Dịch bệnh Covid-19: Lao động ít biến động

Cập nhật: 28-02-2020 | 08:41:07

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 gây tác động trên lĩnh vực lao động, việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh (LĐ- TB&XH) đã chủ động, kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp nên đến nay thị trường lao động trên địa bàn tỉnh không có biến động lớn. Hầu hết các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động vẫn ổn định.

 Lao động đến phỏng vấn tại Công ty TNHH May mặc Bowker (TP.Thuận An) đeo khẩu trang phòng, chống dịch bệnh Covid-19

 Lao động ổn định

Ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 gây ra và tác động trên lĩnh vực lao động, việc làm, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ LĐ- TB&XH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, kịp thời triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Đến nay, trên toàn tỉnh không có biến động lớn về vấn đề lao động, việc làm. Hầu hết các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động vẫn ổn định, duy trì hoạt động sản xuất bình thường, chưa xảy ra tình trạng thiếu hụt lớn lao động. Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh không tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, tập trung đông người nhưng các hoạt động trực tuyến, cung cấp dịch vụ cho người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động bình thường”.

Thống kê của SởLĐ- TB&XH cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong quý I-2020 khoảng 28.000 lao động gồm cả nhu cầu tuyển dụng lao động mới và tuyển bù đắp. Ông Huỳnh Văn Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết để đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, dưới sự chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã chủ động tăng cường các hoạt động về thông tin thị trường lao động; tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, ngừng tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại trung tâm; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ nghỉ việc, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; thực hiện liên kết thông tin tuyển dụng lao động với các tỉnh có nguồn lao động và NLĐ trên địa bàn”.

Cần lao động có tay nghề

Đến Công ty TNHH Ubi Vina 3 (TP.Thuận An), ấn tượng đầu tiên trước khi chúng tôi bước vào công ty là thông báo đăng tuyển dụng NLĐ được dán ngay trước cổng ra vào. Được biết, từ những tháng cuối năm do nhu cầu mở rộng sản xuất, công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động ở một số vị trí như may, cắt chỉ, thành phẩm. Theo thông báo này thì NLĐ đến công ty làm việc sẽ được thụ hưởng nhiều chế độ phúc lợi nhưng ưu tiên CNLĐ có trình độ tay nghề, hiểu về ngành may mặc. Ông Beyn Ki Bong, Giám đốc Công ty TNHH Ubi Vina 3, cho biết: “Do nhu cầu mở rộng sản xuất, công ty có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động. Tuy nhiên, không phải vì thiếu lao động mà công ty tuyển ồ ạt, nguyên tắc của công ty là chỉ tuyển lao động làm được việc ngay mà không cần phải qua đào tạo lại”. Hay như Công ty TNHH Appared Far Eastern (TP.Thuận An), chỉ tuyển lao động có trình độ kỹ thuật, một số vị trí như văn phòng, kế toán buộc NLĐ phải biết ngoại ngữ (Anh hoặc Hoa) để giao tiếp. Trong khi đó, Công ty TNHH Right Rich Việt Nam (TX.Bến Cát) với nhu cầu tuyển dụng từ 500 - 600 CNLĐ nhưng hầu như số NLĐ nộp hồ sơ, tuyển dụng không đáp ứng nhu cầu, điều kiện của công ty đưa ra.

Không chỉ các công ty này có nhu cầu tuyển dụng mà rất nhiều công ty, xí nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn cũng có nhu cầu tuyển dụng. Theo ghi nhận của chúng tôi, so với những năm trước, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông đã giảm đáng kể, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ, tay nghề tăng cao. Điều này khẳng định vị trí của NLĐ đã được “trọng dụng”; đồng thời cũng khẳng định sự ổn định của thị trường lao động trong tỉnh. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các nhà tuyển dụng đòi hỏi NLĐ phải có trình độ, tay nghề. Tuy nhiên, lực lượng lao động có trình độ, tay nghề còn thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường nên những năm gần đây nhiều công ty, xí nghiệp tăng cường chính sách giữ chân NLĐ.

Với nhiều chế độ phúc lợi, NLĐ có tay nghề vững được công ty coi trọng. Cụ thể vào cuối năm các công ty thường tặng quà tết, trao vé xe miễn phí cho CNLĐ về quê đón tết, trong thời gian làm việc, công ty hỗ trợ phòng trọ, tiền điện, nước cho CNLĐ... Từ những việc làm ấy, CNLĐ có trình độ, tay nghề càng gắn bó hơn với công ty và không còn tư tưởng “nhảy việc”. Theo dự báo của ngành LĐ-TB&XH, năm nay, nhu cầu tuyển dụng của các công ty, xí nghiệp vẫn gia tăng nhưng họ đòi hỏi NLĐ phải có tay nghề vững. Vì vậy, NLĐ muốn có vị trí, việc làm với mức lương cao thì cần phải học tập, nâng cao trình độ, tay nghề của mình.

 Nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gây ra, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục có công văn gửi đến tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH yêu cầu tổng Giám đốc/giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện: Báo cáo cập nhật danh sách chuyên gia, nhân viên người Trung Quốc và các chuyên gia, nhân viên người nước ngoài (từng nhập cảnh hoặc quá cảnh Trung Quốc trong thời gian bùng phát của dịch bệnh) đã nhập cảnh vào Việt Nam và quay trở lại làm việc sau ngày 15-2- 2020. Khuyến cáo các chuyên gia, nhân viên, người nước ngoài tại doanh nghiệp thực hiện đúng quy trình vệ sinh phòng ngừa dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và kịp thời báo cáo cho cơ quan y tế và các ngành chức năng khi có những biểu hiện, triệu chứng của dịch bệnh Covid-19 gây ra.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên