Đồ trang sức được phát hiện trong các di tích khảo cổ

Cập nhật: 29-11-2014 | 10:15:05

Trang sức là một loại hình di vật đặc biệt, không chỉ với mục đích làm đẹp cho con người mà còn biểu thị trình độ thẩm mỹ và kỹ thuật chế tác. Đồ trang sức được sử dụng với ý nghĩa là chỉ dấu tình trạng cá nhân, vật hộ mệnh, biểu hiện sự tôn quý, khẳng định quyền lực và sự giàu có của chủ nhân, phục vụ đời sống tôn giáo, tín ngưỡng... Từ thời Tiền - Sơ sử, cư dân vùng đất Bình Dương đã biết chế tác và sử dụng đồ trang sức. Những đồ trang sức đã được phát hiện trong các di tích khảo cổ nơi đây đa dạng về loại hình và được chế tác từ nhiều chất liệu khác nhau.

Vòng tay bằng đá

Trong các di tích khảo cổ đã khai quật ở Bình Dương đều thu được khá nhiều hiện vật trang sức bằng đá (Dốc Chùa 54 hiện vật, Cù lao Rùa 41 hiện vật và Mỹ Lộc 21 hiện vật). Đồ trang sức ở đây chủ yếu là các loại hình vòng đeo tay bằng đá, phác vật vòng tay, một số hạt chuỗi trong lớp văn hóa muộn ở di tích Dốc Chùa. Có hai loại hình vòng đeo tay phổ biến trong các di tích: Vòng đeo tay tiết diện hình chữ D và vòng đeo tay tiết diện hình tam giác, ngoài ra còn một số ít vòng tiết diện hình vuông trong di tích Cù lao Rùa. Chất liệu để chế tác ra các loại vòng đeo tay là từ các loại đá màu xám vàng, màu xám nhạt, màu xám xanh, màu nâu vàng, sa thạch xám, sa thạch xám nâu, đá phiến.

Vòng tay đá trong di tích Dốc Chùa

Vòng tay được chế tác theo quy trình nhất định. Ban đầu người ta áp dụng kỹ thuật ghè tách để tạo phác vật ban đầu, ghè chấm để định dạng phiến đá cần khoan và đục xuyên tâm hoặc khoan tách lõi để chế tác vòng. Bước cuối cùng trong công đoạn hoàn thiện là việc mài bóng toàn thân để tạo tính thẩm mỹ cho đồ vật.

Hạt chuỗi đá

Các hạt chuỗi đá đều tìm được trong di tích khảo cổ học Dốc Chùa. Có 8 hiện vật, trong đó có bốn hạt phát hiện trong mộ, bốn hạt trong di tích cư trú. Hạt chuỗi có dạng hình trái xoan, chế tác từ loại đá cứng màu xám, toàn thân mài nhẵn, hai đầu mài vát lỗ xuyên trục dọc, có đường kính to ở hai đầu và nhỏ ở giữa do sử dụng kỹ thuật khoan từ hai đầu vào. Hạt lớn nhất có đường kính 2,0cm; dài 2,8cm. Hạt nhỏ nhất có đường kính 1,0cm; dài 1,5cm.

Hạt chuỗi đá phát hiện trong di tích Dốc Chùa

Hạt chuỗi đá màu hồng: hai hiện vật, được tìm thấy trong mộ 12 (M12), có dạng hình cầu dẹt hai đầu, làm từ loại đá màu hồng, trong suốt, toàn thân mài nhẵn bóng. Lỗ xuyên trục nhỏ, được khoan từ hai đầu vào. Kích thước dài 0,9cm; đường kính 1,2cm.

Hạt chuỗi đá màu mận chín: sáu hiện vật, được tìm thấy trong M12, được làm từ loại đá màu mận chín, thân được mài nhẵn bóng nhưng còn vết lõm tự nhiên. Các hạt chuỗi có kích thước gần bằng nhau, có dạng hình trái xoan, nhưng thân không tròn mà dẹt. Người xưa đã chọn những viên đá quý cùng kích thước, mài nhẵn bóng những chỗ lồi rồi khoan lỗ xâu dây đeo. Kích thước dài 1,1cm; rộng 1,0cm.

Hạt chuỗi thủy tinh

Có ba hiện vật, được phát hiện trong mộ tại di tích Dốc Chùa. Chế tác từ thủy tinh màu xanh trong, có lẫn bọt không khí. Hạt chuỗi có dạng hình thoi, hai đầu bằng, mặt cắt ngang hình lục giác đều, lỗ xuyên trục thẳng, rộng đều nhau. Điều này chứng tỏ hạt chuỗi được sản xuất bằng phương pháp thổi thủy tinh. Hạt lớn còn nguyên, màu xanh da trời, hai hạt nhỏ hơn kích thước bằng nhau, màu xanh nước biển, một hạt bị vỡ đôi, hạt còn lại bị sứt một đầu. Về kích thước, hạt lớn dài 2,6cm; đường kính 1,6cm, hạt nhỏ dài 1,9cm; đường kính 1,3cm.

Hạt chuỗi thủy tinh phát hiện trong di tích Dốc Chùa

Ngoài những hiện vật trang sức bằng chất liệu đá và thủy tinh, các cuộc khai quật trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng tìm thấy những hiện vật trang sức được chế tác bằng chất liệu kim loại.

Vòng đồng

Chỉ còn hai mảnh vỡ, được phát hiện trong M3 ở di tích Dốc Chùa. Vòng có cấu tạo khá đơn giản, tạo hình từ một thỏi đồng, có tiết diện hình bán nguyệt, được uốn tròn, mặt ngoài vòng bị phủ lớp oxyde đồng màu xám sẫm. Kích thước: đường kính ngoài 6,0cm; đường kính trong 5,0cm; rộng 1,8cm.

Gương đồng

Là loại hình di vật tương đối hiếm trong các di tích khảo cổ ở Đông Nam bộ. Riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương mới chỉ phát hiện một tiêu bản tại di tích Phú Chánh.

Gương đồng được phát hiện vào năm 1998 cùng với trống đồng Phú Chánh II. Gương có dạng hình tròn, một mặt nhẵn láng dùng để soi ảnh, mặt còn lại trang trí hoa văn. Mặt soi láng bóng, nhưng do ngâm lâu ngày trong bùn đất nên lớp mặt soi bị bong tróc gần hết chỉ còn loang lổ như đốm da báo. Mặt soi không phẳng mà hơi cong. Ở mặt bên phần chính giữa gương là một núm tròn nổi khá cao có lỗ xuyên ngang, núm tròn có đường kính rộng 1cm, nổi cao khoảng 0,9cm. Quanh núm là một vành tròn nổi để trơn, vành đai này rộng 0,3cm, đường kính khoảng 3cm. Từ vành đai trơn trở ra đường rìa biên có ba đường hoa văn. Vành 1 và vành 3 rộng 0,3cm là các vành có những đường gạch chéo song song và cách đều nhau, các vành văn gạch chéo hơi lõm xuống kiểu lòng máng, đường kính lớn nhất là 3,5cm và 7,5cm. Vành 2 rộng 1,3cm là vành có bốn núm tròn là tâm điểm của bốn vòng tròn nhỏ đường kính 0,6cm, nằm cách đều nhau rất cân xứng qua núm tròn ở tâm gương. Ở các khoảng giữa bốn núm tròn nổi là hình bốn chữ S với một đầu uốn cong (có người gọi các hình chữ S này là hình giản hóa của bốn con ly), với hình chim đậu ở trong khoảng trống gần bụng các chữ S, cùng các vòng tròn nhỏ ở hai bên chim đậu. Toàn bộ vành 2 có đường kính rộng 6,5cm, được khống chế bởi hai đường chỉ nổi, các núm tròn nổi khoảng 0,5cm. Gương Phú Chánh thuộc cỡ nhỏ và trung bình, có đường biên trơn rộng, với đường kính 10,6cm, dày 0,6cm, bị rỉ xanh với vành đen do ngâm lâu ngày trong bùn đất, độ dày nhất ở biên đo được 0,5cm, phần giữa mỏng nhất từ 0,1cm đến 0,2cm. Lưng trang trí hoa văn và mặt soi hơi cong. Xen kẽ 4 núm tròn cách đều nhau qua tâm gương là những hình chữ S với một đầu lượn cong mạnh. Đây là mô típ cách điệu hóa hình của 4 con ly nên còn được gọi là gương “Tứ nhũ - tứ ly”.

Gương đồng phát hiện trong di tích Phú Chánh

Nhẫn vàng

Là hiện vật được phát hiện trong mộ tại di tích Phú Chánh, có dạng hình tròn với mặt nhẫn hình thoi. Trên bề mặt nhẫn có khắc chìm hai hình thoi với các đoạn ngắn nối nhau. Hai mặt hình thoi này khớp nhau, bên trong chúng có hình hai ngọn lửa. Hai bên có cấu tạo ngấn nổi đối xứng nhau. Đây là một hiện vật hiếm gặp trong các di tích khảo cổ ở miền Đông Nam bộ và Bình Dương. Nhẫn có đường kính 1,5 - 1,6cm; dày 0,8cm; mặt nhẫn rộng 1,0cm; nhẫn có trọng lượng 1,329 chỉ với độ tuổi 96,11%...

Nhẫn vàng phát hiện trong di tích Phú Chánh

Có thể nói rằng, nghệ thuật chế tác đồ trang sức của người cổ Bình Dương đã đạt những thành tựu nhất định, phản ánh trình độ văn hóa, thẩm mỹ, kỹ thuật điêu luyện của những chủ nhân xưa của vùng đất này. Những món đồ trang sức của người Bình Dương xưa chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và văn hóa.

BÌNH CÔNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên