Diễn biến thị trường sau tết: Hàng hóa dồi dào, nguồn cung ổn định

Cập nhật: 18-02-2020 | 09:06:56

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bình Dương, hiện nay tại các chợ và siêu thị trên địa bàn tỉnh, trừ khẩu trang y tế và dung dịch rửa tay khô sát khuẩn còn thiếu, các mặt hàng thiết yếu khác vẫn ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Lực lượng chức năng kiểm tra mặt hàng khẩu trang y tế tại Siêu thị Big C (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: TIỂU MY

Nguồn cung ổn định

Từ ngày 12 đến 14-2, Sở Công thương đã chủ trì đoàn công tác đến nhiều địa phương, siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh để nắm tình hình chuẩn bị hàng hóa, sức mua và kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu. Qua kiểm tra, làm việc tại một số hệ thống phân phối lớn những mặt hàng thiết yếu và giá cả sau Tết Nguyên đán 2020 tại các nhà phân phối hàng đầu trên địa bàn tỉnh cho thấy nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, không có tình trạng khan hàng, tăng giá. Cụ thể, tại các siêu thị lớn như Co.opmart, Big C (TP.Thủ Dầu Một), Lotte (TP.Thuận An), Vinmart (TP. Dĩ An )… hàng hóa được bày bán rất nhiều trên các quầy kệ, từ thực phẩm ăn liền như mì, phở, miến, cháo, gia vị các loại đến gạo, nui, mì, thịt gia súc, thịt, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến.

Trong đợt kiểm tra, lãnh đạo các siêu thị cho hay những ngày qua do tâm lý người dân nên lượng hàng hóa, thực phẩm bán ra nhiều hơn bình thường là có, nhưng chủ yếu là đối với một số loại rau củ quả, thực phẩm và chỉ xảy ra cục bộ ở một vài khu vực, song giá cả vẫn ổn định như trước tết. Theo nhiều khách hàng, do lo ngại dịch bệnh và thiên tai nên nhiều người có tâm lý mua sắm dự trữ nhiều hơn so với những ngày bình thường. Tuy vậy, lo ngại dịch bệnh Covid-19 nên đa số đặt mua qua mạng (online) để hạn chế ra đường, đi lại, đến chỗ tập trung đông người.

Tại buổi làm việc mới đây, Sở Công thương đã đề nghị các doanh nghiệp báo cáo phương án dự trữ hàng hóa, đồng thời theo dõi sát khả năng cung cầu và sức mua trong giai đoạn dịch bệnh nhằm tạo sự ổn định chung trên thị trường. Hiện các hệ thống phân phối đã và đang chủ động hợp tác với nhà cung cấp, nhà vườn để ổn định về nguồn cung và giá bán. Theo ông Đường Bảo Khương, Phó Giám đốc Co.opmart Bình Dương, hàng hóa trong siêu thị luôn dồi dào nhưng sức mua hiện khá thấp. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của người dân đang được siêu thị bày bán khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ.

Tăng dự trữ, bình ổn giá

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho hay các doanh nghiệp đang thực hiện tốt công tác chuẩn bị và dự trữ hàng hóa thiết yếu theo đúng kế hoạch của tỉnh để ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong quý I-2020 tăng 20 - 30% so với sản lượng thực hiện cùng kỳ năm 2019, trong trường hợp dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng các doanh nghiệp đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng…

Cũng theo ông Bình, trong ngắn hạn, sở sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến cung - cầu đối với mặt hàng thực phẩm thiết yếu, chủ động xây dựng, đề xuất các phương án nhằm ổn định thị trường. Theo đó, sở phối hợp với các đơn vị chức năng cung cấp thông tin chính xác tình hình diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa; xử lý kịp thời những thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng. Sở cũng vận động, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất.

Trong dài hạn, sở mong muốn doanh nghiệp đầu mối chủ động làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho thị trường Bình Dương để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất, cung ứng hàng hóa; ký kết, tổ chức thu mua, bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp tăng cường liên kết, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, bảo đảm cung ứng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là xây dựng chuỗi cung ứng khẩu trang diệt khuẩn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Tới đây, sở cũng sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để nắm bắt về tình hình sản xuất nông sản thiết yếu, tình trạng hàng gian hàng giả, tăng giá bán… trên địa bàn để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh yêu cầu các nhà phân phối tăng dự trữ nguồn hàng và bình ổn giá, sở đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, sở cũng đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại tăng cường hình thức bán hàng trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt... tránh việc tụ tập đông người, bảo đảm vệ sinh dịch bệnh.

Ông Bình khuyến cáo mọi người cần là người tiêu dùng thông thái, hết sức bình tĩnh trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Các cấp, các ngành đã và đang nỗ lực vừa phòng chống dịch bệnh vừa bảo đảm hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân. Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, Sở Công thương sẽ kịp thời có kế hoạch để đáp ứng nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Do vậy, người dân không quá lo lắng dẫn đến việc tích trữ lương thực, thực phẩm không cần thiết, gây bất ổn thị trường.

Hiện nay, bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa, lãnh đạo các siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh đang thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Những biện pháp được các siêu thị áp dụng hiện nay là khử trùng toàn bộ khu vực siêu thị, trang bị khẩu trang cho nhân viên, gel rửa tay tại nhiều khu vực của siêu thị, phát loa truyền thông nội bộ trong khu vực siêu thị khuyến cáo về việc phòng chống dịch bệnh…

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết
Tags
Hàng hóa

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên