Quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh và từng đại biểu đã gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cử tri và nhân dân. Đồng thời, đoàn đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến và biểu quyết thông qua các vấn đề quan trọng của đất nước...
Bài 1: Tham gia lập pháp, giám sát hiệu quả
Bài 2: Chọn trúng và đúng vấn đề cử tri quan tâm
Tìm tiếng nói chung
Có thể thấy dấu ấn của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV là sự phản biện sâu sắc, chọn đúng và trúng vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. Còn nhớ vào tháng 7-2019, Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp tổ chức lấy ý kiến cán bộ công đoàn, công nhân lao động về dự thảo Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi, có 26 vấn đề cần lấy ý kiến từ cán bộ công đoàn các cấp. Tại buổi lấy ý kiến, có rất nhiều ý kiến trái chiều, cần có sự cân nhắc kỹ để bảo đảm quyền lợi người lao động (NLĐ) tốt hơn. Và, các ĐBQH tỉnh đã tìm được tiếng nói chung để góp phần đưa bộ luật đi vào cuộc sống.
Khi đó, trước những trăn trở của NLĐ về dự thảo BLLĐ (sửa đổi), ông Phạm Trọng Nhân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, chia sẻ: “Không chỉ riêng cho Bình Dương, BLLĐ sửa đổi sau khi có hiệu lực thi hành sẽ có những tác động sâu rộng trong đời sống xã hội của cả nước. Tại kỳ họp thứ 7, các vị ĐBQH tỉnh đã phát biểu rất nhiều ý kiến tại phiên họp tổ và thảo luận tại hội trường về các điều khoản của dự thảo sửa đổi, nhất là các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trên cơ sở thực tiễn của tỉnh và các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh còn phối hợp tổ chức các hội nghị khác nhằm tiếp tục lắng nghe sâu rộng các ý kiến góp ý của các đối tượng chịu sự tác động; các chuyên gia, các nhà quản lý nhằm hoàn thiện dự thảo trình kỳ họp thứ 8; đồng thời tiếp tục có ý kiến cũng như bảo vệ các chính kiến, làm hài hòa lợi ích của NLĐ và người sử dụng lao động...”.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp tổ chức lấy ý kiến cán bộ công đoàn, công nhân lao động về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Cùng chung quan điểm, ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (khi đó là Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh) đã có nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng xuất phát từ thực tiễn địa phương để hoàn thiện dự thảo BLLĐ. Đó là vấn đề làm thêm giờ, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ phải đi đôi với các quy định nhằm bảo đảm thời giờ nghỉ ngơi và bảo vệ quyền lợi về tiền lương của NLĐ, tăng tuổi nghỉ hưu...
Từ sự lắng nghe, thấu hiểu, BLLĐ sửa đổi được thông qua, có hiệu lực với sự đồng thuận cao của NLĐ.
Phản biện sâu sắc
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí trưởng đoàn, các ĐBQH tỉnh đã nghiêm túc tham gia các kỳ họp, bảo đảm nội quy kỳ họp, phát huy tinh thần trách nhiệm của đại biểu dân cử trong thảo luận và quyết định các vấn đề về thể chế, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước gắn liền với tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Trong nhiệm kỳ, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia 320 lượt ý kiến trong các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, chất vấn và tranh luận tại các kỳ họp. Các ý kiến phát biểu được đầu tư nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, bám sát các quy định của Hiến pháp, nghị quyết của Đảng, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, từ đó có những phân tích, nhận định, đánh giá toàn diện vấn đề, mang tính phản biện cao, gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, qua đó kiến nghị các giải pháp phù hợp. Điều này đã nhận được sự chia sẻ, đồng tình của các vị ĐBQH, truyền thông và cử tri; đồng thời được cơ quan soạn thảo giải trình và tiếp thu nghiêm túc.
Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia tốt các hoạt động bên lề diễn ra trong thời gian kỳ họp như các buổi hội thảo chuyên đề, các buổi sinh hoạt và hội nghị của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương và các hoạt động ngoại giao của Quốc hội.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, một cán bộ hưu trí ở TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Theo ghi nhận của cá nhân tôi, nhiệm kỳ này ĐBQH tỉnh đã có nhiều tiếng nói trọng lượng trong các kỳ họp; có nhiều ý kiến phản biện rất hay, được người dân chúng tôi đồng tình, tin tưởng”. (còn tiếp)
THU THẢO