Doanh nghiệp trẻ: Lực lượng tiên phong của nền kinh tế

Cập nhật: 02-02-2010 | 00:00:00

Khi đưa ra một định vị về vai trò của doanh nghiệp (DN) trẻ trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, Tiến sĩ - chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan không ngần ngại, cho rằng: “DN trẻ có một vị thế vô cùng quan trọng trong nền kinh tế đất nước bởi họ là những người trẻ, năng động và luôn luôn đóng vai trò của người đi đầu, xông lên phía trước...”.

Các doanh nghiệp trẻ đang tạo việc làm cho nhiều lao động

Đồng quan điểm này, Tiến sĩ kinh tế - Chủ tịch Hội DN trẻ Bình Dương Mai Hữu Tín, nhìn nhận lực lượng doanh nhân trẻ là lực lượng mạnh nhất, đông đảo nhất và đương nhiên là có khả năng phát triển nhiều nhất. Thực tế, theo ông Tín, hầu hết các DN hàng đầu Việt Nam trong khối kinh tế tư nhân đã hoặc đang được điều hành bởi các doanh nhân trẻ. Không chỉ dừng lại ở khối kinh tế tư nhân, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, hiện nay những doanh nhân trẻ cũng đang chiếm số đông trong vị trí các DN lớn của Việt Nam nói chung và ngay trong tỷ trọng doanh nhân thì những doanh nhân trẻ cũng chiếm đại đa số.

Rõ ràng, xét theo góc độ này, doanh nhân trẻ đang là những người “đứng mũi, chịu sào” trên con tàu kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, vươn ra biển lớn. Không những thế, trong lĩnh vực kinh doanh luôn luôn phải chấp nhận rủi ro và theo bà Phạm Chi Lan, những người trẻ có dũng khí để làm việc này tốt hơn. Ngoài ra, hoạt động của DN cũng luôn đòi hỏi sự học hỏi cải thiện và sáng tạo làm mới, nâng tầm DN lên thì chính những doanh nhân trẻ bao giờ cũng có những tố chất này cao hơn so với cộng đồng DN nói chung...

Đánh giá về vai trò của các DN trẻ đối với nền kinh tế đất nước, ông Mai Hữu Tín cho rằng, với sự năng động và sức trẻ của mình, DN trẻ đã có những đóng góp rất lớn vào nền kinh tế chung của đất nước. Sự đóng góp đó không chỉ đơn thuần là thể hiện qua doanh số kinh doanh lớn mạnh, nộp thuế cho ngân sách Nhà nước mà còn là khả năng giải quyết việc làm cho xã hội, tạo ra những tư duy đột phá trong kinh doanh... Ngoài ra, theo ông Tín, các doanh nhân trẻ còn là những người tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, góp ý về chính sách và hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình mọi chính sách kinh tế do Nhà nước đề ra. Tuy nhiên, để đủ sức “lãnh ấn” tiên phong của nền kinh tế đất nước, các nhà DN trẻ bên cạnh việc phát huy thế mạnh sức trẻ của mình thì cũng cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế. Chủ tịch Hội DN trẻ Bình Dương Mai Hữu Tín thừa nhận, hạn chế lớn nhất của DN trẻ hiện nay là thiếu kinh nghiệm, chưa tích lũy được nhiều vốn, chưa có nhiều quan hệ với đối tác cả trong và ngoài nước.

Còn theo bà Phạm Chi Lan, hạn chế mà các DN trẻ cần khắc phục đó là tính liên kết chưa cao. Mô hình Hiệp hội các nhà DN trẻ sẽ là nơi để quy tụ, giúp các DN trẻ liên kết lại chặt chẽ với nhau để cùng phát triển. Nhìn vào mô hình hoạt động của DN trẻ, có thể thấy đây là một trong những mô hình có hệ thống phát triển cao nhất của đất nước hiện nay trong khi các hiệp hội khác thì vẫn chỉ có sự phát triển chừng mực nào đó. Nhưng công bằng mà nói, liên kết vẫn là một điểm yếu không chỉ của DN trẻ mà là của các DN Việt Nam nói chung hiện nay. “Có thể thấy tính liên kết nội bộ của DN trẻ trong nước không cao và ngay cả trong các mối quan hệ kinh tế với các đối tác, với DN nước ngoài cũng không cao, vẫn thiếu tính bền chặt và lỏng lẻo...”, bà Lan cho hay. Do đó, các DN trẻ cần phải ý thức được sự hạn chế này để cải thiện, nâng tầm quan hệ, liên kết của mình lên, nếu không có một sự liên kết mạnh thì sức mạnh của mỗi DN cũng giảm đi và lợi thế nội tại của từng DN cũng sẽ không thể khai thác và phát huy một cách tốt nhất và đặc biệt không thể nhân lên thành một sức mạnh chung tập hợp lại của cộng đồng DN trong nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, các DN trẻ có rất nhiều hình thức để liên kết với nhau mà so với những DN không trẻ, do độ tuổi của họ vốn gắn liền với tính thận trọng, không táo bạo bằng DN trẻ. Các DN trẻ cần phải phát huy được lợi thế này, tiếp tục dấn thân và tự tin thực hiện như hình thành các công ty liên doanh giữa các DN Việt Nam với nhau, phát triển ra thành các công ty cổ phần và trong thời gian tới, theo xu hướng chung, hiện tượng mua lại và sáp nhập giữa các DN chắc chắn sẽ tăng lên ở Việt Nam và các DN nên quan tâm để nắm bắt cơ hội...

THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên