Doanh nghiệp rất cần hỗ trợ để duy trì, phát triển sản xuất

Cập nhật: 27-03-2020 | 04:56:01

 Để vượt qua khó khăn sau 3 tháng dịch bệnh Covid-19 khởi phát, nhiều doanh nghiệp (DN) đã xây dựng phương án để có thể tiếp tục “trụ” vững trong thời gian chờ dịch bệnh được khống chế.

 Doanh nghiệp nỗ lực kéo giãn thời gian làm việc nhằm ổn định việc làm cho người lao động. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP.Thuận An)

 “Gồng mình” chống dịch

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, DN chịu nhiều thiệt hại do nhu cầu thị trường suy giảm, thiếu nguồn cung nguyên liệu. Các DN đang cân đối lại chi phí, tiết giảm sản xuất, cố gắng “cầm cự” để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Sau những chuỗi ngày đối mặt với khó khăn về nguồn cung nguyên phụ liệu khi “công xưởng thế giới” ngưng trệ sản xuất trong dịch bệnh thì các DN lại đối mặt với đầu ra cho hàng hóa vì nhu cầu của thị trường suy giảm, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm. Hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đều đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý I-2020. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh lan rộng đã làm sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, một số DN, cửa hàng bán lẻ ngưng hoạt động… dẫn đến việc xuất khẩu các đơn hàng bị gián đoạn, kéo dài thời gian giao hàng hoặc khách hàng thanh toán chậm so với hợp đồng đã ký kết.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, hiện thị trường Mỹ đã có 59% DN trong hiệp hội bị giảm ít nhất 20% đơn hàng, trong đó 18,2% DN bị giảm từ 60 - 80% đơn hàng. Đối với thị trường EU, hiện 81% DN bị giảm ít nhất 20% đơn hàng. “Đứng trước khó khăn kép do thiếu nguyên phụ liệu đồng thời do nhiều quốc gia phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh nên nhiều khách hàng lớn phải đóng cửa hàng, siêu thị. Do đó không tiếp tục đặt đơn hàng mới, đối với các đơn hàng hiện tại họ yêu cầu hủy hoặc giãn ngày giao hàng. Điều này làm cho đơn hàng giảm trong khi đó tồn kho của DN tăng cao dẫn đến gánh nặng chi phí lãi vay, chi phí quản lý… Khi không xuất được hàng thì DN không thể có tiền để trả nợ vay, trả lãi, trả tiền lương, thuế, bảo hiểm… buộc DN phải giảm giờ làm, giảm biên chế hoặc phải đóng cửa. Tuy nhiên, hiện nhiều DN trong hiệp hội vẫn nỗ lực cầm cự để vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Hiệp khẳng định về những nỗ lực của DN gỗ trên địa bàn.

Cũng như ngành gỗ, các DN giày da, may mặc cũng đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt đơn hàng. Nhiều DN hiện chọn giải pháp giãn giờ làm ra còn 4 ngày/tuần nhằm bảo đảm việc làm cho người lao động. Tuy nhiên tất cả các DN đều hiểu đây là khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và bày tỏ mong muốn cùng các cấp, các ngành nỗ lực chống dịch hiệu quả. Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Bình Dương, cho biết đến nay nhiều công ty gia công của ngành đã đóng cửa. Hàng loạt DN, đặc biệt là DN quy mô nhỏ và vừa đang đứng trước nguy cơ doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động, như: Trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... “Chỉ có những DN ký kết hợp đồng tiêu thụ với các thị trường thì vẫn còn hoạt động. Song điều chúng tôi ý thức được là đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng và trong công nhân lao động, nâng cao ý thức trong việc đẩy lùi bệnh dịch, để cộng đồng DN da giày, túi xách nói riêng và cộng đồng DN nói chung sớm ổn định sản xuất”, ông Vũ bày tỏ trách nhiệm của cộng đồng DN trong dịch bệnh.

Về nguồn nguyên liệu, một tín hiệu đáng mừng là hiện nay sau dấu hiệu tích cực trong công tác ngăn ngừa dịch bệnh, số DN đã hoạt động trở lại đang tăng dần. Có khả năng trong quý II-2020 tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu của Trung Quốc được phục hồi dần, sẽ góp phần giải quyết khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất của các DN. Trong khó khăn, dịch bệnh, để phần nào giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường, bên cạnh việc tìm nguyên liệu ngoại nhập, DN cũng đẩy mạnh việc tạo nguồn cung ứng sản phẩm trong nước, hợp tác với nhau để tạo đầu vào cho sản xuất.

Khác với các ngành sản xuất, các ngành dịch vụ lại chịu ảnh hưởng trực tiếp hơn cả trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Theo bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, hiện các đơn vị giáo dục ngoài công lập đang phải chấp nhận bù lỗ các khoản chi phí về thuê mặt bằng, lương nhân viên toàn thời gian, giáo viên cơ hữu… nên hiện rất khó khăn. Trong khi đó, để vượt qua khó khăn, các ngành dịch vụ bán lẻ tăng cường giải pháp bán hàng online qua các kênh của hệ thống siêu thị cũng mang lại nhiều kết quả tích cực.

Cần lắm sự đồng hành

Một trong những khó khăn trước mắt của DN hiện nay là vấn đề tài chính. Ông Điền Quang Hiệp đề xuất phía ngân hàng có chính sách gia hạn thời gian trả nợ, giảm hoặc miễn lãi suất cho vay đối với DN đang gặp khó khăn. Đồng thời tăng các nguồn tín dụng ưu đãi cho các mục đích như chi lương, chi nợ nhà cung cấp cho các khoản nợ trên 30 ngày (thời gian vay khoảng 12 tháng). Bên cạnh đó, các ngành cần tạo điều kiện hoãn nộp các khoản thuế (VAT, thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu, thuế thu nhập DN) và tiền thuê đất cho DN cho đến khi hết dịch bệnh.

Cũng trên quan điểm này, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện, cho biết các DN hiện đang rất khó khăn. Trước mắt, các ngân hàng cần có chính sách đồng hành cùng các DN đối tác. Giãn thời gian đáo hạn, hạ lãi suất vay là các chính sách mà DN đang mong mỏi ngân hàng hỗ trợ…

Trả lời phóng viên Báo Bình Dương về vấn đề này, ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, cho biết trên địa bàn tỉnh ngành ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp như giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ, miễn giảm một số phí giao dịch thanh toán… để hỗ trợ khách hàng thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Đến ngày 20-3, đã có 59 đầu mối tín dụng báo cáo Ngân hàng Nhà nước ước tính có khoảng 8.386 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch trên địa bàn tỉnh, chiếm khoảng 4,15%trên tổng dư nợ vay trên toàn hệ thống. Các ngân hàng đã khẩn trương rà soát tình hình khách hàng vay vốn để chủ động xây dựng chương trình, kịch bản hành động nhằm tháo gỡ những khó khăn cho DN. Bước đầu ghi nhận các ngân hàng đã hỗ trợ cho 34 khách hàng với dư nợ khoảng 544 tỷ đồng thông qua các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng…

 Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trên tinh thần Chỉ thị 11 của Chính phủ đã ban hành, là một địa bàn sản xuất, kinh doanh phát triển mạnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành nhanh chóng nắm bắt thông tin, ước lượng khó khăn, thiệt hại của DN để có các giải pháp ứng phó, đồng thời nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ đến từng ngành, từng lĩnh vực. Hiện nay, các ngành đang lên kế hoạch triển khai những giải pháp cụ thể trên cơ sở hướng dẫn của các bộ, ngành nhằm đồng hành trước những khó khăn mà DN đang gặp phải. Trong khó khăn, thách thức của dịch bệnh Covid-19, ông Trần Thanh Liêm mong muốn các DN cần tiếp tục cùng nhau liên kết, vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất, kinh doanh.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên