Điểm nhấn nông nghiệp công nghệ cao

Cập nhật: 09-08-2019 | 08:24:22

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, việc ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong sản xuất đã góp phần rất lớn nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo bước đi bền vững cho ngành nông nghiệp địa phương.

 Mạnh dạn đưa công nghệ vào sản xuất

Những năm qua, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện tăng bình quân từ 3,7 - 4,1%/ năm. Riêng 7 tháng năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện ước thực hiện được 943 tỷ đồng, tăng 3,76% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, huyện đang thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với chính sách đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, chính sách phát triển vườn cây ăn trái có múi, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ƯDCNC…

Đến nay, tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn huyện là 23.797 ha, trong đó cây cao su có 21.199 ha, cây ăn trái 2.392,4 ha (trong đó có hơn 180 ha được chứng nhận VietGAP và 19 ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ), cây điều 194,6 ha. Toàn huyện có 65 trang trại trồng trọt với tổng diện tích khoảng 1.213 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 70 - 75 triệu đồng/ ha đất canh tác/năm, riêng vùng cây ăn trái có múi có giá trị sản xuất đạt khoảng 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

 Nuôi gà công nghệ cao tại trại chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Bình, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: TIỂU MY

Thời gian qua, địa phương chú trọng hình thức liên kết, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Đối với chế biến mủ cao su, Hợp tác xã Nhật Hưng đã tổ chức hình thức liên kết theo quý đối với chủ cơ sở thu mua. Đặc biệt, hợp tác xã đã đầu tư công nghệ cao nhằm tăng hàm lượng kỹ thuật, nâng cao giá trị cho cao su xuất khẩu.

Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện thành công mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Điển hình là Hợp tác xã Nhân Đức - đơn vị được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ, hiện năng suất bình quân của vườn cây đạt 50 tấn/ha, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho các xã viên. Tổng doanh thu của hợp tác xã trung bình trên 30 tỷ đồng/năm.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng là thế mạnh của huyện nhờ áp dụng công nghệ kỹ thuật mới trong chăn nuôi và tập trung theo đúng quy hoạch, từng bước hình thành các trang trại chăn nuôi lớn. Đến nay, toàn huyện có 121 trang trại chăn nuôi và thủy sản, trong đó có 30 trang trại áp dụng công nghệ cao (gồm 8 trang trại gà thịt, 5 trang trại gà giống, 3 trang trại gà đẻ trứng, 13 trang trại heo và 1 trại vịt). Đa số các trại chăn nuôi ƯDCNC trên địa bàn huyện cơ bản bảo đảm yếu tố môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tổng đàn gà được nuôi theo công nghệ cao trong toàn huyện là 1,18 triệu con, tổng đàn heo được nuôi theo công nghệ cao là 44.750 con.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, cho biết 5 năm qua, để tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức của người dân trong huyện về phương pháp canh tác hữu cơ và VietGAP như hiện nay là một sự cố gắng lớn của huyện. Thông qua hiệu quả của những mô hình này, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trên địa bàn đã nhận thức rõ việc đầu tư nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững.

Tìm hướng ra ổn định cho sản phẩm

Theo ông Thuận, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương hiện nay tương đối tốt. Tuy nhiên, về lâu dài để các sản phẩm nông sản có chỗ đứng vững chắc vẫn rất cần việc xây dựng và quảng bá thương hiệu một cách bài bản, căn cơ.

Ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên), cho biết hiện nay trang trại của ông đang trồng hàng trăm ha cam, bưởi, quýt với sản lượng trung bình đạt khoảng 40 tấn trái các loại/ ha/năm. Ngoài việc tiêu thụ ở thị trường trong nước, vừa qua ông còn thông qua một công ty trung gian đã bán giới thiệu sản phẩm bưởi da xanh qua thị trường Pháp.

Theo ông Chiến, sau khi phía đối tác bên Pháp nhận được sản phẩm và đã đề nghị ký hợp đồng mua 160 tấn bưởi da xanh/tháng, ông không dám ký hợp đồng vì sợ không đáp ứng được về số lượng sản phẩm cũng như các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu. Hơn nữa, ông chỉ làm việc qua trung gian với công ty thu mua nên không thể biết hết phía đối tác yêu cầu.

Đại diện Hợp tác xã Nhân Đức cho biết, dù đơn vị thường xuyên được Hiệp hội hữu cơ trong nước và nước ngoài kiểm tra, đánh giá theo mỗi chu kỳ sản xuất hữu cơ qua 3 tháng/ lần; được cơ quan hữu quan công nhận và cấp thương hiệu logo cam, bưởi hữu cơ USDA Jarkartan (Hà Lan), song sản phẩm của đơn vị vẫn chưa xuất khẩu được. Hiện nay, sản phẩm hữu cơ của hợp tác xã được Hiệp hội hữu cơ trong nước giới thiệu đến các cửa hàng ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội với giá bình quân cam sành 30.000 đồng/kg, cam xoàn 40.000 đồng/kg, bưởi 50.000 đồng/kg.

Về chăn nuôi, mô hình chăn nuôi gia công công nghệ cao đã và đang phát huy hiệu quả với các hợp đồng dài từ 3 - 5 năm. Đặc biệt, với việc tuân thủ theo quy trình an toàn sinh học nghiêm ngặt của phía đối tác đưa ra, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã không gặp khó khăn về dịch bệnh. “Bệnh dịch tả heo châu Phi đang diễn ra là một ví dụ điển hình cho thấy việc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi là một hướng đi đúng đắn, phòng chống được bệnh tật, bảo đảm không bị thiệt hại”, ông Thuận nói.

Những kết quả bước đầu của việc ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị đã mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung. Với sự đầu tư bài bản, có chiến lược lâu dài, chắc chắn trong thời gian không xa, Bắc Tân Uyên sẽ có nền nông nghiệp có trình độ công nghệ cao, hiện đại và phát triển bền vững.

 Định hình chợ trái cây Bắc Tân Uyên

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại các trang trại ƯDCNC trên địa bàn huyện, ngoài các phương tiện thuộc hệ thống chuỗi cung ứng Coopmart, Organic... đến thu gom sản phẩm, hàng ngày thương lái cũng thường xuyên đến các trang trại để “mua tận gốc” sản phẩm chất lượng cung cấp cho thị trường.

Dọc theo tuyến đường chính thuộc vùng nguyên liệu cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều trạm thu mua, cung cấp trái cây như bưởi, cam, quýt... Thống kê sơ bộ của địa phương cho thấy, mỗi ngày khu vực này có trên 20 container đến thu mua, vận chuyển trái cây đến các chợ đầu mối, trung tâm phân phối lớn trên cả nước.

DUY CHÍ

 TIỂU MY   

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên