Đoàn Đặc công B29 anh hùng

Cập nhật: 06-02-2010 | 00:00:00

Lính đặc công B29 thời bình

Những ngày cuối năm, giáp tết cổ truyền, có dịp được ghé thăm Đoàn Đặc công B29, chúng tôi mới hiểu được phần nào sự vất vả gian khổ của những người lính đặc công hôm nay. Đơn vị đầu tiên mà chúng tôi được giới thiệu tham quan trong giờ huấn luyện chính là Đội trinh sát (nay là Đội 21), một trong những tập thể của đoàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

( Kỳ trước )

Tập luyện vượt hàng rào dây thép gai tiếp cận mục tiêu (ảnh: THẾ ANH)

Như “ từ trên trời rơi xuống”

Vừa dứt khẩu lệnh của người chỉ huy, từng tốp chiến sĩ nhanh chóng vượt qua 3 lớp hàng rào dây thép gai. Sử dụng thiết bị chuyên dụng lọt qua lớp dây điện trần giăng kín trên bờ tường, họ bủa vây sát chân tường một tòa nhà cao tầng. Thực hiện kỹ thuật “3 chắc, 1 di”, từng người một bám vào dây chống sét và ống nước leo lên tầng thượng. Một tốp khác mau lẹ dùng sào bật mình vào tường nhà, leo lên tầng hai. Trên lưng họ luôn mang theo vũ khí trang bị với trọng lượng trên 10kg. Từ trên sân thượng, tốp chiến sĩ “đổ treo” bằng dây leo, bung mình nhảy xuống đạp vỡ kính cửa sổ, xông vào phòng ở tầng 3. Cùng lúc đó một tổ đã ém sẵn dưới tầng 2 nhanh chóng lao lên tầng 3 đạp cửa xông vào phối hợp cùng với tốp chiến sĩ kia tiêu diệt bọn cầm đầu...

Đó là giờ tập luyện kỹ thuật - chiến thuật đột nhập nhà cao tầng của các chiến sĩ trinh sát Đội 21 (Đoàn Đặc công B29) để tiêu diệt các đối tượng, giải thoát con tin. Thượng úy Vũ Thế Anh (chính trị viên Đội 21) cho biết: “Để có đủ khả năng làm nhiệm vụ “dự bị” cho lực lượng CKB của đoàn, lính trinh sát phải thường xuyên luyện tập (võ chiến đấu, kỹ thuật “đổ treo”, leo trèo nhà cao tầng, tiềm nhập điều tra mục tiêu, chống không tặc, giải thoát con tin ở nhà hàng, khách sạn...) với cường độ cao trên nhiều địa hình hiểm trở, phức tạp. Không chỉ luyện tập ban ngày mà ngay cả ban đêm, lính trinh sát cũng miệt mài trên thao trường để nâng cao trình độ kỹ chiến thuật và rèn luyện sức khỏe thích hợp trong mọi điều kiện thời tiết, địa hình...”.

Thiếu úy Đỗ Văn Dự, chiến đấu viên (CĐV) Đội 21 cho biết: “Với nội dung leo trèo nhà cao tầng bằng kỹ thuật đẩy sào thì người học không những phải có sức khỏe dẻo dai mà còn phải khéo léo với tư thế tay kẹp sào sát nách, chân đạp vào tường để người tạo thành một góc 90 độ rồi nhẹ nhàng bật người lên vị trí”. Với kỹ thuật “đổ treo”, thiếu úy Nguyễn Đình Kiên (CĐV Đội 21) bật mí: “Đây là một trong những kỹ thuật khó, nếu sức khỏe không tốt, tâm lý không vững thì hai tay sẽ cứng lại không “nhả phanh” từ bộ hãm được khiến người học “hạ cánh” sẽ không trúng đích mà còn có thể bị... treo lơ lửng. Vì vậy, người học phải có bản lĩnh, tâm lý bình tĩnh thì hai tay mới “ra, vào” phanh hãm nhịp nhàng được”.Kiến thức + Mưu trí + kinh nghiệm = Thành công

Để định hướng trên thực địa và trinh sát địa hình chính xác, lính trinh sát phải biết kết hợp kiến thức chuyên ngành với kinh nghiệm thực tế và dân gian cùng với sự mưu trí để tìm ra những “con đường” ngắn nhất, an toàn nhất cho đơn vị mỗi khi đi diễn tập hay hành quân dã ngoại qua nhiều địa hình phức tạp.

Tập luyện leo trèo nhà cao tầng tiêu diệt địch

Có nhiều khi trên bản đồ thể hiện ao, hồ nhưng khi các anh đi thực tế đến nơi thì chẳng thấy hồ, ao đâu mà chỉ thấy một vườn cây cao su đã xanh tốt. Vậy là những cái đầu của trinh sát viên (TSV) lại căng ra để “phán đoán” vị trí. Có khi cắt góc phương vị qua nhà dân, người ta không cho đi qua vườn trái cây sắp đến kỳ thu hoạch, vậy là các TSV lại phải vận dụng hết khả năng “công tác dân vận” để hoàn thành nhiệm vụ. Làm thế nào để định hướng trên thực địa chính xác? Trung úy Hồ Thành Đồng (Phó Đội trưởng Đội 21) cho biết: “Đúng là “sai một li đi một dặm” nếu như các TSV định hướng sai hoặc mất phương hướng sẽ dẫn đến thất bại hoàn toàn cho dù ta có ưu thế hơn hẳn đối phương. Do đó người chỉ huy phải biết định hướng nhanh chóng và chính xác trên mọi địa hình thì mới ra mệnh lệnh “chiến đấu” đúng và kịp thời được”.

Thực hành trinh sát địa hình, tiếp cận mục tiêu (ảnh :THẾ ANH)

Theo các TSV, có rất nhiều phương pháp để định hướng trên thực địa: định hướng theo bản đồ, theo vật chuẩn và địa bàn. Thiếu úy Nguyễn Văn Hà (CĐV Đội 21) bật mí cho biết phương pháp định hướng đơn giản nhất là theo mặt trăng, sao Bắc đẩu, mặt trời và đồng hồ: Sao Bắc đẩu luôn luôn ở phương Bắc (độ lệch tối đa không quá 3 độ). Mặt trăng khi tròn sẽ ở phía Đông (lúc 18 giờ), ở phía Nam (lúc 24 giờ) và ở phía Tây (lúc 6 giờ). Mặt trời luôn ở đúng phương Nam lúc 12 giờ và nó xoay quanh trái đất một vòng là 360 độ, còn kim đồng hồ thì trong 24 giờ sẽ xoay hai vòng là 720 độ. Dó đó, vận tốc góc xoay của mặt trời là 15 độ/giờ và bằng 1/2 vận tốc xoay kim đồng hồ. Chẳng hạn, vào lúc 10 giờ sáng, mặt trời còn cách phương Nam một góc là: 15 độ x 12 giờ hoặc 10 giờ = 30 độ. Thiếu úy Kiên cho biết thêm, khi cần thiết cũng có thể xác định hướng theo các đặc điểm địa vật (nhưng độ tin cậy không cao): Vỏ cây phía Bắc thô và dày hơn phía Nam; kiến thường làm tổ ở phía Nam cây nhiều hơn phía Bắc; nhựa thông chảy ra ở bên thân cây phía Nam nhiều hơn phía Bắc...

Đại úy Phan Văn Hồng (Đội trưởng Đội 21) tâm sự: “Đã là lính trinh sát thì không thể không biết “trinh sát địa hình”. Vì đó là phần việc không thể thiếu được của trinh sát chiến thuật, sẽ cung cấp cho người chỉ huy đơn vị các số liệu địa hình cần thiết. Từ đó, người chỉ huy xây dựng quyết tâm chiến đấu và quyết định hình thức tác chiến thích hợp để dành thắng lợi...”.

Trong đợt diễn tập vòng tổng hợp cuối năm vừa qua, Đoàn Đặc công B29 được Binh chủng đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó Đội 21 đóng góp một phần không nhỏ vào kết quả ấy. “Khi trinh sát gặp một chiếc cầu, cũng phải xác định chiều dài, bề rộng, trọng tải và tình trạng của nó như thế nào? Khi qua rừng cây, phải xác định các tuyến đường xuyên rừng, tuyến đường khai thác gỗ, khu vực bị chặt phá, các bãi trống, khu vực cây bị đổ, khu vực rừng mới trồng, các hướng có thể vận động trong rừng không cần đường và phương vị những hướng đó...”, đại úy Hồng cho biết.

Khi trinh sát sông ngòi, ngoài việc xác định chiều rộng, độ sâu, chất đất đáy sông, các TSV phải tính được vận tốc dòng chảy. Trung úy Đồng cho biết: “Có thể xác định vận tốc dòng chảy bằng mắt thường hoặc xác định bằng cách thả vật nổi (mẩu gỗ, lá cây...) theo dòng chảy. Dùng bước chân ước tính độ dài trên bờ sông, khi đó thời gian trôi của vật nổi trên một đoạn sông (đã ước tính) được xác định nhờ đồng hồ. Sau đó sử dụng công thức vật lý (v= d/t, trong đó: v là vận tốc dòng chảy; d là độ dài quãng sông trôi, t là thời gian trôi của vật nổi) để xác định vận tốc dòng chảy”.

Chứng kiến các anh thực hành nhiệm vụ mới thấy hết được sự vất vả cũng như tài mưu trí của lính trinh sát đặc công hôm nay. Đúng như đại tá Nguyễn Văn Quynh (Phó Đoàn trưởng Tham mưu trưởng Đoàn Đặc công B29) nhận xét: “Là đơn vị được giao nhiệm vụ “sẵn sàng chiến đấu trước” nên đội trinh sát có nhiệm vụ rất nặng nề. Vừa phải nắm chắc chuyên ngành trinh sát, vừa phải thuần thục các nội dung huấn luyện A2 và CKB, do đó các chiến sĩ và CĐV được tuyển chọn rất kỹ càng để biên chế về Đội 21. Các năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đội 21 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đoàn vững mạnh toàn diện”. (Còn tiếp).

BĂNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên