Điệp khúc trăm năm, một ngôi trường...

Cập nhật: 05-05-2010 | 00:00:00

Cuối một con dốc dài yên ắng là nhà thờ Lái Thiêu (thị trấn Lái Thiêu), Trung tâm (TT) Giáo dục trẻ khiếm thính thuộc phần đất của nhà thờ với lịch sử hình thành và phát triển hơn 100 năm, ngôi trường đặc biệt này vẫn luôn có một sức hút mãnh liệt. Sức hút từ những điệp khúc khá đặc biệt trong giao tiếp của các trẻ em câm điếc bẩm sinh; từ những bài giảng tận tụy của các giáo viên và từ tấm lòng ấm áp của các sơ ở nơi này.

Một “thế giới lặng”

 Hiện tại TT có đến 320 học sinh từ những lớp trước mẫu giáo đến phổ thông cơ sở, vậy mà ngôi trường vẫn luôn yên ắng dù các phòng học vẫn đang giờ lên lớp. Cả giờ chơi hoặc giờ cơm vẫn không có tiếng cười đùa trẻ con (bởi các em giao tiếp bằng ngôn ngữ riêng). Những đứa trẻ mặt mũi khá xinh xắn nhưng do bị khiếm thính từ lúc lọt lòng nên không nói được. Nhờ được đem đến TT nuôi dạy mà dần dà các em có thể giao tiếp được bằng cách... ra dấu. Mọi người lớn ở đây mỗi khi nói chuyện với các em cứ y như là... múa vậy, bằng những thao tác ngộ nghĩnh từ đôi bàn tay được lặp đi lặp lại trong im lặng. Tất cả tạo cho ngôi trường này một nét rất lạ với một chút cảm giác man mác buồn của khách viếng thăm.

 

Sơ Trịnh Thị Đào (Phó Giám đốc trung tâm) vào thăm lớp học

“Thế giới lặng” này được hình thành từ năm 1886 do linh mục Azêmar người Pháp sáng lập. Vì thấy trong giáo phận của mình có những người câm điếc cứ phải sống lầm lũi khép kín gần như không thể hòa nhập cộng đồng, cha Azêmar nghĩ ngay đến một lớp học nhằm để dạy cho những người câm điếc này khả năng giao tiếp và những kiến thức phổ thông để họ có được một cuộc sống bình thường hơn. Nhưng vị linh mục này không biết tiếng Việt nên đã cử thầy Nguyễn Văn Trường sang Pháp học chuyên khoa giáo dục ngành câm điếc 5 năm. Trở về Việt Nam sau khóa học, thầy Trường mở ngay một lớp dạy học cho các trẻ bị câm điếc tại nhà thờ Lái Thiêu.

Năm 1903, vì số lượng học sinh khiếm thính ngày càng tăng nên lớp học đặc biệt này đã được Dòng thánh Paolô tiếp nhận với sự chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo của các nữ tu. Năm 1975, Trung tâm Giáo dục trẻ khiếm thính được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận. Đến năm 1995 chuyển qua cho Bộ Giáo dục quản lý, trực thuộc ĐH Sư phạm TP.HCM. Từ đấy đến nay TT là một khoa chuyên ngành giáo dục trẻ câm điếc của ĐH Sư phạm TP.HCM với nhiệm vụ giáo dục, nuôi dưỡng trẻ khiếm thính. Khuyến khích các em cộng tác vào quá trình phục hồi chức năng nghe - nói, học nghề căn bản để có thể hòa nhập xã hội, có khả năng tự lập tạo dựng hạnh phúc. Đào tạo giáo viên chuyên ngành phục vụ trong các trường chuyên biệt và hòa nhập của các tỉnh, thành khắp cả nước.

Hơn trăm năm qua với nhiều “vật đổi sao dời” nhưng TT Giáo dục trẻ khiếm thính này vẫn tồn tại và phát triển trong một không gian khá im ắng và hiền hòa.

Nơi hội tụ những trái tim

 

Sơ Trịnh Thị Đào, Phó Giám đốc TT lo về chuyên môn, đào tạo cho biết: “Đa số trẻ học ở TT đều có độ điếc rất sâu nên mỗi em cần 15 phút mỗi ngày để tập nghe và tập nói. Song thực tế mỗi em chỉ được luyện nghe và nói 2 buổi/tuần (mỗi buổi 15 phút). Phương pháp này giúp cho các em chủ yếu là nghe được, hiểu được để từ đó các em tập nói theo, bập bẹ thôi chứ không được như những đứa trẻ bình thường khác và có thể nói bằng cách ra dấu”. Hiện TT có 36 giáo viên dạy văn hóa, 7 giáo viên dạy nghề (mộc, may, thêu, hớt tóc, vẽ, điện lạnh). Mỗi giáo viên dạy trung bình 21 tiết/tuần. Các nữ tu Dòng thánh Paolô đảm nhận những khâu quan trọng khác: kiểm tra độ điếc cho các em, vệ sinh y tế, hậu cần...

Dạy học đã là một nghề thanh cao và thanh bần, dạy trẻ khuyết tật càng vất vả khó khăn hơn vạn lần. Song, cả trăm năm qua, TT Giáo dục trẻ khiếm thính Thuận An vẫn không một ngày nào ngưng hoạt động. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, các sơ còn tổ chức cho các em dã hội, hoạt động văn nghệ thể thao. Sơ Trịnh Thị Đào tâm sự: “Cuộc sống vốn rất khó khăn nhưng các giáo viên ở đây vẫn rất yêu nghề, kiên trì dìu dắt các em bằng cả tấm lòng. Mỗi lần họp hội chúng tôi vẫn cảm ơn nhau vì sự gắn bó của mọi người với TT. Thấy được các trẻ khuyết tật dần được cộng đồng đón nhận, là một niềm hạnh phúc vô bờ!”.

TT không thu tiền học phí mà còn tài trợ cho mỗi em 100.000 đồng tiền ăn/tháng. Phụ huynh đóng thêm 200.000 đồng tiền ăn/tháng. Đó là lý thuyết còn trên thực tế nếu không phải là trẻ mồ côi thì các em xuất thân từ những gia đình lao động nghèo, phụ huynh không đủ khả năng hoặc ở quá xa (Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Hải Phòng...). Thế là TT phải cố gắng quán xuyến qua những chương trình tài trợ nhân đạo của xã hội. Từ năm 1994, TT tổ chức các khóa đào tạo giáo viên Cao đẳng Sư phạm Tật học, dưới sự chỉ đạo của ĐH Sư phạm TP.HCM. TT đã đóng góp 142 giáo viên Cao đẳng Tật học cho các tỉnh phía Nam và hiện nay chương trình đào tạo này vẫn đang tiếp tục phát triển.

Đến thăm các lớp học mới thấy dạy cho trẻ câm điếc đọc, viết, làm toán... là cả một kỳ công đáng nể. Trong phòng luyện kỹ năng nghe nói chỉ có một cô giáo và một học sinh. Cả hai ngồi trước một tấm gương to. Cô giáo đọc một câu rất ngắn “Con vịt kêu cạp cạp”, cô phải đọc đi đọc lại thật chậm nhiều lần thành một điệp khúc. Trẻ câm điếc nhìn vào gương để quan sát và nhờ vào máy trợ thính để nghe thì trẻ mới hiểu và ú ớ, bập bẹ kèm theo ngôn ngữ bằng tay của mình về kiến thức mới thu nạp được. Vạn sự khởi đầu nan, khi trẻ đã nạp được những kiến thức sơ đẳng ban đầu, nhìn được mặt chữ và viết theo được, hiểu được những gì mình biết thì các em có thể bước vào chương trình phổ thông.

Trái ngọt

Từ sự tận tụy của các sơ, các cô giáo ở TT mà các trẻ em câm điếc dần dà trưởng thành, có tri thức, có tài năng. Đa số các em viết chữ rất đẹp và có năng khiếu hội họa. Cán bộ, giáo viên TT rất hạnh phúc với thành tích của các học trò. Hùng và Hiệp hiện là hai họa sĩ chính vẽ quảng cáo cho Công ty Sữa Dutch Lady, Phạm Văn Tới là họa sĩ ở gốm sứ Minh Long, có những em làm ở công ty năng lượng mặt trời - khu công nghệ cao Quang Trung. Hiện đang có nhiều công ty ở Bình Dương gửi tài liệu tới để TT có chương trình hướng nghiệp cho các em với một đầu ra đầy hứa hẹn. Và, đã có rất nhiều em trưởng thành từ TT tìm được những công việc làm phù hợp, lập gia đình, sống bình thường và hạnh phúc. Có hai em mồ côi ở TT tiến tới hôn nhân và sinh được một trẻ nói và nghe bình thường!Được ví là “cái nôi” của ngành giáo dục trẻ câm điếc, TT Giáo dục trẻ khiếm thính Thuận An đã vượt qua bao khó khăn để hoàn thành thiên mệnh của mình. Sức mạnh của những trái tim nhân ái, sức mạnh của lòng tin và sự hỗ trợ tích cực từ các ban ngành, đoàn thể, điệp khúc trăm năm ở một ngôi trường dù rất yên lặng song đã đem đến cho cuộc đời quá nhiều hạnh phúc.

Ý NGUYỄN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên