Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Đoàn B90 - C200 và nhiệm vụ khai thông đoạn cuối đường Hồ Chí Minh lịch sử

Thứ hai, ngày 28/05/2012
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Thời kỳ trước năm 1959, phong trào cách mạng miền Nam gặp rất nhiều khó khăn, Mỹ - Diệm ra sức đánh phá ác liệt, trả thù những người kháng chiến, mở nhiều cuộc càn quét, tố cộng, giết hại những chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước. Đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật, lê máy chém đi khắp nơi, không có nơi nào là không có cảnh đầu rơi máu chảy. Trước tình hình đó, sự chi viện từ hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam nói chung và Nam bộ nói riêng vô cùng cấp bách. Ngày 25-5-1959, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chính thức thành lập Đoàn B90, làm nhiệm vụ bí mật vào Nam, cùng với đơn vị tại chỗ xây dựng cơ sở, soi mở hai tuyến đường phía đông và phía tây từ Nam Tây nguyên vào Đông Nam bộ. Cũng thời gian ấy, Xứ ủy Nam bộ thành lập đơn vị C200 làm nhiệm vụ bí mật soi đường từ Mã Đà chiến khu Đ ra Nam Tây nguyên bắt liên lạc với cánh phía đông của B90 từ Nam Tây nguyên mở vào và đơn vị C270 từ Phước Long mở ra vùng 3 biên giới tìm bắt liên lạc với cánh phía tây của B90 nhằm nối thông hành lang chiến lược từ miền Bắc đến tận chiến trường Nam bộ để Trung ương tổ chức chi viện sức người, sức của kịp thời cho cách mạng miền Nam.

Quân số Đoàn B90 gồm 25 đồng chí, là những đồng chí có quyết tâm cao, có nhiều năm công tác ở chiến trường rừng núi Tây nguyên do đồng chí Trần Quang Sang (Ba Phước) làm Trưởng đoàn. Ngày 20-6-1959, Đoàn B90 lên đường. Qua 120 ngày, đoàn đã vượt Trường Sơn đến nam Đắc Lắc. Sau khi sắp xếp tổ chức cho phù hợp với tình hình cụ thể, đầu tháng 12-1959, tất cả các đơn vị đều triển khai thực hiện nhiệm vụ từ Nam Tây nguyên mở vào và Đông Nam bộ mở ra. Trong khoảng thời gian gần 1 năm thực hiện nhiệm vụ, các mũi soi mở đường đã phải vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại: chiến trường xa lạ, rừng núi hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đời sống khó khăn... có đội hết lương thực phải ăn củ nần, măng rừng, bột xà-bu thay cơm; có đồng chí bị sốt rét hành hạ vẫn phải hành quân và... có những người đã vĩnh viễn nằm lại trên đường, chưa kịp đến được điểm hẹn. Các đồng chí Trần Văn Thời (liệt sĩ đầu tiên của B90 đã hy sinh khi vượt sông tìm bắt liên lạc với cánh phía nam nhưng không thành), Lê Văn Ai, Hoàng Thành Danh, Nguyễn Văn Bình và K’Pah Ngãi hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

Sau nhiều gian khổ, hy sinh và những chuyến móc nối không thành, cuối cùng, chiều ngày 30-10-1960 tổ mở đường cánh phía đông của B90 gồm các đồng chí Phạm Văn Lạc, Phạm Văn Nhường và Hoàng Minh Đỏ đã móc ráp thành công với tổ mở đường của C200 có các đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Hồ Minh Tư và Huỳnh Văn Cột tại Vàm Đak Rtyh, nay thuộc tỉnh Đắc Nông.

Ông Nguyễn Thành Tâm (Đoàn C200) kể lại: tổ của ông gồm 3 người do ông làm tổ trưởng và 2 đồng chí Hồ Minh Tư, Huỳnh Văn Cột được lệnh bám sát bờ sông khu vực vàm Đak Rtyh để bắt liên lạc với tổ mở đường của B90. Sau 5 ngày đêm tìm dấu vết nhưng không có kết quả, lương thực thì đã hết nên cả tổ quyết định quay về trạm chỉ huy đoàn. Trong lúc đó có một chi tiết may mắn là tổ của ông câu được một con cá lóc nặng gần 2kg, đã tạm lo cái đói bữa chiều nên ông quyết định ở lại thêm một đêm nữa. Lúc ông và ông Huỳnh Văn Cột đang nằm trên võng, ông Minh Tư đang nướng cá cho bữa chiều thì bỗng nghe có tiếng lồ ô khua lốp rốp, 3 người vội chụp lấy súng, lên đạn hướng về phía có tiếng động. Có tiếng người la lớn “Đừng bắn, anh em mình đây!” và sau câu khẩu lệnh bắt liên lạc, tất cả cảm xúc đã vỡ òa, niềm vui, sự xúc động của những người đồng chí ở hai miền Nam - Bắc sau bao ngày chờ đợi đã gặp nhau. Cảm xúc thật không sao nói hết được và họ đã ôm nhau khóc!

Sau đó, đến ngày 4-11-1960, tại cây số 4 trên đường Đak Song đi Gia Nghĩa, tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắc Nông) cánh phía tây B90 tiếp tục bắt được liên lạc với đơn vị C270 từ Đông Nam bộ lên. Như vậy, đoạn cuối của đường Hồ Chí Minh đã được khai thông, nối liền từ miền Bắc đến chiến trường Nam bộ. Từ đó, con đường như dòng nước chảy liên tục ngày đêm, với hàng ngàn đoàn cán bộ, chiến sĩ vào Nam đánh Mỹ chiến đấu giải phóng đất nước.

ĐỨC LÊ