Địa ngục trần gian bên bờ hồ thơ mộng?

Cập nhật: 18-06-2013 | 00:00:00

Bài cuối: Người trong cuộc nói gì?

> Bài 1: Xin việc làm… rồi bị “nhốt”?

> Bài 2: Cái chết tức tưởi của một lao động nghèo

Để dư luận có cái nhìn khách quan về vấn đề này, chúng tôi đã liên lạc với những công nhân trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng làm và chứng kiến cái chết của nạn nhân Rớt; đồng thời gặp và trao đổi với chủ cơ sở gỗ Trần Tấn Phong.

Nhân chứng

Qua nhiều ngày tìm cách liên lạc, bằng nghiệp vụ chúng tôi đã liên hệ được với công nhân Lý Vũ Phong, tên giấy tờ xin việc làm là Lý Minh Tường, quê Cà Mau, hiện đang có công việc ổn định, mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Tường yêu cầu chúng tôi không được cho biết địa điểm mình đang sống và làm việc. Riêng vụ việc xảy ra tại Dầu Tiếng, Tường cho biết, anh đến làm việc tại nhà ông Phong qua một cơ sở giới thiệu việc làm. Đến đây anh phải trả phí dịch vụ đến 1 triệu đồng, nhờ chủ xưởng trả và anh cũng cam kết sẽ làm trừ lương. Công nhân ở đây rất khắc khổ, phải làm việc từ 4 giờ sáng đến 12 giờ trưa mới cho nghỉ ăn cơm. Buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ. Khi công nhân đi ngủ thì bị khóa cửa ngoài, đến giờ làm việc ông chủ mới mở. Trong phòng ngủ không có phòng vệ sinh, chỉ có một cái bô để vệ sinh. Công việc làm quần quật cả ngày, ăn uống khắc khổ, lương thấp, chính là lý do Rớt cùng bạn của mình bỏ trốn để xin việc khác, sau đó xảy ra vụ việc.

Ông Phong chỉ “sản phẩm” do công nhân của cơ sở ông làm ra

Tường cũng cho biết thêm, Rớt cùng bạn anh vượt hồ bỏ trốn. Thấy Rớt đuối sức, anh nhanh chóng chạy xuống cứu nhưng ông chủ nói “khoan đã, để coi nó lội tới đâu, nó trốn được thì nó lội được”. Nhưng hồ sâu và rộng không thể lội được nên anh quyết định dùng sào chèo ghe ra cứu nạn nhân. Do nạn nhân cách bờ khá xa, ghe anh đến nơi thì nạn nhân đã bị chìm.

Ông chủ cơ sở gỗ nói gì?

Dù phải tiếp khách “không mời mà đến” nhưng ông Trần Tấn Phong vẫn tỏ ra bình thản và cho rằng những thông tin dư luận đã “đổ oan” cho ông. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích lại đoạn đối thoại cùng ông Phong.

- Công nhân ông tuyển từ đâu?

- Từ TP.HCM. Tôi có quen mấy người ở đó, họ giới thiệu công việc, nơi ăn nghỉ của cơ sở mình. Nếu người lao động đồng ý, qua điện thoại thống nhất cùng tôi, tôi nhận. Chớ lao động này không bị lừa bán. Nhưng 2 năm nay, tôi rất khổ với lao động “trôi nổi” này, ẩn chứa nhiều phức tạp, rủi ro rất nhiều. Người lao động thì tâm lý không ổn định, đứng núi này trông núi nọ, còn người làm dịch vụ canh khi lao động làm đủ thời gian quy định thì họ dụ dỗ chuyển chỗ khác.

- Vậy ông quản lý, sử dụng như thế nào để lao động không đứng núi này trông núi nọ?

- Tôi xử sự rất phục nhân tâm. Về ăn uống các cái chăm lo đầy đủ, khuyên răn hàng ngày. Gạo mua mỗi lần hàng tấn, thịt mua hàng chục kg. Thường xuyên an ủi động viên họ. Lương tháng tôi trả 2,5 triệu đồng, rồi còn lo ăn, lo uống nữa.

“Người nhà nạn nhân quá bức xúc đã đập xe tôi”, ông Phong chỉ tay vào chỗ xe bị mốp và nói

- Biết phức tạp vậy sao ông không tuyển lao động tại địa phương?

- Lao động địa phương rất tốt, nhưng tôi trả lương không nổi. Mỗi người 3,6 triệu đồng/ tháng họ không làm, vì họ cho rằng tiền đi lô (mót mủ cao su) nhiều hơn. Hơn nữa, chỗ tôi phải làm 9 tiếng rưỡi đồng hồ/ ngày, công nhân địa phương không chấp nhận. Hiện nguồn lao động đang khan hiếm, vả lại xưởng làm không ổn định, áp lực công việc không cao nên tôi cũng không cần nhiều lao động, khoảng 6 người là đủ.

- Khi họ vào làm việc ông có cất giữ hết tư trang, điện thoại của họ không?

- Tôi giữ lại điện thoại và giấy chứng minh nhân dân của họ vì tôi sợ họ trốn. Ở đây có nhiều công nhân trốn rồi trở lại 4 đến 5 lần. Khi lao động làm việc đủ tiền phí dịch vụ môi giới thì tôi trả lại, hoặc trong trường hợp công nhân có chuyện cần gấp thì tôi trả lại liền.

- Ông nói lao động làm việc ở đây thường xuyên bỏ trốn?

- Có. Trốn là chuyện thường xuyên. Công nhân làm lâu nhất chỉ 2 đến 3 tháng.

- Khi công nhân bỏ trốn ông tìm bắt, đánh họ?

- Có tìm, tìm về làm việc chớ đâu có tìm về để đánh.

- Vì sao khi công nhân ngủ ông phải khóa cửa ngoài?

- Khóa là do sợ tính mạng, tài sản, vợ con của tôi, chớ không phải khóa để chống họ trốn.

- Công nhân Rớt bị chết vì lý do gì?

- Lúc đó tôi đang ngồi ăn cơm, còn công nhân kéo xuống nhà mát. Tôi nghe đâu hai đứa rủ nhau lội đua. Có một công nhân báo có hai anh lội xa lắm rồi, trong đó có một người đang ngợp. Tôi kêu một công nhân nhanh chóng bơi ra, khi ra không phát hiện người nên tôi điện cho công an, khoảng 10 phút sau thì công an đến.

Thay lời kết!

Ngoài đoạn đối thoại trên, ông Phong còn đưa cho chúng tôi rất nhiều đoạn ghi âm làm bằng chứng minh oan cho mình trước búa rìu dư luận. Ông cũng nhiệt tình dẫn đường và trình bày cách bài trí nơi ăn ở của công nhân.

Tuy thế, dù lời biện minh như thế nào thì cách tuyển dụng, quản lý, đối xử với lao động của chủ xưởng gỗ Trần Tấn Phong đều không đúng. Tuyển dụng những nhân công hoàn toàn “trôi nổi”, cho rằng họ là những kẻ lang bạt, không tin tưởng, luôn phải dè chừng để rồi áp dụng kiểu quản lý “tù đày” độc đoán. Ông đã hạn chế hoàn toàn quyền cơ bản con người: ăn, ngủ, ở, đi lại, sinh hoạt…, bắt họ làm việc cực nhọc với đồng lương rẻ mạt mà không có một chế độ đãi ngộ nào!

Cái chết của nạn nhân Rớt cho dù ông không trực tiếp thực hiện nhưng xuất phát từ cung cách quản lý độc đoán của ông, kéo theo đó là nhiều người oán hận, trách móc, xóm giềng xa lánh.

HÒA NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên