Đoàn Đặc công B29 anh hùng

Cập nhật: 08-02-2010 | 00:00:00

“Cá - nước” thời bình

Ở bất kỳ giai đoạn nào, thời chiến hay thời bình, những người lính đặc công cũng đều từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Chính vì vậy, các anh không chỉ tinh thông trong huấn luyện, thuần thục kỹ chiến thuật, tâm lý vững vàng để vượt qua mọi khó khăn thử thách mà các anh còn rất giỏi trong công tác dân vận. Những nơi các anh đi qua đều để lại bao tình cảm thân thương trìu mến từ người dân...

Quân y Đoàn Đặc công B29 tổ chức khám chữa bệnh cho các gia đình chính sách tại xã Tân Hiệp, huyện Ohú Giáo (ảnh MẠNH HÙNG)

Khóm mai tình nghĩa

Một sáng chủ nhật đầu năm mới, chúng tôi đến với Đoàn Đặc công B29. Dọc đường ĐT741 những khóm mai ra nụ sớm trước nhà dân nhè nhẹ đung đưa trong gió. Ngay cổng doanh trại, một tốp chiến sĩ đang khiêng một gốc mai to chúm chím nụ. Tôi hỏi một chiến sĩ có tên Vũ Dũng in trên ngực áo về gốc mai. Cậu ta giơ tay chào rất... lính và bật mí: “Bác Năm bên Phước Hòa (huyện Phú Giáo) tặng cho “mũi” em đấy. Lần trước, bọn em đi dân vận bên đó, bác ấy bảo cuối năm sẽ tặng chúng em một gốc mai to nhất. Không ngờ bác Năm làm thật. Sáng nay bác Năm thuê xe ba gác chở sang tặng “mũi” chúng em...”. Nói xong, chàng binh nhất Vũ Dũng cười thích thú phô hàm răng trắng đều tăm tắp.

Cũng phấn khởi không kém, thượng úy Lê Dũng hồ hởi: “Lần trước phân đội em đi “dân vận” ở ấp Bàu Cỏ, xã Phước Hòa. Cứ vào ngày nghỉ hoặc ban đêm là chúng em lại sắp xếp thời gian để chỉ dạy cho tổ dân quân phương pháp học luyện quân sự. Gia đình anh Phạm Văn Minh trong ấp đã dành hẳn một căn nhà cho phân đội của bọn em ở. Hàng tuần anh Minh và bà mẹ gần 70 tuổi có nhà ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) đều đánh xe về thăm, cho quà bọn em. Không nhận thì anh và mẹ buồn, mà nhận thì ngại quá. Rồi mẹ ở lại một tuần chơi. Mẹ tâm sự: “Má chẳng còn sống được lâu đâu vì đang bị căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng cứ mỗi lần về nhà nhìn thấy các con nhiệt tình giúp bà con làm mọi việc là má lại thấy vui vui trong lòng, cảm giác như bệnh tình bớt đi. Má nói thiệt lòng đó...”. Hôm chia tay bà con về, mẹ bảo anh Minh lấy xe du lịch chở bọn em về. Thấy chúng em từ chối, mẹ buồn lắm. Cuối cùng bọn em đành phải để ba lô lên xe để anh Minh chầm chậm lái xe theo sau, còn đội hình hành quân bộ về đến doanh trại đúng kế hoạch”.

Lính trẻ Đoàn Đặc công B29 bên gốc mai – món quà tình nghĩa của dân địa phương

Thật tình cờ, hôm chúng tôi đến phân đội của thượng úy Dũng thì anh Minh và mẹ cũng vừa về nhà ở ấp Bàu Cỏ sau thời gian đi chữa bệnh. Chúng tôi cùng ghé thăm mẹ. Anh Minh tâm sự: “Má anh đã đi chữa bệnh nhiều nơi những vẫn chưa thể khỏe được. Bà cứ đòi về nhà để được thường xuyên gặp bộ đội thăm hỏi cho vui”. Nhìn mẹ mang trọng bệnh chúng tôi cứ áy náy trong lòng. Thay lời mẹ, anh Minh cứ tấm tắc khen: “Mấy chú bộ đội nhiệt tình quá trời! Kỷ luật rất nghiêm nhưng sống rất tình cảm. Mỗi khi má tôi về nhà, mấy ảnh bận mấy cũng ghé thăm...”. Chỉ tay ra gốc mai đang ra nụ sớm trước sân nhà, mẹ nhắc anh Minh thực hiện lời hứa dành tặng cho phân đội của thượng úy Dũng khi tết đến. Chúng tôi chào tạm biệt, mẹ thều thào dặn dò: “Tết nhớ ghé nhà má lấy ít bánh tét về cho anh em ăn nha”.

Biết ca cải lương nhờ... dân vận

Thiếu tá Trịnh Ngọc Hưng, chỉ huy phân đội kể: Đơn vị có chuyến làm công tác dân vận ở xã Vĩnh Tân (Tân Uyên). Hàng ngày, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã đều cử người mang rau xanh, trái cây đến ủng hộ cho bộ đội. Một số anh em ở tại nhà ông Hòa (ấp trưởng ấp 3, xã Vĩnh Tân). Thỉnh thoảng gia đình ông Hòa lại ủng hộ vài trăm ngàn đồng cho bộ đội cải thiện bữa ăn. Nhưng “nhận thì không đúng, từ chối làm sao đây”?. Không nhận tiền thì gia đình sẽ... giận, mà nhận thì có vẻ như... lợi dụng lòng tốt của nhân dân! Cuối cùng đành nhờ gia đình mua giùm “hiện vật” thực phẩm để nấu luôn cho bộ đội ăn cùng cho vui. Gia đình ông Hòa rất mê... đờn ca tài tử vì thế họ thường xuyên ca hát rất khuya mới đi ngủ. Nhưng bộ đội ta phải đi ngủ lúc 21 giờ 30 phút để bảo đảm sức khỏe cho ngày hôm sau lao động giúp dân. Chẳng lẽ, gia đình ca hát cải lương, bộ đội đã lên giường. Mà “ầm ĩ” thế cũng không thể nằm ngủ được. Thiếu tá Hưng cũng đành để cho các chiến sĩ tham gia cổ vũ vỗ tay sau mỗi bản cải lương, một số chiến sĩ người miền Nam biết ca cũng được phép tham gia hòa nhập với gia đình. Sau một hồi hào hứng vỗ tay, thiếu tá Hưng đã tìm cách nhẹ nhàng xin phép gia chủ cho bộ đội đi ngủ để sáng mai dậy sớm sửa đường, khai thông dòng suối... Gia đình vui vẻ nhất trí và từ tối hôm sau họ cũng biết ý ngừng “cuộc chơi” sớm hơn để yên tĩnh cho bộ đội nghỉ.

Đêm chia tay kết thúc đợt dân vận để các anh về đơn vị tiếp tục học tập huấn luyện, cả chính quyền, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã đã tổ chức liên hoan chia tay bộ đội rất... hoành tráng. Một cựu chiến binh đã đứng lên ca “Người ơi, người ở đừng về” theo lối... vọng cổ. Để “đáp lễ” bà con, hạ sĩ Chí Linh xung phong “đổ” một câu vọng cổ “Đến hẹn lại lên” rất... mùi mẫn khiến tất cả bà con và cánh lính trẻ đều vỗ tay tán thưởng rần rần. Sáng sớm hôm sau, bà con đã đánh cả xe 20 chỗ ngồi tiễn bộ đội về tận đơn vị. Rồi cứ ngày lễ, tết, chính quyền xã, ấp lại tổ chức đến thăm và tặng quà các anh...

Biết làm thơ cũng nhờ... dân vận

Thượng úy Thế Bôn đã nổi danh “nhà thơ” tại Đoàn Đặc công B29 sau một lần làm công tác dân vận. Về với bà con M’nông ở Bù Đăng (Bình Phước) đúng dịp đầu năm mới, chàng sĩ quan trẻ đã cảm hết được cái hay, cái đẹp của núi rừng và những con người chân chất nơi đây. Những gương mặt của các cô gái dân tộc cứ e ấp hiện lên đẹp dịu dàng như những đóa hoa rừng nở giữa mùa xuân. Có lẽ vì thế mà những vần thơ của Thế Bôn luôn được cán bộ, chiến sĩ của đơn vị lưu giữ trong những trang lưu bút và sổ tay: “Chiều hành quân qua bản/ Gặp làn mưa mỏng bay bay/ Vương vương qua những dấu giày/ Dang tay em chào xuân tới/ Bản em bừng lên sắc mới/ Vườn xuân phơi phới đào mai/ Sao em đứng nép hiên ngoài/ Có nghe hương mùa xuân gọi/ Chiều xuân nâng dần ngọn khói/ Cho người chầm chậm bước chân/ Câu thơ ai có nảy vần/ Để níu giữ mùa xuân lại”.

Lần này gặp lại Thế Bôn, anh tâm sự: “Tên mình chính xác là Vũ Văn Bôn, còn Thế Bôn chỉ là bút danh thôi. Những ngày đi làm công tác dân vận ở các huyện Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương) và các huyện Bù Đăng, Phước Long (Bình Phước) đã giúp mình có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác và huấn luyện chiến sĩ. Những kỷ niệm với bà con, dân bản luôn là niềm cảm hứng để mình viết văn, làm thơ cho đồng đội cùng nghe”.

Cùng là những tình cảm thân thiết sâu nặng sau đợt hành quân về giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa, hạ sĩ Phạm Phúc Quyết đã tâm sự trên trang “Sổ tay chiến sĩ” trước ngày xuất ngũ: “Mình sẽ không bao giờ quên những ngày về với bà con M’nông ở Bù Đăng (Bình Phước). Những bữa cơm đơn giản nhưng thật ấm áp tình nghĩa của bà con nơi đây đã khắc sâu trong tâm khảm của mình. Chỉ còn ít ngày nữa là mình sẽ hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về dưới mái ấm yêu thương của cha mẹ, gia đình mình, nhưng chắc chắn những hình ảnh về các mẹ, các chị đã ân cần chu đáo chăm lo từng miếng ăn, ly nước uống cho đơn vị mình trong những ngày làm dân vận sẽ không bao giờ phai nhạt trong quãng thời gian là bộ đội của mình. Bởi vì: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.

BĂNG PHƯƠNG (tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên