Doanh nghiệp khát vốn cuối năm

Cập nhật: 30-11-2010 | 00:00:00

Theo báo cáo ngày 26-11 gửi Bộ Tài chính của công ty này, xăng lỗ 1.685 đồng mỗi lít, diezel lỗ 1.500 đồng, dầu hỏa lỗ 1.740 đồng mỗi lít... Mỗi ngày doanh nghiệp xăng dầu lỗ đến hàng chục tỷ đồng và con số này lên đến hơn một nghìn tỷ đồng mỗi tháng.

“Chúng tôi đã liên tục có văn bản gửi tới các bộ ngành từ 10-9 đến nay để xin hướng giải quyết. Đây là những nguy cơ thực sự chứ không phải nguy cơ dự báo”, vị phó tổng giám đốc lo ngại.

Mặt hàng thủy sản xuất khẩu cũng đang gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào và hàng rào kỹ thuật từ thị trường nhập khẩu. Tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 41% trong danh mục các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam 11 tháng năm 2010 nhưng đang bị cạnh tranh khốc liệt ở thị trường Nhật Bản. Cá tra đứng thứ 2 nhưng xuất khẩu trong 11 chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu cá tra đang có dấu hiệu chững lại do nhiều chủ nuôi cá ở đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn về vốn. Theo ông Nam, tỷ giá đôla biến động và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp đói vốn buộc phải “bỏ ao”.

Nguồn cung cà phê thế giới đang thiếu hụt khiến giá cà phê xuất khẩu có xu hướng tăng. Giá tăng cao đã khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn vay vốn ngân hàng, song không phải lúc nào ngân hàng cũng mở rộng hầu bao. Ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam kiến nghị, ngân hàng cần cởi mở hơn để ưu đãi cho nông dân vay vốn mua trang thiết bị nhằm cải thiện tình hình trồng trọt. Ngoài ra doanh nghiệp có thể dự trữ hàng để đảm bảo bình ổn giá cả khi giá cà phê biến động.

Không chỉ lo thiếu vốn, nhiều công ty trong nước còn phải đau đầu đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ doanh nghiệp ngoại. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam phấn khởi đưa con số xuất khẩu ước tính trong năm 2010 đạt kỷ lục 1,1 triệu tấn, tăng xấp xỉ 300% so với năm 2009.

Chưa kịp vui mừng, Hiệp hội Thép đã phải giật mình lo đối phó với thép ngoại đang giành giật thị phần trong nước. Theo ông Nghi, trong 10 tháng đầu năm, lượng thép ASEAN vào Việt Nam đã lên tới 43.000 tấn tăng 6.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. “Thép ASEAN chịu thuế suất 0% đang ồ ạt vào Việt Nam và cạnh tranh mạnh với doanh nghiệp nội”, ông Nghi lo ngại.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay ngân hàng ở khu vực Đồng Nai chưa từ chối một trường hợp cho vay vốn để mua máy móc thiết bị nào. Cà phê không phải là mặt hàng đặc biệt để được hưởng ưu tiên nên quy trình cho vay vốn vẫn phải theo quy định.

Riêng đối với mặt hàng cá tra, theo bà Hạnh nhiều doanh nghiệp không chứng minh được hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bà Hạnh đưa ra minh họa, một số doanh nghiệp nuôi cá quá béo nên không thể xuất khẩu được.

“Ngân hàng luôn đảm bảo đủ vốn cho doanh nghiệp, nhưng đối với mặt hàng không được hưởng chính sách ưu đãi thì quá trình vay vốn phải theo chu trình, quy định”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ban ngành cũng như Hiệp hội và các doanh nghiệp. Bộ Công Thương lắng nghe và sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp để trình lên Chính phủ.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên