Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường: Khó cũng phải làm

Cập nhật: 09-01-2014 | 00:00:00
Từ chủ trương, rất nhiều biện pháp thiết thực được các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cùng triển khai thực hiện, nhưng theo Ban chỉ đạo di dời của tỉnh, thì việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị vẫn chậm và khó; nhưng theo Ban chỉ dạo di dời thì khó cũng phải làm.

 Tích cực triển khai thực hiện, nhưng…

Nói đến ô nhiễm môi trường, không chỉ ở Bình Dương, các tỉnh, thành cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, nước nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân là do các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn với khu dân cư, đô thị gây ô nhiễm môi trường. Chưa thể thống kê hết được, nhưng qua nhiều lần tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, cử tri đã bày tỏ bức xúc xung quanh vấn đề này.   Đây là một trong nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư, đô thị chưa thực hiện di dời

Giải quyết thực trạng này, nhiều năm nay, Bình Dương đã đề ra nhiều biện pháp thiết thực, nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư. Qua 2 đợt triển khai thực hiện, toàn tỉnh có khoảng 75% số cơ sở di dời đợt 1 và 50% cơ sở di dời đợt 2 sẽ hoàn thành di dời theo đúng tiến độ quy định, các cơ sở còn lại chưa xây dựng kế hoạch di dời hoặc có kế hoạch nhưng chưa triển khai di dời. Trong 16 cơ sở di dời đợt 1, có 2 cơ sở đã hoàn thành di dời, 9 cơ sở chấm dứt hoạt động, 1 cơ sở đã chuyển đổi ngành nghề và 4 cơ sở đã xây dựng kế hoạch nhưng chưa triển khai di dời. Trong đợt 2, có 3 cơ sở hoàn thành di dời, 3 cơ sở đã chấm dứt hoạt động, 3 cơ sở ngừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề, 3 cơ sở đã xây dựng phương án di dời, 1 cơ sở đang thực hiện di dời và 3 cơ sở chưa có kế hoạch di dời.

Ban chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị đề ra các biện pháp chung: Đối với doanh nghiệp cố tình trì hoãn, không triển khai di dời theo đúng tiến độ kế hoạch đề ra thì tiến hành kiểm tra, rà soát đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường năm 2014 để đình chỉ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp đã có phương án, kế hoạch di dời và nghiêm túc chấp hành nhưng do cần có thời gian nhất định thì đề nghị UBND tỉnh xem xét để có hướng xử lý phù hợp. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn và Quỹ đầu tư phát triển có những chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nằm trong danh sách di dời tiếp cận được nguồn vốn vay phục vụ cho công tác tái đầu tư tại địa điểm mới.

Theo Ban chỉ đạo di dời của tỉnh đánh giá, dù có nhiều cố gắng triển khai thực hiện bằng mọi cách như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chấp hành nhưng tiến độ triển khai vẫn chưa đúng kế hoạch. Nguyên nhân là do các cơ sở di dời chủ yếu là cơ sở sản xuất có quy mô sản xuất nhỏ, còn chịu ảnh hưởng khó khăn của kinh tế nên không huy động được vốn để tái đầu tư tại địa điểm mới. Việc tìm địa điểm mới còn khó khăn do tại các khu, cụm công nghiệp chỉ cho thuê đất với diện tích lớn, giá thuê cao, trong khi đó, các khu công nghiệp có thể tiếp nhận các cơ sở như khu công nghiệp Bàu Bàng, Rạch Bắp, Đất Cuốc... thì ở xa vị trí sản xuất cũ sẽ làm tăng chi phí sản xuất khi chuyển đến... Bên cạnh đó, chủ một số cơ sở đã chuyển đi nơi khác nên không liên hệ được, một số cơ sở xây dựng nhà xưởng trái phép nên không được hưởng chính sách hỗ trợ di dời...

Cụ thể như Công ty TNHH Công nghiệp may mặc Lucretia - Việt Nam đang hoạt động trong khu dân cư thuộc phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An nằm trong danh sách di dời. Gặp chúng tôi, bà Yvonne NG, Tổng Giám đốc công ty này, cho biết công ty nhận quyết định di dời từ năm 2012. Đây là một chủ trương phù hợp, thế nhưng khi khảo sát thực tế thì nơi di dời quá xa, trong khi đó cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Nếu di dời ngay, công ty không chỉ ảnh hưởng về vốn mà còn gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

Khó cũng phải làm

Nắm bắt được khó khăn của các cơ sở sản xuất nằm trong danh sách di dời, năm 2013, Bình Dương đã tiến hành giải ngân với số tiền 15 tỷ đồng cho các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường có điều kiện di dời. Tuy nhiên, dù các ngành chức năng và địa phương phối hợp kiểm tra hướng dẫn chính sách hỗ trợ, nhưng việc giải ngân kinh phí hỗ trợ cho vấn đề này còn chậm, chỉ đạt 2,26% tổng dự toán phê duyệt. Một số cơ sở sản xuất không chỉ không lập hồ sơ để xin hưởng chính sách hỗ trợ, mà còn tự chấm dứt hoạt động làm cho cán bộ phụ trách không liên hệ được, gây khó cho tiến độ triển khai thực hiện.

Để công tác di dời thực hiện một cách nghiêm minh, bảo đảm đúng kế hoạch đề ra, tại cuộc họp Ban chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị của tỉnh vào cuối tháng 11-2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương kiên quyết thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, đồng thời trình UBND tỉnh các cơ sở sản xuất đã có phương án, kế hoạch di dời nhưng cần thời gian di dời. Điều quan trọng là giải quyết chế độ cho người lao động thật phù hợp. Song song đó, gia hạn thời gian để các cơ sở di dời đến 30-6-2014 và chậm nhất là 31-12-2014. Nếu quá thời gian này sẽ đình chỉ hoạt động theo Nghị định 117/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31-12-2009.

Với chính sách hỗ trợ phù hợp đó, dù khó nhưng chắc chắn sẽ thúc đẩy việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị hoàn thành đúng tiến độ.

 HOÀNG ÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên