Dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp

Cập nhật: 23-02-2012 | 00:00:00

Ngày 22-2, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị thực hiện công điện 218/CĐ-TTg (20/2) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống cúm A (H5N1) và triển khai kế hoạch phòng dịch năm 2012. Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Trong đó có một số dịch bệnh đang lưu hành với số người mắc và tử vong cao như: cúm A (H5N1), tay chân miệng, bệnh do não mô cầu và bệnh sốt xuất huyết.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong do cúm A (H5N1) tại Kiên Giang và Sóc Trăng; 6.328 trường hợp mắc tay chân miệng tại 60 địa phương, trong đó có 9 trường hợp tử vong tại 7 tỉnh; 10 trường hợp mắc bệnh do não mô cầu tại 6 địa phương, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại Hà Nội và Nam Định; 4.751 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 34 địa phương, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại TPHCM.

  Cán bộ thú y tiêm vaccine cho đàn gà để phòng chống dịch cúm A/H5N1.Để công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm đạt hiệu quả, năm 2012, ngành y tế tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời không để dịch bùng phát lan rộng; phấn đấu giảm 5%-10% số mắc, chết do các bệnh truyền nhiễm lưu hành so với trung bình giai đoạn 2006-2010; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thực hiện tốt chỉ tiêu 3 công trình vệ sinh: nhà tắm, giếng nước và nhà vệ sinh tại các hộ gia đình; tổ chức 6 đơn vị tập huấn điều trị bệnh truyền nhiễm tại các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, Trung ương Huế, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhiệt đới TPHCM.

Đặc biệt, ngành y tế sẽ thực hiện các giải pháp giảm tử vong như: tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, bệnh viện trung ương điều trị các trường hợp rất nặng, bệnh viện tỉnh điều trị các trường hợp nặng và bệnh viện huyện điều trị các trường hợp thông thường. Đồng thời, bổ sung phác đồ điều trị một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, phác đồ chống sốc, chống kháng thuốc; trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân; tổ chức các đội điều trị cấp cứu cơ động để hỗ trợ tuyến dưới...

Theo Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị, virus cúm gia cầm đã có biến thể và bùng phát trên diện rộng. Tính từ ngày 27-1 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 9 xã, phường của tỉnh gồm các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh và thị xã Quảng Trị với tổng số gia cầm bệnh, chết và tiêu hủy trên 10.100 con.

Đáng lưu ý là trước tình hình dịch cúm gia cầm bùng phát, Quảng Trị vẫn sử dụng vaccine cũ để bao vây, khống chế, dập dịch và thực tế vaccine này đã phát huy hiệu quả.

Quảng Trị đã tập trung củng cố Ban Chỉ đạo dịch cúm gia cầm, kể cả những địa phương chưa có dịch, mở đợt tổng kiểm tra toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn. Các địa phương triển khai đồng loạt đợt cao điểm về tổng vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm lưu thông, đồng thời tiêu hủy ngay những đàn gia cầm bị mắc bệnh, kể cả đàn gia cầm nhỏ; thực hiện thống kê đúng, đủ số lượng gia cầm bị dịch bệnh để làm cơ sở cho việc hỗ trợ sau này. Hiện tại, Quảng Trị chưa phát hiện dấu hiệu lây lan dịch bệnh do vận chuyển gia cầm. Các ổ dịch đã xuất hiện đều ở đàn vịt thịt và trước đó chưa được tiêm phòng vaccine cúm gia cầm.

Trước tình hình bệnh cúm gia cầm diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống, không để dịch tái phát và lây lan. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y, các trạm thú y phân công cán bộ lãnh đạo, cán bộ trực chống dịch trong các ngày nghỉ cuối tuần, công khai số điện thoại để tiếp nhận thông tin dịch bệnh.

Các cơ quan thú y phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế, chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể của địa phương tăng cường công tác giám sát đến tận trại, hộ chăn nuôi gia cầm; tổ chức quản lý đàn vịt chạy đồng, lò ấp, cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán, giết mổ gia cầm nhằm phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh, chết do cúm gia cầm để xử lý kịp thời; tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm hết miễn dịch, đàn nuôi mới trên địa bàn thuộc chương trình tiêm phòng cúm gia cầm. Hiện nay Đồng Tháp đang thiếu vaccine để tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm vừa tái đàn tại chỗ, tỉnh đã được Trung ương phân bổ 2 triệu liều vaccine nhưng vẫn chưa có.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên