Đi săn tắc kè

Cập nhật: 04-04-2013 | 00:00:00

Mưu sinh

23 giờ, sau gần 50 phút lùng sục khắp các vườn tre, rừng tràm ở khu phố 4, phường Phú Mỹ, TP.TDM, nhóm thợ săn tắc kè của Nguyễn Văn Chiến đã thu được chiến lợi phẩm là gần 10 con tắc kè bông khá lớn. Chiến cười tươi bảo: “Bữa nay hên quá, vậy là coi như trúng lớn. Có hôm tụi em đi suốt đêm mà chẳng bắt được con nào”. Với mức giá dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/con, trung bình mỗi đêm Chiến kiếm được khoảng 300.000 đồng, đủ cho vợ chồng anh trang trải tiền nhà trọ và lo cho cuộc sống hàng ngày. Theo Chiến, hiện giá tắc kè không còn cao như nửa năm về trước, nên các lái buôn không tìm đến Bình Dương để thu gom. Vì thế, muốn bán được hàng, anh em trong nhóm phải đứng ra thu gom rồi mang về TP.Vũng Tàu để bán lại cho chủ vựa. Tuy nhiên, tắc kè săn về để lâu sẽ bị ốm nên mất cân và phải tốn tiền công vận chuyển, nên hiện tại nhóm của Chiến chỉ cung cấp hàng cho các quán nhậu hoặc ngâm rượu làm thuốc bán cho những người có nhu cầu trên địa bàn tỉnh. “Tắc kè làm ra thịt rất nhiều, đem chiên hay nấu cháo đều ngon tuyệt. Giá mỗi con có trọng lượng 100g chỉ 30.000 đồng là quá rẻ, nên nhiều người trong xóm nơi tôi ở cũng đặt hàng để nấu cháo cho trẻ nhỏ ăn”, Chiến tâm sự.

 Theo các tài liệu y học dân tộc, thịt tắc kè là một vị thuốc bổ có tác dụng làm giảm mệt mỏi, chữa nhiều chứng ho khó trị, ho ra máu, hen suyễn, đái rắt, đái són, đau xương, tráng dương bổ thận... rất hiệu quả. Trong các bài thuốc, tắc kè được dùng ngâm rượu hoặc sấy khô tán thành bột để uống. Kết quả phân tích cho thấy thân và đặc biệt là đuôi tắc kè có chứa rất nhiều axit amin và các chất béo có tác dụng kích thích sự hoạt động của hệ thần kinh, tăng sức khỏe con người. Tuy nhiên, do bị săn bắt quá mức nên số lượng tắc kè tự nhiên hiện đã giảm sút nhanh chóng. Để bảo tồn loài vật khá quý này, đề nghị cần có quy định cấm săn bắt tắc kè vào mùa sinh sản.

Chiến cho biết quê anh ở Kiên Giang, mấy năm trước anh lên Bình Dương sống bằng nghề thợ hồ và mới theo nghề này được khoảng gần một năm nay. Cơ duyên đến với nghề cũng rất tự nhiên, trong một lần về thăm nhà, anh nghe tin giá tắc kè đang “sốt”, nhiều bạn bè anh ra Bà Rịa - Vũng Tàu, sang Đồng Nai, lên Tây Ninh hành nghề, mỗi đêm kiếm được từ 500.000 đến 1 triệu đồng, nên anh xin đi theo. “Dụng cụ để trở thành một thợ săn tắc kè khá đơn giản, chỉ cần có chiếc xe máy để di chuyển, một cần câu bằng tre dài chừng 5m, trên đầu cần gắn thòng lọng bằng dây cước, một đèn bình ắc quy loại 12A, một đèn pha 6V và một thùng đựng tắc kè bằng gỗ là có thể hành nghề. Tắc kè vốn hung dữ, nếu dùng lồng lưới để đựng chúng tấn công nhau sẽ bị trầy xướt rất khó bán”, Chiến tâm sự.

Trong suốt thời gian theo nghề này, Chiến cùng các đồng nghiệp từng nằm vùng khắp các cánh rừng ở Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai. Theo anh, tắc kè sinh sống nhiều nhất vẫn là ở vùng rừng Nam Cát Tiên (Đồng Nai). Nơi đây có độ ẩm thấp, nguồn thức ăn phong phú nên tắc kè sinh trưởng rất nhanh. Trong thời gian dài ở đây, trung bình mỗi đêm anh kiếm được từ 500.000 đến 1 triệu đồng/đêm. Vào khoảng tháng 6-2012, khi tắc kè có giá, không ít lái buôn cung cấp cho cánh thợ săn đến tận răng. Cần tiền, họ sẵn sàng ứng trước 3 - 5 triệu đồng rồi trừ dần mà không cần ràng buộc gì cả. Đặc biệt, họ sẵn sàng trả giá hàng chục triệu đồng để mua tắc kè “khủng” có trọng lượng từ 300g trở lên. Nếu bắt được con tắc kè có trọng lượng từ 1 - 2kg, giá bán lên đến cả trăm triệu đồng/con. Tuy nhiên, trong suốt thời gian theo nghề, ăn ngủ tại các cánh rừng, chưa bao giờ Chiến và nhóm bạn của mình bắt được con nào quá 200g. “Lúc đó, khi bắt được những con lớn khoảng 200g, chúng tôi chưa kịp chuyển cho lái buôn là đã có người địa phương trả mua với giá từ 4 - 5 triệu/con để đem về nuôi. Vậy mà gần một năm nay, khi tôi điện thoại hỏi thăm, chủ của những con tắc kè đó cho biết chúng vẫn không lớn thêm được chút nào! Không ít nông dân đã vỡ mộng khi bỏ ra hàng chục triệu đồng để thu gom tắc kè về nuôi”, Chiến tâm sự.

Nhọc nhằn

Thời gian gần đây, giá tắc kè giảm mạnh, các thương lái liên tục ép giá, nên nhiều thợ săn đành giải nghệ để quay về nghề cũ. Người chạy xe ôm, người bán hàng “la”, bán rau quả… Riêng Chiến quay về Bình Dương xin vào làm thợ xây ở các công trình. Nhớ nghề, tranh thủ những đêm thứ bảy và chủ nhật, anh cùng nhóm bạn đi săn tác kè để kiếm thêm. Chiến bảo: “Tắc kè thường ra khỏi ổ để săn mồi vào đêm khuya, nên người đi săn phải thức trắng đêm, có khi về đến nhà thì trời đã hửng sáng. Vì thế, thợ săn tắc kè phải đêm thức ngày ngủ, khó kiêm một lúc 2 việc”.  

 Một chú tắc kè dính thòng lọng của thợ săn 

Ngoài chuyện ăn ngủ khác người, thợ săn tắc kè còn gặp vô số những khó khăn khác khi phải băng rừng lội suối đêm hôm. Chỉ một thời gian ngắn trở thành thợ săn tắc kè, đôi chân của Chiến xuất hiện nhiều vết thẹo lớn khó phai mờ do té ngã, sụp hố giữa rừng. Hơn nữa, răng tắc kè bén như dao lam, chỉ sơ ý để chúng cắn phải là máu chảy không cầm, cũng may loài vật này không có nọc độc nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Không ít người do mãi mê săn tắc kè, vô tình đụng phải tổ ong, rắn độc phải nằm viện hàng chục ngày. Nhắc đến chuyện này, Long - một thành viên trong nhóm của Chiến, cho biết: “Mới đây, khi tôi mãi mê săn con tắc kè khá lớn trên bức tường đình thần thuộc phường Phú Mỹ thì nghe chân mình nhồn nhột như có con gì đang bò ngang. Quơ đèn xuống, tim tui như ngừng đập khi thấy con rắn hổ mang lớn bằng cườm tay đang di chuyển qua bàn chân. Đứng chết lặng chừng 5 phút, chờ con rắn đi xa một chút tôi xách đồ nghề chạy thục mạng về phòng trọ mà không kịp thở. Bữa đó nếu bị con rắn cắn chắc tui tiêu rồi…”.

Săn tắc kè quanh các khu dân cư tuy không cực như đi săn ở rừng, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có người khi gặp các anh, họ nhờ vào nhà bắt giúp con tắc kè vì cho rằng phân loài này gây mất vệ sinh. Tuy nhiên, cũng có người quan niệm tắc kè sống trong nhà sẽ đem lại may mắn, nên khi thấy các anh là họ quát tháo, chửi mắng. Khổ nhất là việc đụng phải các tổ dân phòng, dân phố đi tuần, cánh thợ săn phải nhọc công giải trình nhưng có khi họ vẫn không chịu bỏ qua. “Sau khi kiểm tra giấy tờ tùy thân, các anh thường lùng sục quanh khu vực mình dựng xe để tìm xem có tài sản gì đem giấu không, vì họ nghĩ mình ngụy trang đi săn để đột nhập nhà dân. Cũng có khi chúng tôi bị bắt về trụ sở công an nhiều giờ mới được thả!”, anh Long tâm sự.

Theo Chiến, săn tắc kè không dùng mồi nên để dụ được con tắc kè vào thòng lọng là rất khó, đòi hỏi người săn phải có tính kiên nhẫn cao. Khi phát hiện con mồi, phải biết cách pha lệch đèn sang một bên, nếu không chúng sẽ nhanh chóng biến mất. Ban đêm, mắt tắc kè có màu đỏ như chim, dơi, ểnh ương... nhưng to hơn và luôn đứng tròng, đó là dấu hiệu nhận dạng khi chúng ẩn nấp. Vì thiếu kinh nghiệm săn bắt, nên không ít người đành sớm bỏ nghề. “Dẫu vậy, săn tắc kè là việc không khó, nhưng đây không phải là một nghề, vì ít ai có thể sống được với nghề này”, Chiến kết luận.

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên