Đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả

Cập nhật: 30-08-2012 | 00:00:00
Công nghiệp ngày càng phát triển nhanh, điều đó không thể phủ nhận vai trò của các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN). Các KCN, CCN này đã có nhiều đóng góp đáng kể vào tiến trình đổi mới ở Bình Dương. Thế nhưng bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp vẫn không tránh khỏi. Vì thế, vấn đề đặt ra là bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Thực trạng...

 Toàn tỉnh hiện có 28 KCN tập trung với diện tích 9.085 ha, trong đó 100% các KCN lập thủ tục giao đất, thuê đất với diện tích 8.171,5 ha, đạt 89,85% trong tổng số diện tích đất được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 65%, trong đó tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư thuê lại 48,78% và tỷ lệ các doanh nghiệp thuê đất, thuê lại đất đi vào hoạt động đạt 81,83%. Hoạt động của các KCN tương đối hiệu quả, nhiều KCN đã lấp đầy diện tích như KCN Bình An, Bình Đường, VSIP, Việt Hương 1... Ngoài ra, tỉnh còn có 8 CCN được phê duyệt với diện tích 592 ha. Đến nay diện tích đất được giao - thuê đất là 528,53 ha, chiếm tỷ lệ 89,27%; trong đó các CCN cho thuê lấp đầy diện tích và hoạt động ổn định nhiều năm như 3 CCN do Becamex IDC làm chủ đầu tư là Bình Chuẩn, Tân Đông Hiệp, An Thạnh và CCN Thành phố Đẹp. Các CCN còn lại đang trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng nên việc thu hút đầu tư chưa hiệu quả.  Nhà máy xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Đất Cuốc (Tân Uyên)

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), hầu hết chủ đầu tư KCN, CCN đều thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; 100% KCN được thành lập đều lập hồ sơ về môi trường và được phê duyệt. Trong 26 KCN đi vào hoạt động, có 18 KCN đã lập hồ sơ nghiệm thu hệ thống xử lý nước thải. Hầu hết KCN hoạt động đều xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng biệt. Có 25 KCN có hệ thống xử lý nước thải với tổng công suất thiết kế khoảng 101.600m3/ngày đêm. Tỷ lệ đấu nối nước thải của doanh nghiệp vào hệ thống thoát nước thải của các KCN mới đầu tư xây dựng đạt 100%; riêng 5 KCN được hình thành ở giai đoạn đầu, tỷ lệ đấu nối chưa cao và đang tiếp tục thực hiện đấu nối. Đã có 11/26 KCN được Sở TN-MT cấp phép xả nước thải vào nguồn tiếp nhận với tổng lưu lượng nước thải 27.157m3/ngày và có 5 KCN nộp hồ sơ về Bộ TN-MT xin cấp phép xả nước thải vào nguồn tiếp nhận. Có 22/26 KCN đã thực hiện việc đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho hoạt động chính KCN và  có 16 KCN đã ký hợp đồng thu gom và xử lý với đơn vị có giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại; các khu còn lại do chưa phát sinh hoặc phát sinh lượng chất thải nguy hại ít nên đang được lưu trữ tại công ty...

Kết quả là thế, nhưng trong quá trình sản xuất, các KCN, CCN vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là vẫn còn phần diện tích đã phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Một số CCN không có nhà đầu tư đến thuê đất đã gây tổn thất về mặt tài chính cho chủ đầu tư và lãng phí hiệu quả sử dụng đất. Các ngành chức năng chưa phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Vấn đề đấu nối nước thải còn tồn tại ở nhiều KCN như Bình An, Bình Đường, Sóng Thần 1, Sóng Thần 2; hệ thống xử lý nước thải một số KCN bị quá tải; hiệu quả xử lý nước thải của các KCN chưa ổn định...

Cùng đó, do chưa xây dựng các quy định chung về bảo vệ môi trường cho các KCN, CCN nên các chủ đầu tư không có cơ sở để xử lý các trường hợp xả nước thải vượt tiêu chuẩn đầu vào dẫn đến hoạt động của các hệ thống không ổn định. Hệ thống thoát nước mưa của một số KCN đang tiếp nhận nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu nhà ở, khu tái định cư lân cận dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý hoặc hạ tầng thoát nước ngoài hàng rào chưa theo kịp dẫn đến các KCN cho tự thấm nước thải sau khi xử lý gây bức xúc trong nhân dân. Một số CCN cũ trước đây không đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước riêng và trạm xử lý nước thải; đồng thời các CCN này hiện nay không còn quỹ đất để xây dựng trạm xử lý nước thải. Hoạt động khai thác sử dụng nước dưới đất trong các KCN diễn biến phức tạp, có nhiều doanh nghiệp cố tình khai thác lậu; số lượng doanh nghiệp khai thác sử dụng tài nguyên nước nhiều trong khi nhân lực quản lý ít...

Giải pháp nào để tăng cường quản lý các KCN, CCN bảo vệ môi trường?

Để đi đến thống nhất và thực hiện đạt hiệu quả cao hơn, Sở TN-MT đã đề xuất một số giải pháp, trước hết là kiến nghị với Chính phủ xem xét đưa danh mục KCN, CCN vào danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư để các doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu. Các cơ quan nên thực hiện nhiệm vụ cụ thể như tăng cường công tác kiểm tra tình hình sử dụng đất tại các KCN, CCN; hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; cải cách hành chính để giảm thiểu các bước và thời gian thực hiện thủ tục hành chính; xây dựng các tiêu chí mẫu đánh giá cơ sở hạ tầng của các KCN, CCN, khu dân cư để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư cơ sở hạ tầng đẩy nhanh tiến độ thi công theo quy hoạch, quy định; kiểm tra, nhắc nhở các nhà đầu tư trong các KCN đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án theo giấy chứng nhận đầu tư; kiểm tra  công tác bảo vệ môi trường... Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung nhấn mạnh, những giải pháp này cũng chính là cơ sở cụ thể rút ra những kết quả đạt được, chưa được để tăng cường công tác quản lý về TN-MT tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh tốt hơn trong thời gian tới, đồng thời bảo đảm tốt các vấn đề về TN-MT, thật sự là đòn bẩy góp phần cho công nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững.

HOÀNG ÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên