Diễn biến khủng hoảng hạt nhân tại Nhật

Cập nhật: 16-03-2011 | 00:00:00

Sau trận động đất và sóng thần lịch sử, Nhật Bản đứng trước nguy cơ hứng chịu thảm hoạ hạt nhân. Trình tự diễn biến của cuộc khủng hoảng nguyên tử này được tính theo giờ địa phương.

 

Nhật Bản có một số nhà máy điện nguyên tử nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của động đất và sóng thần, nhưng tâm điểm trong cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay là nhà máy Fukushima I. Cơ sở này có tổng cộng 6 lò phản ứng, được đưa vào sử dụng từ thập niên 70 của thế kỷ trước và nằm cách Tokyo 250km về phía bắc.

 

Đây là một trong 25 nhà máy điện nguyên tử lớn nhất thế giới. Kể từ sau vụ động đất lịch sử hôm 11-3, tại nhà máy Fukushima I đã có 4 lò phản ứng xảy ra tai nạn, gồm nổ ở các lò số 1, 2,3 và hỏa hoạn ở lò số 4. Dưới đây là diễn biến từ đầu cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản.

 

 Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I nhìn từ vệ tinh sau động đất. 

Thứ sáu (11-3):

 

14h46': Trận động đất mạnh 9,0 độ Richter xảy ra ngoài khơi đảo Honshu, tâm chấn nằm sâu 10 km dưới lòng Thái Bình Dương. Toàn bộ vùng đông bắc Nhật và thủ đô Tokyo chao đảo dữ dội vì trận động đất có cường độ chưa từng được ghi nhận trong lịch sử. Có 11 lò phản ứng hạt nhân hoạt động trong vùng tự động ngừng hoạt động sau đó.

 

15h45': Công tư điện lực Tokyo thông báo, máy phát điện dự phòng cho các lò phản ứng số 1, 2 và 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I bị hư hại và hệ thống cấp điện dự phòng bằng diesel cũng bị sóng thần phá huỷ. Tình huống này khiến hệ thống làm mát cho các lò phản ứng bị trục trặc, đe doạ nguy cơ cháy nổ và rò rỉ phóng xạ.

 

19h30': Thủ tướng Naoto Kan ban bố "tình trạng khẩn cấp hạt nhân', nhưng giới chức Nhật cho biết đây chỉ là thủ tục mang tính tiêu chuẩn và không có rò rỉ phóng xạ trong khu vực. Tuy nhiên ngay sau đó, chính phủ bắt đầu cho sơ tán người dân sống trong bán kính 3km cách nhà máy nguyên tử Fukushima I.

 

Thứ bảy (12-3):

 

05h30': Sau khi các lò phản ứng tự động ngừng hoạt động, căng thẳng tại nhà máy Fukushima I không ngừng gia tăng do hệ thống làm mát cho các lò bị hỏng. Các kỹ sư đi đến quyết định cho hơi nước có chứa một lượng phóng xạ nhỏ thoát ra ngoài để giảm khí nén trong lò phản ứng số 1, tránh nguy cơ nó bị nổ tung.

 

11h00': Áp suất không ngừng gia tăng tại lò phản ứng số 2 của nhà máy Fukushima I và hơi nước chứa phóng xạ bắt đầu được khai thông, rò rỉ thêm lượng phóng xạ ra ngoài không khí.

 

15h30': Một vụ nổ lớn xảy ra tại lò phản ứng số 1 nhà máy Fukushima I, khiến một toà nhà tại đây bị sập xuống làm 4 công nhân bị thương. Cả thế giới chấn động và dấy lên mối lo ngại về nguy cơ xảy ra thảm hoạ hạt nhân kiểu Chernobyl.

20h:00': Nhật xác nhận toà nhà xây bằng bê tông bao quanh kết cấu thép chứa lò phản ứng số 1 của nhà máy đã bị sập, nhưng lõi thép bảo vệ lò vẫn còn nguyên. Để tránh nguy cơ tan chảy hạt nhân, Nhật quyết định bơm nước biển để làm nguội, đồng nghĩa với việc lò phản ứng 40 năm tuổi này sẽ không thể tái sử dụng do bị muối ăn mòn. Họ cũng bơm nước biển cho lò phản ứng số 3 để giảm áp suất.

 

Chủ nhật (13-3:

 

03h20': Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố nguy cơ rò rỉ phóng xạ đối với người dân tại Nhật ở mức khá thấp. Trong khi đó, giới chức Nhật xếp tai nạn tại Fukushima I vào cấp 4 trên thang độ có 7 cấp, trong đó mô tả có rỏ rì phóng xạ ở mức độ nhỏ và có ít nhất một người thiệt mạng (Thảm hoạ Chernobyl xếp ở cấp độ 7).

 

6h00': Đến lượt hệ thống làm mát của lò phản ứng số 2 trong nhà máy Fukushima I gặp trục trặc. Công ty điện lực Tokyo cho biết họ sẽ phải tiếp tục cho thêm hơi nước bên trong lò thoát ra ngoài và như thế sẽ có thêm chất phóng xạ vào không khí. Các chuyên gia cũng bắt đầu cân nhắc bơm nước biển vào lò phản ứng này vừa để hạ nhiệt và cũng "tiêu diệt" luôn công trình tốn kém này.

 

8h30': Có tin báo đến lượt lò phản ứng số 3 của nhà máy Fukushima I đối mặt với nguy cơ tan chảy một phần hạt nhân và nồng độ phóng xạ bắt đầu tăng lên vượt quá mức cho phép an toàn. Sau đó giới chức Nhật cho rằng có thể sẽ còn xảy ra nổ, dù lõi hạt nhân của lò phản ứng vẫn an toàn và số phóng xạ rò rỉ không đe đoạ sức khoẻ cộng đồng.

 

19h00': Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhà máy điện hạt nhân khác của Nhật là Onagawa, nằm cách Fukushima I hơn 160 km về phía bắc. Nhưng sau đó cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản trấn an rằng hệ thống làm mát tại nhà máy Onagawa vẫn ổn, xóa bỏ lo ngại nhà máy này theo bước Fukushima I trở thành điểm nóng hạt nhân.

 

Thứ hai (14-3):

 

07h29': Công ty điện lực Tokyo báo cáo chính phủ về tình trạng mức độ phóng xạ gia tăng tại nhà máy Fukushima I.

 

11h11': Lần thứ hai nhà máy Fukushima I chứng kiến vụ nổ và lần này xảy ra tại lò phản ứng số 3 với cột khói trắng bốc cao. Truyền hình Nhật cho biết đây là vụ nổ do tích tụ khí hydro, trong khi cơ quan an toàn hạt nhân nước này không thể xác nhận vụ nổ này có dẫn tới rò rỉ phóng xạ không thể kiểm soát hay không. Công ty điện lực Tokyo khẳng định vụ nổ không làm hỏng lõi thép chứa lò phản ứng số 3.

 

12h43': Chánh văn phòng nội các Nhật Yukio Edano khẳng định không có khả năng xảy ra rò rỉ phóng xạ quy mô lớn từ lò phản ứng số 3 sau vụ nổ.

 

17h23': Nhật Bản cho biết đã làm nguội an toàn hai trong số các lò phản ứng tại nhà máy Fukushima I, trong khi vẫn vật lộn để làm mát các lò phản ứng còn lại đang quá nóng do hệ thống tự động bị hỏng.

 

6h10': Nhà máy Fukushima I tiếp tục chứng kiến vụ nổ thứ ba và lần này là lò phản ứng số 2, khiến 15 người bị thương cùng 190 người có khả năng bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức vượt quá an toàn cho phép. Các công nhân làm việc ở lò lập tức được sơ tán, trừ những người có nhiệm vụ bơm nước biển để làm nguội.

 

Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản cho biết sự kết hợp giữa khí hydro và oxy là nguyên nhân gây ra nổ và khẳng định vỏ bọc lò phản ứng không bị phá huỷ.

 

7h00': Hỏa hoạn xảy ra tại lò phản ứng số 4 nhà máy Fukushima I, sau 3 vụ nổ trước đó tại đây. Mức độ phóng xạ quanh nhà máy tăng vọt và được xác định có thể đe doạ đến sức khoẻ người dân. Thủ tướng Nhật Naoto Kan xác nhận sự kiện này và kêu gọi người dân sống trong bán kính 20 đến 30km cách nhà máy nên ở trong nhà đề phòng phơi nhiễm phóng xạ.

 

Trong khi đó, nhà máy Fukushima II cách Fukushima I khoảng 10km hiện chưa phát hiện sự cố gì, nhưng người dân sống xung quanh vẫn phải đi sơ tán. Trên toàn nước Nhật có 55 lò phản ứng hạt nhân thuộc 17 nhà máy điện, phân bố ở nhiều tỉnh khác nhau.

 

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên