Trong tuần qua, số trẻ mắc sốt xuất huyết (SXH) gia tăng chóng mặt. Riêng trong ngày hôm qua 11-7 đã có tới hơn 30 trẻ nhập viện vì mắc dịch bệnh trên. Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, trong tháng 6 đã có 887 ca mắc bệnh này, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Hiện đã có 2 trường hợp tử vong và nhiều ca biến chứng nặng.
Diễn biến phức tạp
BS Trần Thị Thúy, Trưởng Khoa Nhiễm cho biết, trong khi dịch bệnh tay - chân - miệng vẫn diễn biến phức tạp thì dịch SXH lại “bồi” thêm nhiều ca bệnh khiến bệnh viện quá tải trầm trọng. Tại Khoa SXH BV Nhi đồng 1 TP.HCM cũng đang có khoảng gần 60 trẻ nằm điều trị nội trú.
Theo bác sĩ Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 kiêm Trưởng khoa SXH, so với tuần đầu tháng 6, tuần đầu tháng 7 số trẻ nhập viện điều trị SXH đã tăng gần gấp đôi. Trong hơn 100 trẻ mắc SXH được tiếp nhận điều trị trong một tuần trở lại đây, có khoảng 20 ca bị nặng, sốt độ 3-4.
Nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nằm ngoài hành lang Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.
BS Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Nhi A BV Bệnh nhiệt đới cũng cho biết, hôm qua đã có 50 trẻ mắc SXH điều trị tại khoa này, tăng gấp 3 lần hồi đầu tháng 6.
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn TP đang gia tăng dù mới bước vào đầu mùa dịch. Số ca mắc trong tháng sau đã tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Chỉ trong tháng 6, có thêm 887 ca mắc SXH (tăng 2,8 lần cùng kỳ), nâng tổng số ca mắc bệnh này từ đầu năm đến nay là 4.715 ca (cùng kỳ năm 2010 chỉ hơn 2.300 ca), trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Đáng lo ngại, không chỉ các quận, huyện ngoại thành có số ca mắc tăng cao mà ngay cả những quận trung tâm TP như quận 1, 3, trẻ mắc bệnh cũng khá nhiều với số lượng ghi nhận là từ 5-10 ca/phường. Hiện nay, hầu hết 322 phường, xã ở TPHCM đều có bệnh nhân mắc SXH.
SXH có khả năng lan rộng
Theo BS Trần Văn Ngọc, xu hướng mắc SXH thường dẫn đến biến chứng khá nặng. Để chống SXH độ 4 (độ biến chứng nặng), ngoài truyền dịch chống sốc với sự hỗ trợ của máy đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, cần phải hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục. Tuy nhiên, tình trạng suy hô hấp vẫn dẫn đến tử vong cao và thường buộc các bác sĩ phải chọc dò màng bụng, màng phổi giải áp, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh để chống rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa...
Tuy nhiên, điều BS Ngọc lo ngại là dễ chẩn đoán nhầm bệnh SXH với các bệnh khác. Bằng chứng là mới đây, cháu Nguyễn Minh Q. (8 tuổi) được gia đình đưa đến khám tại một phòng khám đa khoa nhi được bác sĩ chẩn đoán bị viêm amiđan, cho đơn thuốc về nhà uống. Sau đó bệnh không khỏi, gia đình đưa sang một bệnh viện khác khám tiếp, lại được chẩn đoán bị viêm họng, tim bẩm sinh rồi kê toa thuốc cho cháu về nhà uống tiếp. Thế nhưng, sau đó cháu Q. bị ngất xỉu, tím tái và cấp cứu tại BV Nhi đồng 1 và tử vong sau đó với kết luận là bị SXH nặng.
Qua nhiều trường hợp mắc SXH nặng gần đây, BS Lê Bích Liên lưu ý, trẻ mắc bệnh thường kèm các triệu chứng đường hô hấp, tiêu hóa nên dễ nhầm với các bệnh khác, ngay cả nhân viên y tế đôi khi cũng bị “lừa”. Do đó, để chắc ăn, BS Lê Bích Liên khuyến cáo khi thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có các biểu hiện bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; đau bụng; tay chân lạnh; nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống… phải đưa ngay trẻ vào bệnh viện.
Theo Sở Y tế TP.HCM, dù dịch bệnh nguy hiểm đang vào mùa song công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương rất lơ là. Tuy năm nào dịch SXH cũng bùng phát nhưng công tác phòng ngừa vẫn chưa rút ra những bài học thấu đáo. “Minh chứng là ý thức vệ sinh, phòng ngừa cũng như tuyên truyền vận động chưa thấm sâu vào dân. Hơn nữa, các phường, xã vẫn ỉ lại hoặc làm cho… lấy được”, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết.
Thời tiết tại TP.HCM mưa nắng thất thường, dịch bệnh SXH vì thế đang vào mùa với số trẻ mắc SXH tăng mạnh. “Nếu không thực hiện ngay các giải pháp phòng chống, nguy cơ người dân bị cùng lúc nhiều loại dịch bệnh khác “đánh úp” là điều rất dễ xảy ra”, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nói.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, dịch SXH diễn ra quanh năm trên nhiều địa bàn quận huyện của TP, nhưng theo chu kỳ bùng phát vào mùa mưa. Trong đó, trên 80% người mắc SXH rơi vào trẻ nhỏ. Trung tâm Y tế dự phòng dự báo nhiều khả năng dịch SXH sẽ lan rộng trong năm nay do thời tiết thay đổi, nhiều công trình xây dựng dở dang, vệ sinh môi trường chưa tốt… tạo điều kiện cho lăng quăng, muỗi sinh sôi.
Tổng hợp