Doanh nghiệp logistics trong nước cần chủ động gắn kết

Cập nhật: 08-06-2018 | 08:27:20

Theo các chuyên gia, sự gắn kết giữa các doanh nghiệp (DN) logistics để giảm chi phí logistics sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh hàng hóa của DN địa phương. Việc tìm được tiếng nói chung của DN logistics với các DN xuất nhập khẩu sẽ tạo ra sự gắn bó, thúc đẩy phát triển chung cho cộng đồng DN trong nước.

 DN chịu sự cạnh tranh gay gắt

Trong những năm qua, tận dụng tốt những lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ và hiện đại, cộng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ, các DN kinh doanh dịch vụ logistics tại Bình Dương phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng; hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các dịch vụ cung cấp khá đa dạng và hiện đại như: Dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách; cho thuê kho, bãi; xếp dỡ hàng hóa; khai thác cảng sông, cảng cạn (ICD); dịch vụ khai báo hải quan… cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các DN trong tỉnh.

Bốc xếp hàng hóa tại Công ty TNHH TM-DV Phương Nam

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 ICD đang hoạt động là ICD Sóng Thần và Trung tâm Logistics Dĩ An và 80 DN hoạt động trong lĩnh vực logistics, có thể kể đến như Công ty TNHH Mapletree Logistics, Trung tâm kho YCH - Protrade, Công ty Cổ phần Giao nhận vận tải U&I... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các kho nhỏ lẻ nằm ngoài khu công nghiệp do các DN vừa và nhỏ đầu tư để cho thuê lại.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, ưu tiên đầu tư các dự án giao thông mang tính liên kết vùng nhằm kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với đó nghiên cứu đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật dịch vụ logistics. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 77,7 tỷ USD, Bình Dương cần phát triển thêm tối thiểu 70 ha kho ngoại quan và kho CFS vào năm 2020, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Dương và các tỉnh lân cận.

Tại cuộc họp của lãnh đạo các DN lớn nằm trong ban vận động thành lập Hiệp hội Logistics Bình Dương, lãnh đạo nhiều DN cho biết, đa số DN logistics của Việt Nam là DN nhỏ, vốn ít và thiếu cơ sở vật chất. Năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh doanh của các DN này hiện nay không cao. Trong khi đó, các DN đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thường tìm kiếm các gói dịch vụ logistics tích hợp (phổ biến là 3PL) - vốn không đơn thuần là vận chuyển hàng hóa, mà còn đi kèm với nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác (thủ tục hải quan, lưu kho, đóng gói và phân phối sản phẩm).

Tại Bình Dương, hiện có nhiều DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực logistics. Do vậy, các DN nội chịu sức ép cạnh tranh rất lớn, đặc biệt là các hãng logistics toàn cầu. Cùng với đó, tiềm lực về tài chính của các DN logistics trong nước còn yếu, tổ chức mạng lưới toàn cầu, hệ thống thông tin còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics của các DN trong nước chưa qua đào tạo bài bản, còn thiếu và yếu, đặc biệt thiếu các chuyên gia logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các DN...

DN chủ động liên kết

Hiện nay, vai trò của logistics không chỉ là một ngành dịch vụ đơn thuần, mà là một yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra nhiều cơ hội lớn cho các DN trong nước nói chung và DN logistics nói riêng. Tuy nhiên, các cơ hội không tự đến mà phải do sự nỗ lực của các DN trong nước, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Tuân, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Phương Nam (TX. Thuận An), trước sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp FDI, các DN trong nước phải tự đổi mới, liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến về công nghệ và quy trình, chất lượng phục vụ. Các DN logistics cần chủ động liên kết để tham gia vào thị trường, hỗ trợ, bổ sung cho nhau, đủ khả năng thực hiện chuỗi logistics hoàn chỉnh.

Các chuyên gia cho rằng, DN logistics trong nước cần đánh giá và nhận thức đúng thực trạng của mình, từ đó khắc phục những điểm yếu, phát huy điểm mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh hợp tác với các DN xuất nhập khẩu để hình thành chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu suất hoạt động. Doanh nghiệp logistics cũng cần xác định chính xác phân khúc thị trường của mình; cần sẵn sàng và chủ động tham gia làm đại lý hoặc nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh, “gia công” dịch vụ cho các công ty logistics toàn cầu để thực hiện các công đoạn nội địa. Đây là con đường ngắn nhất để tham gia thị trường, học hỏi kinh nghiệm, cách làm việc, công nghệ của các công ty nước ngoài…

Theo ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, việc thành lập Hiệp hội các DN logistics Bình Dương là cơ hội gắn kết DN logistics, tạo ra những DN đầu đàn, hợp tác chia sẻ các lợi thế nhằm giảm chi phí logistics, tạo ra sân chơi lành mạnh và mang tính cạnh tranh cao trong ngành logistics. Sự ra đời của hiệp hội sẽ làm vai tròcầu nối giữa DN với Nhànước, đềxuất kịp thời những chính sách phát triển vàminh bạch thịtrường logistics, tạo ra các hỗtrợcần thiết đểDN cung cấp logistics nâng cao năng lực cạnh tranh vàtính chuyên nghiệp…

TIỂU MY 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên