Doanh nghiệp “khát” vốn

Cập nhật: 11-04-2010 | 00:00:00

Ngày 10-4, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã làm việc với Thường trực UBND TPHCM, hiệp hội và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM nhằm tháo gỡ những khó khăn hiện nay. Hàng loạt vấn đề nóng bỏng như vốn, lãi suất, tỷ giá, các thủ tục và cơ chế chính sách còn bất cập đã được đưa ra mổ xẻ.

 

Khó tiếp cận nguồn vốn

 

Theo nhận định của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, kinh tế - xã hội của TPHCM quý 1-2010 có những chuyển biến tích cực, tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 11%, an sinh xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, nền kinh tế vĩ mô có một số biểu hiện chưa ổn định, nhiều mặt hàng tăng giá, lãi suất ngân hàng cao gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Do vậy phải có những giải pháp điều chỉnh kịp thời mới thực hiện các mục tiêu đặt ra.

 

 

Công nhân Công ty cổ phần dệt may Thành Công sản xuất vải thun, may hàng xuất khẩu qua Nhật Bản.

 Tại cuộc họp, hầu hết các DN của TPHCM đều cho rằng, một trong những cản ngại lớn nhất hiện nay là thiếu vốn để đầu tư sản xuất vì lãi suất quá cao.

 

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN lo lắng, sở dĩ kinh tế quý 1 vẫn tăng trưởng khá là do các “liều thuốc” kích cầu vẫn còn tác dụng. Thế nhưng, bước sang quý 2, DN phải đối mặt với hàng loạt vấn đề: chi phí đầu vào tăng cao, tỷ giá tăng, lãi suất thỏa thuận ở mức bình quân 17% - 18%... gây khó cho hoạt động DN.

 

Theo bà Lý Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, hiện có tới hơn 80% DN thành viên của hội rất khó tiếp cận với các nguồn vốn vì thủ tục rất khắt khe. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng nói ngay, TPHCM đã thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa. Nếu DN có dự án tốt, nên tìm đến với quỹ này.

 

Không dừng lại ở những DN nhỏ, tại các tổng công ty như Bến Thành, Thương mại Sài Gòn, Samco cũng rơi vào tình trạng thiếu vốn. Do không thỏa thuận được mức lãi suất hợp lý nên các dự án lớn khó triển khai đúng tiến độ.

 

Ông Trần Quốc Toản, Phó Tổng giám đốc Samco cho biết, Samco hiện đang triển khai 2 dự án giao thông trọng điểm nhưng đều bị ngưng trệ do không có vốn để đền bù giải tỏa.

 

Bên cạnh lãi suất, việc điều chỉnh tỷ giá đồng USD gây rất nhiều khó khăn cho DN. Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT Công ty Giấy Sài Gòn cho biết, năm 2009 công ty đã đầu tư rất lớn để nhập khẩu máy móc, đổi mới công nghệ. Thế nhưng, do trượt giá giữa đồng USD và VND kết quả kiểm toán năm 2009 công ty bị lỗ rất nặng. Đó là chưa kể khi nhập khẩu máy móc DN phải chịu mức thuế VAT 10% khiến DN đã khó lại càng thêm khó.

 

Cơ chế riêng cho DN xuất khẩu

 

Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng lãi suất thỏa thuận là phù hợp trong tình hình hiện nay, nhưng không nên cho áp dụng một cách cào bằng cho mọi đối tượng DN. Cụ thể, đối với các DN sản xuất phục vụ xuất khẩu, nhà nước nên duy trì trần lãi suất để tránh tình trạng DN thiếu vốn bị o ép. Thông tin Nhà nước sẽ “bơm” vốn để kéo giảm lãi suất là một thông tin tốt, lãi suất có dấu hiệu giảm xuống. Thế nhưng chưa chắc các DN nhỏ và vừa có thể vay được vốn với lãi suất thấp.

 

Theo đề xuất của ông Nguyễn Băng Tâm, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bến Thành, nhà nước cần có những chính sách khuyến khích DN đẩy mạnh việc cổ phần hóa, niêm yết cổ phiếu để tạo các kênh huy động vốn tốt hơn thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu… Đối với các tổng công ty 90 và 91 cần một cơ chế hoạt động cụ thể, tạo điều kiện tốt nhất cho việc huy động vốn, phục vụ sản xuất.

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã rất tâm đắc với ý kiến này và cho rằng sẽ nghiên cứu để khơi dậy mạnh mẽ nguồn lực trong dân. Theo ông Giàu, 24 năm thực hiện đổi mới nền kinh tế là 24 năm chúng ta đi nhập siêu. Do vậy, quan điểm của việc điều hành vĩ mô hiện nay là đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, chỉ cho vay ngoại tệ khi DN nhập khẩu máy móc thiết bị và các loại hàng hóa trong nước chưa sản xuất được.

 

Về lãi suất, hiện Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ ngành hoàn thành thông tư hướng dẫn áp dụng lãi suất thỏa thuận. Theo đó, chính sách cho vay và hỗ trợ đối với các DN xuất khẩu, các ngành sản xuất có thâm dụng lao động đã có và sẽ được áp dụng. Cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoán đang được Nhà nước cân nhắc. Chưa bao giờ tiền gửi dân cư lại tăng cao như trong quý 1-2010, lên đến 9,2%; dư nợ tín dụng trong năm 2010 dự kiến sẽ đạt 25%, sẽ đảm bảo lượng tiền trong lưu thông hợp lý.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, năm 2009 chúng ta đã thực hiện giãn và giảm thuế lên tới 23.000 tỷ đồng nhưng thu ngân sách vẫn tăng tới 40.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy nỗ lực và vai trò của các DN trong việc đóng góp cho ngân sách. Về kiến nghị của DN liên quan đến thủ tục hành chính, hải quan và cơ chế, chính sách… Bộ Tài chính sẽ xem xét, giải quyết rốt ráo.

 

Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho rằng, cuộc họp đã gỡ dần những nút thắt về vốn, lãi suất. Vấn đề còn lại là việc tổ chức, triển khai các chủ trương mới này như thế nào để nhà nước, bộ ngành và DN tìm được tiếng nói chung. Những vướng mắc, kiến nghị liên quan đến thủ tục, cơ chế, chính sách sẽ được tập hợp bằng văn bản để gửi đúng địa chỉ, đề nghị các bộ, ngành chức năng trả lời TP bằng văn bản cụ thể. Về phía TP, sẽ tiếp tục đồng hành, tổ chức đối thoại với DN để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN đầu tư, phát triển.

 

“Năm 2010, TPHCM dự kiến sẽ phấn đấu GDP tăng trưởng 11%. Để đảm bảo chỉ tiêu này, đồng thời ổn định an sinh xã hội không còn cách nào khác là phải dồn sức cho DN” – Chủ tịch Lê Hoàng Quân kết luận.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên