Đình Tân An (xã Tân An, TX.TDM): Di tích lịch sử - văn hóa mang đậm phong cách Nam bộ

Cập nhật: 22-12-2010 | 00:00:00

Là một trong 27 di tích lịch sử cấp tỉnh của Bình Dương, đình Tân An (đình Bến Thế, thuộc ấp 1, xã Tân An, TX.TDM) níu chân du khách bởi phong cách đình làng của Việt Nam với cây đa hàng trăm tuổi quấn quýt chiếc cổng rêu phong... nên nơi đây đã được nhiều đoàn làm phim trong cả nước chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim.

  Cổng trước đình Tân AnTheo tài liệu của Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Bình Dương), đình được xây dựng để thờ sắc Tương An Thành Hoàng Chi Thần (hiện nay đình vẫn còn lưu giữ sắc phong của vua Tự Đức ban vào năm 1853). Đó là vào khoảng năm 1820, ngôi đình được người dân 4 xã (gồm Tương Hiệp, Tương An, Tương Hòa và Cầu Định) đứng ra xây dựng để thờ ông Tiền Quân Cơ - Nguyễn Văn Thành - một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn, lúc đó đình có tên là Tương An miếu... Đến những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình còn là địa điểm hoạt động Cách mạng của quân và dân địa phương. Trải qua nhiều lần sửa chữa, đình vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Hiện nay, ngoài thờ thần Thành Hoàng, trong đình còn thờ cả ảnh Bác Hồ. Đình được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 2-6-2004.

Đình Tân An được xây dựng trên một khuôn viên rộng rãi với cảnh quan thiên nhiên yên tĩnh và mái ngói rêu phong như càng tôn thêm nét cổ kính của ngôi đình. Hiện nay, cảnh quan chung quanh đình được bảo tồn rất tốt. Khuôn viên của đình được ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào kẽm gai. Đình có 3 cổng: hai cổng nhỏ (xây theo kiểu cổ lầu) ở hai bên tường bao quanh di tích, có một cổng bên trên có cây đa mọc và rễ của nó bao trùm lên trông rất đẹp. Từ ngoài cổng bước vào là khu rừng quanh năm xanh tốt với nhiều loại gỗ quý như: gõ, sao, cám, dầu... Bởi thế, nơi đây được nhiều người chọn làm điểm sinh hoạt dã ngoại lý tưởng vào mùa hè. Qua khỏi khu rừng là cổng tam quan dẫn vào bên trong ngôi đình. Điều ấn tượng đầu tiên là ngôi đình này có rất nhiều cột, có khoảng 40 cây cột gỗ vuông (chưa kể 30 cây cột đúc bằng vôi gạch hai bên hành lang), các cột gỗ này và cả khung sườn của ngôi đình đều làm bằng gỗ sao. Hiện nay, các cột gỗ này còn rất chắc chắn. Trên các cột và trước các áng thờ đều có treo các bức hoành phi, liễn đối viết bằng chữ Hán rất có giá trị cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa. Các bao lam, tủ thờ, tượng thờ, khánh thờ được chạm cẩn công phu, tỉ mỉ, đã thể hiện trình độ tay nghề tinh xảo của các nghệ nhân lúc bấy giờ.

Ngoài lưu giữ những giá trị về mặt lịch sử văn hóa, đình Tân An còn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân địa phương và trong vùng vào ngày rằm tháng 11 (âm lịch) hàng năm. 3 năm đáo lệ một lần (chánh tế) thì tổ chức lễ hội lớn (từ ngày 14 - 16). Những năm gần đây, nhiều cô dâu chú rể đã chọn phong cảnh đậm chất quê hương Nam bộ nhưng không kém phần lãng mạn của đình Tân An để lưu giữ trong những bộ ảnh kỷ niệm ngày hạnh phúc của mình. Theo Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh, thực hiện Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương từ năm 2011 đến 2015 và định hướng đến năm 2020”, đình Tân An sẽ là một trong những di tích cấp tỉnh được tập trung trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp cùng với các di tích khác ở TX.TDM như đình Phú Cường - Phú Thọ, đình Tương Bình Hiệp, nhà cổ Nguyễn Tri Quan, trường Mỹ thuật...

BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên