đồng thời tích cực vận động xã hội hóa, tăng nguồn lực để tặng quà, trao học bổng cho TE nghèo, TE có hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài ra, để bảo đảm TE vùng xa của tỉnh, TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội, TE tham gia Câu lạc bộ “Trẻ em với phòng chống HIV/AIDS”, TE là con của công nhân lao động có thu nhập thấp có được cái Tết Trung thu an toàn, vui tươi, ấm áp, mùa trung thu các em sẽ được các cô chú lãnh đạo các cấp đến thăm hỏi, động viên tinh thần và tặng quà... Những món quà, lời động viên sẽ giúp các em phấn khởi, lạc quan cũng như vững tin bước vào năm học mới.

- Ngoài tổ chức Tết Trung thu, từ nay đến cuối năm 2015, công tác chăm lo cho TE sẽ được ngành triển khai như thế nào, thưa ông?

- Ngành LĐ-TB&XH là đơn vị được phân công nhiệm vụ chăm lo cho TE, do đó công tác chăm lo cho trẻ được thực hiện liên tục với những hoạt động thiết thực. Riêng trong 3 tháng cuối năm 2015, ngành sẽ tổ chức hội nghị biểu dương cho 91 hộ gia đình tiêu biểu nhiều năm thực hiện tốt mô hình “Ngôi nhà an toàn cho TE” cấp tỉnh; tổ chức hội thi “TE với phòng tránh tai nạn thương tích” tại tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; tổ chức hội nghị tổng kết chương trình “Phòng, chống tai nạn thương tích TE giai đoạn 2013-2015” và “Chương trình Bảo vệ trẻ em tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015”. Ngành cũng sẽ hướng dẫn các đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định về Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho TE tại 50.000 hộ gia đình có TE dưới 10 tuổi; duy trì tổ chức 112 cuộc nói chuyện chuyên đề (quý/lần) cho 840 tuyên truyền viên nòng cốt hiện đang tham gia tại 28 Câu lạc bộ “TE với phòng tránh tai nạn thương tích” thuộc các trường THCS của 9 huyện, thị, thành phố.

- Xin cảm ơn ông!

THIÊN LÝ (thực hiện)

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên