Doanh nhân Lý Ngọc Minh: Xây dựng thành phố thông minh phải có cơ sở dữ liệu lớn
Theo dõi Báo Bình Dương trên
(BDO) Việc Bình Dương thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh (TPTM) đã và đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân. Doanh nhân Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I (gọi tắt Minh Long I) đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Thành phố thông minh - Cơ hội kết nối doanh nghiệp
Trên phương diện là một doanh nghiệp sản xuất gốm sứ của tỉnh Bình Dương, ông Minh cho rằng mục đích chính của việc xây dựng TPTM là làm sao nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn. Khái niệm về TPTM hiện nay được nhắc đến rất nhiều trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, việc xây dựng TPTM và thành phố nào được gọi là TPTM thì chưa hoàn chỉnh và cũng đang trong giai đoạn triển khai.
Theo doanh nhân Lý Ngọc Minh, một thành phố thông minh phải có cơ sở dữ liệu lớn để vận hành, phát triển. Trong ảnh: Mô hình BigData cung cấp các dữ liệu cần thiết, kết nối, vận hành
Đối với việc Bình Dương triển khai xây dựng TPTM theo mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) là bước đi phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Qua mô hình này tạo ra cơ chế hợp tác chặt chẽ, năng động giữa nhiều thành phần địa phương - chính quyền - doanh nghiệp - người dân, phát huy được sức mạnh tập thể và sáng tạo của cả cộng đồng. Việc hợp tác ba nhà sẽ đóng vai trò hỗ trợ mỗi đối tác tham gia có những quyết định tốt hơn, phù hợp với thực tiễn, đồng thời liên kết với mục tiêu chung của các bên. Đối với các doanh nghiệp, việc xây dựng TPTM Bình Dương và lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ là chất xúc tác lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đồng thời sẽ xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, để từ đó có những doanh nghiệp lớn mạnh về công nghệ.
Vai trò của cơ sở dữ liệu lớn
Theo ông Minh, việc xây dựng TPTM cần tập trung vào 3 vấn đề chính, gồm tìm kiếm (cơ sở dữ liệu lớn - big data) - kết nối (đối tác) - giải quyết (thỏa mãn nhu cầu). Đơn cử là trường hợp phát triển các sản phẩm mới của Minh Long I, với sản phẩm sứ dưỡng sinh và có kế hoạch nâng cấp sản phẩm có đầy đủ các tính năng thông minh như nấu từ xa, không cần đốt lửa… để tạo ra bước đột phá mới cho sản phẩm.
“Với kế hoạch này, tôi đã cũng với các chuyên gia của Minh Long I tìm kiếm các nguyên liệu, công nghệ cần thiết để triển khai. Hơn 1 năm qua Trung Quốc tìm kiếm các thiết bị để lắp ráp nhưng tôi nhận thấy công năng và tính hoàn thiện chưa cao. Còn tại Việt Nam, mặc dù tôi biết có nhiều người, nhiều doanh nghiệp có thể cung cấp các nguyên liệu, công nghệ tốt hơn nhưng dữ liệu về các kỹ sư, doanh nghiệp này rất hạn chế; nếu tìm 10 thì có kết quả 3 - 4, tuy vậy dữ liệu vẫn sơ sài”, ông Minh chia sẻ.
Tại Bình Dương, hiện có hơn 37.800 doanh nghiệp, trong đó có hơn 3.500 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Đây có thể coi là nguồn dữ liệu lớn để các doanh nghiệp liên kết với nhau. Tuy nhiên, nhiều người không thể biết các doanh nghiệp đó sản xuất gì, cung cấp gì, cung cấp thị trường quốc tế hay thị trường nội địa. Nếu những người cần tìm kiếm những thông tin đó thì chỉ có những thông tin sơ sài, không hơn kém dữ liệu trong các cuốn danh bạ doanh nghiệp.
Ông Minh nhấn mạnh, muốn kết nối 2 doanh nghiệp để thỏa mãn được thông tin, thỏa mãn được yêu cầu thì đối tác cần có nhiều thông tin lẫn nhau. Để làm được điều này, Nhà nước phải đầu tư để tạo nguồn dữ liệu phong phú, đa dạng; phải có cơ sở dữ liệu thì mới kết nối được đối tượng mình mong muốn, để từ đó mới giải quyết được vấn đề. Nhà nước cần trang bị hệ thống tổng đài tư vấn như 1080 nhưng phải chuyên môn hơn, có nhiều bộ phận để giải thích hoặc tư vấn cho khách hàng.
Ông cũng khẳng định, có nguồn dữ liệu lớn thì việc giải quyết các vấn đề khác như giao thông, y tế, giáo dục, dịch vụ kết nối với nhau sẽ dễ dàng hơn. Sáng tạo khởi nghiệp cũng có cơ sở bắt nguồn từ nguồn cơ sở dữ liệu tốt. Cơ sở dữ liệu là tiền đề để triển khai xây dựng TPTM.
HOÀNG PHẠM