Điện Biên Phủ trên không: Một dự báo tài tình của Bác

Cập nhật: 19-12-2012 | 00:00:00

Một trong những lựa chọn sáng suốt của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo ta lúc đó là theo đuổi chiến lược “vừa đánh, vừa đàm”.

Trước khi Mỹ mở chiến dịch Linebacker II tấn công ra miền Bắc năm 1972, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo ta lúc đó đã sớm dự đoán được âm mưu này của địch nên đã chuẩn bị kỹ lưỡng các giải pháp cả trên chiến trường và “mặt trận” ngoại giao đang diễn ra ở Paris.

>> Pháo đài bay B.52 - Át chủ bài gãy cánh

Một trong những lựa chọn sáng suốt của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo ta lúc đó là theo đuổi chiến lược “vừa đánh, vừa đàm”, lấy thắng lợi trên chiến trường để chiếm ưu thế trên bàn đàm phán ở Paris.

“Lời tiên đoán” kẻ địch sẽ thua

Vào buổi chiều 18-12 cách đây 40 năm, khi máy bay chở đoàn đồng chí Lê Đức Thọ từ Paris qua Moscow và Bắc Kinh về gần tới không phận Việt Nam, đồng chí Lê Đức Thọ đã bước tới buồng lái, thoáng lặng nhìn rồi thân mật hỏi: “Gia đình các cháu sơ tán ở đâu? Nếu sơ tán thì sơ tán càng xa càng tốt. Chưa yên đâu, còn căng thẳng đấy các cháu ạ”.

  Quang cảnh Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.Khi về tới nhà số 6 Nguyễn Cảnh Chân, chúng tôi đang chuyển hồ sơ, tài liệu vào tủ bảo mật và chuẩn bị về thăm gia đình như mọi khi, thì đồng chí Lê Đức Thọ tới dặn chúng tôi: “Tình hình như các cậu đã biết, nên bây giờ phải ở lại đây đã”. Khoảng 2 tiếng sau, B52 Mỹ đã rải bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác.

Lưới lửa phòng không của chiến tranh nhân dân đã giăng kín trời Hà Nội và các nơi khác. Quân và dân ta đã sẵn sàng đối mặt với B52 Mỹ. Một kế hoạch khả thi với những phương án độc đáo và sáng tạo đánh trả máy bay B52 ném bom Hà Nội đã được Đảng và Bác Hồ chỉ đạo chuẩn bị chu đáo từ trước.

Năm 1947, trong lời giới thiệu 13 chương Binh pháp Tôn Tử, Bác Hồ nhấn mạnh: “Muốn thành công thì phải biết trước mọi việc”. Cuối năm 1967, Bác Hồ đã nói với tướng Phùng Thế Tài, lúc này là Phó Tổng tham mưu trưởng, lời dự báo: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Chú nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Chớp thời cơ có một không hai

Chủ trương kết hợp đánh với đàm trong kháng chiến chống Mỹ đã được Bác Hồ và Đảng tính tới từ cuối năm 1965. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 của BCH TW khóa III, tháng 1-1967 khẳng định: “Chúng ta tiến công địch về ngoại giao bây giờ là đúng lúc vì ta đã và đang thắng địch, thế của ta là thế mạnh… Trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động…”.

Ngày 28-12-1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định kế hoạch Tổng tấn công mùa Xuân 1968. Lời chúc Tết của Bác đêm Giao thừa mùa Xuân 1968: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” - vừa là hiệu lệnh của cuộc Tổng tiến công này, vừa là tư tưởng chiến lược chỉ đạo kết hợp giữa đánh với đàm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1968 đã làm nhụt ý chí xâm lược của Mỹ và buộc Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố trên truyền hình ngày 31-3-1968 về việc Mỹ sẵn sàng đơn phương chấm dứt ném bom miền Bắc và chấp nhận thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 13-5-1968, Hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ chính thức họp phiên đầu tiên tại tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber ở Thủ đô Paris của Cộng hòa Pháp, mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”.

Mục tiêu trước mắt của ta là, tập trung vào khẩu hiệu đòi Mỹ chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 13-10-1968, Đoàn ta ở Paris nhận được chỉ thị của Bộ Chính trị mà nếu thực hiện theo thì có thể bỏ lỡ thời cơ buộc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và họp 4 bên.

Thấy tình thế rất phức tạp, có thể không kịp thời gian nếu trao đổi qua mật điện, nên sáng hôm sau, sau khi trao đổi kỹ trong Đoàn, đồng chí Lê Đức Thọ đã quyết định về ngay Hà Nội.

Ngày 16-10-1968, đồng chí về tới Hà Nội. Bộ Chính trị đã họp liên tục trong 3 ngày từ 17 đến 19-10 để nghe báo cáo và thảo luận về tình hình đàm phán ở Paris, cuối cùng đã thống nhất với nhận định của Đoàn ta ở Paris trước đó. Kết quả là Mỹ đã chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện vào ngày 31-10-1968 và sau đó tiến hành họp 4 bên. Đây là một thắng lợi bước đầu quan trọng của sự kết hợp đánh với đàm, có tác động hỗ trợ lớn cho chiến trường miền Nam.

Tấn công trên ba mặt trận

Từ tháng 3-1970, Bộ Chính trị đã quyết định đẩy mạnh tấn công trên 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao theo chỉ đạo của Bác Hồ: “Thực lực là cái chiêng - ngoại giao là cái tiếng. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi”. Thất bại trong cuộc tấn công của địch sang vùng Mỏ Vẹt ở Campuchia hòng “cất vó” Trung ương Cục miền Nam và phá hủy hậu cứ của ta (tháng 4-1970) và sự phá sản của cuộc hành quân Lam Sơn 719 sang đường 9 Nam Lào (tháng 2-1971) nhằm triệt phá đường chi viện huyết mạch của ta, đã làm tan vỡ một mảng lớn kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của Tổng thống Mỹ R.Ních-xơn, buộc Mỹ phải xuống thang, không đòi cả hai bên cùng rút quân nữa.

Sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Mỹ R.Nixon vào tháng 2-1972, ngày 22-3-1972, Mỹ tuyên bố ngừng họp Hội nghị Paris vô điều kiện. Ngày 30-3-1972, quân giải phóng miền Nam mở chiến dịch Xuân Hè tấn công địch từ Quảng Trị đến Tây nguyên và Đông Nam bộ.

Ngày 6-4-1972, Tổng thống Mỹ R.Nixon ra lệnh ném bom lại miền bắc Việt Nam. Sau chuyến thăm Moscow vào tháng 5-1972 của Tổng thống Mỹ Nixon, ngày 11-6-1972, đoàn Mỹ gửi công hàm cho đoàn ta ở Paris đề nghị nối lại cuộc gặp riêng vào ngày 28-6-1972.

Ta đã giải phóng được Quảng Trị và Lộc Ninh. Trên cơ sở đánh giá tương quan lực lượng, so sánh thế và lực giữa ta với địch trên chiến trường, quan hệ Mỹ - Xô - Trung và tình hình chính trị nội bộ nước Mỹ, Bộ Chính trị quyết định đã tới lúc có thể đi vào giải pháp ở đàm phán Paris. Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ sẵn sàng gặp riêng tiến sĩ Kít-xinh-giơ chậm nhất là ngày 15-7-1972.

Những cuộc gặp riêng căng thẳng

Từ ngày 19-7 tới đầu tháng 10-1972, các cuộc gặp riêng đã có những tiến triển khả quan. Trong phiên họp riêng kéo dài lâu nhất trong suốt gần 5 năm đàm phán, từ 9h30’ ngày 11-10-1972 tới gần 2 giờ sáng ngày hôm sau, nội dung Hiệp định về cơ bản đã được hai bên chấp nhận.

Trong thông điệp ngày 20-10-1972 gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng thống Mỹ R.Nixon đã xác nhận “văn bản Hiệp định coi như đã hoàn thành” và cam kết Hiệp định sẽ được chính thức ký kết ngày 31-10-1972 tại Paris. Kít-xinh-giơ thông báo với báo giới: “Hòa bình trong tầm tay”!

Tuy nhiên, đồng chí Lê Đức Thọ cũng đã dự kiến những diễn biến phức tạp do các nhân tố khách quan, trong đó có mối quan hệ Mỹ-ngụy. Đúng là phía Mỹ đã lật lọng, không thực hiện điều đã cam kết.

Ngày 22-10, Tổng thống R.Nixon lại gửi công hàm cho ta, nêu khó khăn với Nguyễn Văn Thiệu nên chưa có thể ký Hiệp định như đã thỏa thuận. Sau khi Tổng thống Nixon được tái cử ngày 7-11, trong cuộc họp ngày 23-10-1972, Kít-xinh-giơ đòi sửa lại 69 điều trong văn bản đã thỏa thuận.

Trong cuộc họp hẹp với Kít-xinh-giơ sáng 4-12-1972, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ nói: “Chúng tôi cũng đã dự tính là nếu không giải quyết được thì chiến tranh sẽ rất tàn khốc, có thể là các ông sẽ đem B-52 đánh bom ồ ạt đất nước chúng tôi… Chúng tôi đã chịu đựng hàng triệu tấn bom đạn của Mỹ, nhưng chúng tôi không hề khiếp sợ, chúng tôi không chịu khuất phục, không chịu làm nô lệ. Cho nên những lời đe dọa của các ông và việc các ông không giữ đúng lời hứa chỉ chứng tỏ các ông “không phải là những người đàm phán nghiêm chỉnh””.

Tới cuộc gặp riêng ngày 6-12-1972, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đề nghị: “Nếu sửa thì chỉ sửa một số chi tiết không thuộc thực chất và nguyên tắc; hai là hai bên đều sửa đổi. Đã sửa đổi thì bên này sửa lớn, bên kia cũng sửa lớn; bên này sửa nhỏ, bên kia cũng sửa nhỏ; không thể chỉ một bên sửa, một bên không sửa. Cứ như thế sửa đi, sửa lại mãi không thể hoàn thành được. Trong hai cách đó, phía Mỹ chọn cách nào tôi cũng sẵn sàng, nhưng chúng tôi cho rằng cách tốt nhất là cơ bản giữ hiệp định”. Đến phiên gặp riêng ngày 12-12-1972, chỉ còn hai vấn đề sẽ giải quyết bằng trao đổi công hàm: Cách ký văn kiện và vấn đề khu phi quân sự. Nhưng tới cuộc gặp riêng sáng hôm sau, ngoài hai vấn đề trong văn bản, quan điểm của hai bên trong các nghị định thư cũng xa nhau. Ngày 14-12-1972, Kít-xinh-giơ về Mỹ. Ngày hôm sau, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ rời Paris về Hà Nội.

Từ chiến thắng trên bầu trời Hà Nội đến thắng lợi ở Pa-ri

Đúng như dự báo của Bác Hồ, tối 18-12-1972, Mỹ đã dùng B52 không kích Hà Nội. Đồng thời cũng trong ngày hôm đó, Mỹ lại gửi công hàm tới Đoàn ta ở Paris đề nghị nối lại đàm phán sau ngày 26-12-1972.

Dùng B52 tấn công là “canh bạc” cuối cùng của Nixon. Hình ảnh “con bồ câu” của Nixon trong khi vận động tái tranh cử đã lộ nguyên hình “con diều hâu” hiếu chiến điên rồ sau khi vừa tái cử. R.Nixon và giới quân sự chóp bu Lầu Năm góc đã quá ảo tưởng về sức mạnh của pháo đài bay B52 “bất khả chiến bại”.

Đây là một chiến dịch đã được chuẩn bị sẵn từ trước với cái tên “Linebacker II”. Nhưng có một điều mà ông ta và các chiến lược gia Hoa Kỳ chưa biết rõ. Đó là Thăng Long địa linh, Thăng Long bất khuất và kiên cường đã chôn vùi nhiều mộng tưởng ngoại xâm.

Trong 12 ngày đêm của trận “Điện Biên Phủ trên không” ấy, đã có 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B52 và 5 chiếc F111, hàng chục giặc lái đã bị bắt.

Mưu đồ của R.Nixon nhằm khuất phục ý chí sắt đá của Hà Nội bằng tham vọng “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá” đã thất bại hoàn toàn. Mơ mộng của Kít-xinh-giơ về “Không lực của nước Mỹ… mạnh tới mức trong vấn đề Việt Nam từ "thất bại" không bao giờ thuộc về chúng ta” đã tan thành mây khói. R.Nixon cũng không còn gì để trấn an chính quyền Thiệu được nữa và nội bộ càng mâu thuẫn, rối ren. Dư luận thế giới phê phán và phản đối kịch liệt. Mỹ không còn lựa chọn nào khác là phải ngừng ném bom để quay lại bàn đàm phán.

Bộ Chính trị đã thảo luận suốt 3 ngày trong hầm nhà Rồng ở trong thành, nhiều ý kiến lật đi, lật lại, nhưng cuối cùng đã nhất trí cao với ý kiến do các đồng chí Lê Duẩn và Lê Đức Thọ đề xuất là phía ta nên gặp lại phía Mỹ để giải quyết vấn đề. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký tắt ngày 23-1-1973 và được ký chính thức ngày 27-1-1973 với nội dung cơ bản như dự thảo của ta chủ động đưa ra hồi tháng 10-1972.

Trong cuộc gặp mặt cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn tên lửa 77 Sư đoàn phòng không Hà Nội, Đại tá Trần Văn Giang, Chính ủy sư đoàn, thay mặt đơn vị chào mừng “lão tướng chiến thắng từ mặt trận ngoại giao trở về”. Đồng chí Lê Đức Thọ xua tay nói: “Không dám, không dám! Cán bộ, chiến sĩ phòng không không quân anh hùng mới chính là người chiến thắng. Không có chiến thắng B52 của các đồng chí trên bầu trời Hà Nội, làm gì có thắng lợi ở Hội nghị Paris. Chính chiến thắng đó đã buộc Mỹ ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973”...

                                                   Lưu Văn Lợi

Nguyên thư ký của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ

                                                  tại Hội nghị Paris.

Theo Quân đội nhân dân

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên