Doanh nghiệp trang trại và hội nhập

Cập nhật: 15-06-2015 | 10:36:49

Ngành nuôi bò và chế biến sữa - mô hình liên kết thành công giữa nông trại và doanh nghiệp.

Tại diễn đàn “Đồng hành và chia sẻ cùng doanh nghiệp và trang trại” do Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA) tổ chức ở TPHCM, ông Nguyễn Lâm Viên, Phó Chủ tịch thường trực VFAEA, cho rằng việc ký kết nhiều hiệp định thương mại quốc tế là một thành công của nhà nước, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN), nhưng bên cạnh cơ hội là không ít khó khăn...                         

“Cò đồng ruộng”

Ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng cần chuẩn bị tâm lý và chiến lược kinh doanh để “bước vào cuộc chơi” mới có thể khai thác những mặt thuận lợi của FTA, nhất là với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cũng như nhận ra những hạn chế giúp nhà làm chính sách chiến lược thấy được nguy cơ để có biện pháp khắc phục. Là một trong ít người chế biến và xuất khẩu mặt hàng giá trị gia tăng từ nông sản đầu tiên trong nước, thường xuyên tiếp xúc các vùng nguyên liệu cả nước và bà con nông dân, điều làm ông bức xúc là tình trạng lập đi lập lại thời gian dài ở vùng nông thôn, khi nông sản nào đó hút hàng, giá bán tăng cao đột biến như khoai lang, mít, hành tím… thì thời gian sau đó là “dội chợ”, hàng không bán được do bị thương lái nước ngoài ngưng mua. Hiện nay, “cò đồng ruộng” như là cầu nối cung cấp thông tin cho thương nhân, vừa gợi ý cho nông dân trồng cây hay con gì để mua lại với giá cao hơn mặt bằng giá trên thị trường lúc đó, đến khi lượng hàng hóa tăng lên nhiều thì ngưng mua để dìm giá.

Với lực lượng cò đồng ruộng này, thương nhân các nước có thể tiếp cận mọi nơi từ đồng ruộng, chợ và nắm khá chắc thông tin về lượng hàng hóa những mặt hàng nông sản cần mua, biết để ở nhà kho nào… Người nông dân bị dẫn dắt bởi các “cò đồng ruộng” mà lại không có kiến thức và thông tin gì về thị trường nên câu chuyện mặt hàng này rồi mặt hàng kia dội chợ cứ như điệp khúc. Ông Viên bức xúc: Tại sao lại để “khách” có thể đến ngõ sau của “ngôi nhà” chúng ta, biết cả giá vốn làm ra, nhà kho ở đâu, bao nhiêu hàng. Khi thương thảo hợp đồng mà nhà nhập khẩu biết hết lượng hàng, giá thành mà không dìm giá mới lạ!

Cùng xây “hàng rào”

Việc một vài DN mua giúp bà con khi hàng dội chợ để chế biến chưa thể giải quyết điều gì nếu không có giải pháp căn cơ. Đúng ra phải có liên kết và phân cấp trung gian để quản lý, nông dân chỉ cần sản xuất tốt, nhà phân phối là trung gian như “hàng rào” của ngôi nhà, không cho ai nắm được khối lượng bao nhiêu, giống gì, giá vốn bao nhiêu... Nhà quản lý đưa ra chính sách như giúp “gia cố” hàng rào, cùng phối hợp nhà kinh doanh, hiệp hội tạo ra “hàng rào” thêm vững chắc, giảm bớt thông tin đúng ra không cần phải công bố (như giá thành) mới hy vọng giữ được giá.

Hiện nay, thương nhân nước ngoài mua hàng thông qua các “cò đồng ruộng” rồi đưa thẳng ra biên giới, gây lũng đoạn thị trường mà không có rào cản thuế quan nào, nhưng DN trong nước mua hàng về chế biến tham gia thị trường nội địa phải chịu thuế VAT 10%. Rõ ràng cuộc chơi không công bằng ngay trên sân nhà. Như vậy, khi mở cửa, cuộc chơi càng không công bằng. DN phân phối mua sản phẩm mà nông dân sản xuất ra, đó là hàng rào che chắn cho căn nhà - như cách mà các công ty bất động sản xây dựng ngôi nhà, công ty môi giới mới là nơi bán căn hộ hay ngôi nhà đó. Với sản xuất nông nghiệp, cần phải có các công ty như vậy để làm đầu mối phân phối hàng.

Chúng ta đang bỏ ngỏ điều này. Ngôi nhà không có hàng rào, ai cũng có thể đi tận ngõ sau thì chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, nhất là các FTA và AEC. Không xây dựng được hàng rào sẽ dẫn đến nguy cơ đẩy lùi năng lực làm chủ của các DN nông nghiệp và trang trại ra phía sau bởi không đủ sức mạnh khi hàng rào thuế quan không còn, lúc đó DN nông nghiệp và trang trại sẽ trở thành người làm thuê!

Một quan chức Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho rằng, đến các nước, muốn biết thông tin về chi phi đầu vào nông sản, nhất là những mặt hàng nông nghiệp chủ lực không dễ gì tìm thấy. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đa phần DN hiện nay thông hiểu thị trường nhiều hơn là sản xuất như xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu càng ít được chú ý do quen với việc ra chợ mua về sơ chế, bán hay xuất khẩu. Trái chanh rớt dưới đất chỉ bỏ, trong khi ở Thái Lan họ nhặt lên để chế biến. Thanh long không bán được đổ bỏ trong khi có thể lên men để chế biến. Nhà chế biến ở đâu, tại sao chúng ta chỉ có vài DN chế biến như Vinamit.

Theo Tiến sĩ Vương Đức Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN), ai cũng nói về liên kết, các bộ ngành phía trên cũng nói nhiều, Chính phủ cũng nói nhưng chưa có nhiều liên kết hiệu quả. Bộ KHCN và Bộ NN-PTNT làm tốt về giống lúa, rau quả… Nhưng việc liên kết các bộ KHCN - NN-PTNT - Công thương - Ngoại giao để tìm thị trường cũng chưa được tốt. Ngay cả việc liên kết trong tỉnh giữa các sở NNNT - Công thương - Ngoại vụ cũng chưa thật sự tốt. Kể cả DN, mong muốn liên kết 4-5 nhà, nhưng các DN có tin nhau và bắt tay nhau để cùng đồng hành, đó cũng là vấn đề.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên