Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam năm 2020

Cập nhật: 22-07-2020 | 17:54:40

(BDO) Sáng 22-7 tại Hà Nội,  diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam năm 2020 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức. Dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Tham dự hội nghị có lãnh đạo cấp cao của các ban, bộ ngành Trung ương và 63 điểm cầu tại các địa phương, 26 điểm cầu tại 12 quốc gia trên thế giới, thu hút hơn 1.000 chuyên gia đầu ngành năng lượng trong nước và quốc tế. 

Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Trọng Nhân, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, huyện, thị, thành phố.


Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bình Dương

Diễn đàn đã triển khai Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đánh giá, trong ngành năng lượng, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 13% kể từ năm 2000 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8% cho đến năm 2030. Chính phủ ước tính công suất nguồn điện cần tăng từ 42 GW hiện nay lên 60 GW vào năm 2020 và 100 GW vào năm 2030. Để đáp ứng mục tiêu này, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5 GW công suất mới. Điều này đặt ra nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính. Từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 8-12 tỷ đô la Mỹ, cao hơn mức bình quân 8 tỷ đô la Mỹ/năm so với trước đây. Chính vì vậy, Nghị quyết 55/NQ-TW của Trung ương đã đưa ra nhiều nhiệm vụ ưu tiên như phát triển năng lượng sạch, giảm ô nhiễm môi trường do ngành năng lượng gây ra. Đây là những vấn đề cốt yếu để hoạch định các chính sách, biện pháp cụ thể cho kế hoạch phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2045. Nghị quyết này được đánh giá là bước đột phá mở ra thị trường năng lượng cạnh tranh thực sự của Việt Nam, được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhanh chóng hưởng ứng. 

Dịp này, các tập đoàn đầu tư, nhà thầu, ngân hàng và các bộ ngành, địa phương cũng đã ký kết hợp tác một số dự án tiêu biểu về năng lượng, đặc biệt là hợp tác về việc tài trợ 11.000 tỷ đồng giữa Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) và Tập đoàn Bamboo Capital thực hiện các dự án năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời và điện áp mái.

Chiều cùng ngày, đã diễn ra 4 phiên hội thảo chuyên đề, gồm: Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020; Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cho phát triển bền vững; Phát triển điện gió trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; Phát triển năng lượng mặt trời và các năng lượng mới trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam. 

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên